2.794 tỷ đồng xây đường song hành vành đai 4 Vùng Thủ đô; 2.296 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 4B

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đầu tư 2.794 tỷ đồng xây đường song hành vành đai 4 qua Bắc Ninh

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ký Quyết định số 538/QĐ – UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.3: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Hình minh họa

Theo đó, đoạn tuyến đường song hành vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội qua Bắc Ninh có chiều dài trung bình khoảng 23,5 km trong đó đường song hành trái có chiều dài khoảng 22,2 km (không bao gồm đoạn đi trùng với tuyến số 5 của khu công nghiệp Thuận Thành 1 do Tổng công ty VIGLACERA làm chủ đầu tư); đường song hành phải có chiều dài khoảng 24,8 Km).

Dự án còn 1 đoạn tuyến nối giữa đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội với đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long: Có chiều dài trung bình khoảng 7,105 km (đường song hành trái có chiều dài khoảng 6,64 km, đường song hành phải có chiều dài khoảng 7,57 km).

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường song hành (đường đô thị), loại đường phố chính chủ yếu, được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 60-80 km/h; mặt cắt ngang phần đường (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) rộng 12 m, mặt cắt cầu rộng 15,5 m.

Tổng mức đầu tư Dự án là 2.794 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026 2030 (theo Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 15/6/2022 của HĐND tỉnh Bắc Ninh). Dự án được triển khai từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, tính chất liên vùng, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Đối với Bắc Ninh, đường vành đai 4 là trục giao thông lớn đi qua các khu vực trung tâm của tỉnh, kết nối các huyện, thành phố, đồng thời là tuyến giao thông kết nối các huyện phía Nam sông Đuống (Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành) với các tỉnh, thành phố lân cận, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần cân đối cơ cấu kinh tế giữa các huyện, thành phố trong tỉnh.

Quảng Ngãi: Chấm dứt 11 dự án chậm tiến độ trong 4 tháng đầu năm 2023

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, liên quan đến việc thu hồi dự án, cơ quan này đã phối hợp rà soát và tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư 38 dự án thực hiện không đúng tiến độ.

Trong đó, 12 dự án được chấm dứt trong năm 2021; 15 dự án năm 2022; 11 dự án trong 4 tháng đầu năm 2023.

Trừ các dự án trong Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp tỉnh và các Dự án bất động sản, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 360 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 42.250 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất hơn 12.780 ha. Trong đó, 202 dự án đã hoạt động, 158 dự án chưa hoạt động.

Đáng lưu ý, hiện Quảng Ngãi còn 68 dự án hết tiến độ, trong đó có 12 dự án đã giao đất và 56 dự án chưa được giao đất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp chủ trương dự án trước đây.

Cụ thể, một số dự án đánh giá có thể thu hồi đất để cho nhà đầu tư thuê đất thực hiện, nhưng trong quá trình triển khai thủ tục đất đai gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Ngoài ra, nhóm dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp hiện nay không thể tiếp cận đất đai, vì phần lớn diện tích đất do nhà nước quản lý và pháp luật về đất đai chưa hướng dẫn quy trình thu hồi đất nông nghiệp để cho nhà đầu tư thuê thực hiện dự án.

Tại buổi làm việc với đại diện các sở ban ngành để nghe và cho ý kiến chỉ đạo những vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư ngoài ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thống nhất việc thành lập Tổ kiểm tra, rà soát đối với từng dự án cụ thể.

Đối với các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát và đề xuất thu hồi, hủy quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án không triển khai thực hiện trên thực tế. Đối với các dự án đã cấp quyết định cho chủ trương đầu tư, đã giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện thì xử lý dự án theo quy định của Luật Đất đai.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để kết thúc dự án và đề xuất hướng xử lý phù hợp quy định của pháp luật đối với dự án liên quan đến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, không còn phù hợp với quy hoạch.

Bên cạnh đó, đối với các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chưa giao đất hay cho thuê đất nhưng nhà đầu tư tự ý triển khai thực hiện trên phần đất đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính, làm rõ nguyên nhân để tham mưu hướng xử lý cho phù hợp.

