Him Lam được giao nghiên cứu xây cầu Trần Hưng Đạo gần 9.000 tỷ đồng

Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Theo đó, TP Hà Nội giao Công ty CP Him Lam liên hệ với Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP để được cung cấp thông tin và kết quả thực hiện việc tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư.

Đồng thời, cần tổ chức và nghiên cứu lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước và TP, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.

Công ty CP Him Lam phải hoàn thành công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản.

Trong thời hạn trên, Công ty CP Him Lam phải hoàn thành thủ tục lập, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; quá thời hạn, không hoàn thành thủ tục trên thì phải có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.

Theo tờ trình đề xuất của Công ty CP Him Lam gửi UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức BOT có điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km. Mặt cắt cầu đảm bảo 6 làn xe cơ giới, đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiểm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư, đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 6 làn xe.

Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 4.204 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng… Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022-2025.

Trước đây, UBND TP. Hà Nội có chủ trương giao Công ty cổ phần Him Lam nghiên cứu, đề xuất dự án Trần Hưng Đạo theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan thống nhất đề xuất phương án quy hoạch cầu hoặc hầm qua sông Hồng nối từ đường Trần Hưng Đạo sang quận Long Biên làm cơ sở triển khai phương án đầu tư.

Tuy nhiên, hiện hình thức đầu tư theo hợp đồng BT gặp nhiều vướng mắc. Đồng thời, thành phố chưa có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với dự án này.

Vì vậy, tháng 6/2021, Công ty cổ phần Him Lam đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức BOT sau khi phương án kiến trúc được lựa chọn.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đang hoàn thiện phương án kiến trúc trình Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo xem xét quyết định theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội.