Ngành dệt may tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm vượt qua khó khăn

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp khó khăn dẫn đến việc nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng đang phải xoay xở, đối mặt với các thách thức. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt, trong đó có ngành dệt may. Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,298 tỷ USD, tăng 18,11% so với tháng trước và giảm 12,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quý I/2023 đạt 5,087 tỷ USD, giảm 17,97% so với cùng kỳ 2022.

Ngành dệt may tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm vượt qua khó khăn khi sức mua từ các thị trường lớn giảm mạnh, doanh nghiệp chưa có đơn hàng trong thời gian dài. Ảnh minh họa.

Qúy II/2023 tới đây, theo đại diện của Vitas, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng tháng 4. Dự kiến tới tháng 7 – 8/2023 thị trường mới ấm trở lại.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều doanh nghiệp dệt cho biết, nhu cầu về các mặt hàng sợi có cải thiện nhưng không đáng kể, lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp tăng cao, thậm chí lượng tồn lên đến 1 tháng sản xuất. Đối với các doanh nghiệp ngành may, tình hình sản xuất cũng ảm đạm không kém, nhiều đơn hàng bị dừng hoặc nếu có cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp hơn từ 20%-50% so với năm 2022. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp may phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không chủ đạo để để có thể duy trì được hoạt động sản xuất.

Trao đổi với báo chí, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ đang khiến nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại những thách thức về cạnh tranh, sau một thời gian dài các doanh nghiệp của họ phải đóng cửa vì dịch Covid-19.

“Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời hoạt động cho vay gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn ở mức cao, ách tắc về giải ngân vốn và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ doanh nghiệp… đang khiến cho ngành dệt may và các ngành sản xuất khác khó có thể đạt được hiệu quả”, ông Cao Hữu Hiếu cho biết.

Vì vậy, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc tập trung phát triển thị trường nội địa, hướng đến người tiêu dùng trong nước cũng là một hướng đi tích cực được nhiều doanh nghiệp quan tâm.