Tạo bước đột phá cho Đắk Lắk – trung tâm vùng Tây Nguyên

Với vai trò là đầu mối giao thông của Tây Nguyên, nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, giai đoạn 2011 – 2020, quy mô GRDP của Đắk Lắk luôn đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2020, GRDP của Đắk Lắk đạt 84.887 tỷ đồng, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng Tây Nguyên, chiếm 28,1% GRDP vùng và 1,3% GDP cả nước.

Ngã sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Ngã sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn là một trong những tỉnh xếp vào nhóm trung bình của cả nước. Một số chỉ tiêu về hiệu suất phát triển có xu thế tụt lại so với các tỉnh và so với trung bình chung của cả nước.

Chia sẻ tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhìn nhận: “Một bản quy hoạch tốt sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự phát triển của tỉnh, đồng thời đảm bảo quá trình triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất”.

Ông Trung cho biết, Đắk Lắk đặt kỳ vọng rất lớn và yêu cầu Quy hoạch phải đề xuất các phương án phát triển để tỉnh khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng những vấn đề cần giải quyết, Đắk Lắk đề ra triết lý quy hoạch đảm bảo phát triển dựa trên 3 trụ cột: môi trường – xã hội – kinh tế, trên nền tảng ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng là: sinh thái đất – nước – rừng; bản sắc văn hóa Tây Nguyên; nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Mục tiêu đến năm 2030, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn. Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. TP. Buôn Ma Thuột – thủ phủ của tỉnh trở thành cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.

Tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học – công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục – thể thao…

Để làm được điều này, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk xác định 5 đột phá là chính sách; liên kết phát triển; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục – đào tạo và y tế; phát triển hạ tầng đồng bộ.

Về tổ chức không gian phát triển, Đắk Lắk định hướng phát triển hệ thống đô thị theo mô hình “Ba cực, đa trung tâm”, chức năng chia sẻ, kết nối thông suốt, hình thành các dải xanh, vành đai xanh, các mảng không gian xanh đô thị.

Theo đó, phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng. Phát triển thị xã Buôn Hồ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh. Phát triển thị xã Ea Kar là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh, là đô thị động lực thứ ba sau Buôn Ma Thuột và Buôn Hồ, là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế –  xã hội của vùng.

Ghi nhận nội dung Dự thảo Quy hoạch đã thể hiện sự chủ động, khát vọng vươn lên của địa phương, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, bên cạnh phát triển kinh tế thì vấn đề đặt ra đối với Đắk Lắk là giữ rừng, giữ an ninh nguồn nước, giữ dân, giữ văn hóa, an ninh trật tự, quốc phòng an ninh.

“Đắk Lắk phải xác định và khẳng định rõ định hướng kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, phù hợp với đặc thù nổi bật của tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý địa phương cần tận dụng lợi thế để khai thác, đón nhận những cơ hội đột phá như hình thành tuyến đường cao tốc, tăng cường tính kết nối, nhất là với vùng Duyên hải miền Trung, có cơ chế đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột.

Quảng Nam: Doanh nghiệp đề xuất đầu tư Cụm công nghiệp Rừng Cấm

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Quang Thành đề xuất thực hiện Dự án đầu tư Cụm công nghiệp Rừng Cấm.

Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đề xuất thực hiện dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Rừng Cấm.

Tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, Cụm công nghiệp Rừng Cấm có diện tích sử dụng đất khoảng 13,8 ha, thuộc xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước). Về hiện trạng sử dụng đất, thì đất ở có diện tích 1.088 m2; Đất trồng cây hàng năm khác là 132.622 m2; Đất nghĩa địa là 3.056 m2; Đất giao thông là 1.234 m2.

Tổng mức đầu tư dự án Cụm công nghiệp Rừng Cấm khoảng 45 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 38 tỷ đồng; Sơ bộ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 7 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 đến hết năm 2025. Thời gian hoạt động của dự án dự kiến 50 năm.

Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, có xét đến năm 2030 sẽ có quy mô 92 cụm công nghiệp, có tổng diện tích hơn 2.613 ha. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, các cụm công nghiệp trong quy hoạch đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 75% và lấp đầy bình quân 90% vào năm 2035. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tại các cụm công nghiệp đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 25% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, tương ứng với 30.000 tỷ đồng và đạt 35.000 tỷ đồng vào năm 2035.  Lao động tại các cụm công nghiệp đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 20% trong tổng số lao động của ngành công nghiệp đang làm việc tại địa phương, tương ứng với 35.000 người và 40.000 người vào năm 2035.

Về khu công nghiệp, hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 14 KCN với tổng diện tích gần 3.677ha. Trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động và 4 KCN đang triển khai.

Đã thống nhất được phương án đầu tư cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ cho phép tách cao tốc đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình và giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng chiều dài đoạn tuyến này khoảng 60,9 km, được xây dựng theo quy mô 4 làn xe đầy đủ, chiều rộng nền đường 24,75 m).

Sơ bộ tổng mức đầu tư đoạn tuyến khoảng 18.823 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay), trong đó: vốn nhà nước tham gia Dự án khoảng 9.312 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT 9.511 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư).

Để có cơ sở triển khai thực hiện, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền của UBND tỉnh Thái Bình tại văn bản số 657/TTg-CN ngày 22/7/2022, trong đó giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.

Đối với cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Bộ GTVT cho biết, đoạn tuyến này chiều dài khoảng 25,3 km; quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75 m; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 4.865 tỷ đồng triển khai theo hình thức đầu tư công.

Trong khi chờ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư đường cao tốc, để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (chủ trương đầu tư) cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình.

“Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản theo đúng quy định”, Bộ GTVT kiến nghị.

Theo Bộ GTVT, đây là phương án đã nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan.

Trước đó, vào tháng 4/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT thống nhất bằng văn bản với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính và các địa phương liên quan về phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại văn bản số 94/TB-VPCP ngày 24/3/2023 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2023.

Dự kiến tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình có chiều dài nghiên cứu khoảng 88 km.

Theo các chuyên gia, việc đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc này là hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ kết nối Tây Nguyên.

Tại vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có cao tốc Bắc Nam Hà Nội – Ninh Bình và một số tuyến cao tốc khác như Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Hà Nội – Lào Cai.

Khu vực vùng trũng trù phú là phía đông Ninh Bình, Nam Định kết nối một phần Thanh Hóa có điều kiện phát triển, tuy nhiên tại khu vực này mới chỉ phát triển nông nghiệp vì hạn chế hạ tầng giao thông, muốn phát triển công nghiệp thì phải phát triển hệ thống giao thông, giảm chi phí logistics.

Do vậy, đường cao tốc nối Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình sẽ kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh; liên thông với hệ thống tuyến cao tốc phía đông từ Hà Nội lên tới Cửa khẩu Móng Cái, rồi các tuyến cao tốc từ Hà Nội lên Lào Cai, Hà Nội lên Lạng Sơn.

Hà Tĩnh sắp công bố Quy hoạch thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022.

Để hiện thực hóa quy hoạch, dự kiến cuối tháng 5/2023, Hà Tĩnh sẽ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào địa bàn năm 2023.

Hà Tĩnh, tầm nhìn quy hoạch đến 2050.
Hà Tĩnh, tầm nhìn quy hoạch đến 2050.

Theo ông Hà, hiện tại, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho sự kiện quan trọng này.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm cung cấp thông tin cơ bản về định hướng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; giới thiệu quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, danh mục Dự án ưu tiên để thu hút đầu tư năm 2023; nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân trong tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch…

“Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2023 có chủ đề “Hà Tĩnh – hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng” ông Hà cho biết.

Hội nghị sẽ chuyển tải đầy đủ các nội dung chính của quy hoạch, tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh đến các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh Trần Nguyễn Huỳnh cho biết: “Sự kiện này là cơ hội để các đối tác có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, tổng thể hơn về tiềm năng, thế mạnh của Hà Tĩnh. Qua hội nghị, tỉnh cũng sẽ lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, khai thác quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bền vững và đảm bảo môi trường; đẩy mạnh liên kết vùng chặt chẽ và phát huy hiệu quả; huy động nguồn lực phát triển kinh tế, nhất là nguồn lực hợp tác công tư; cải thiện môi trường đầu tư.

Theo kế hoạch, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2023 dự kiến sẽ có sự tham gia của rất nhiều đại biểu là lãnh đạo cơ quan Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan ngoại giao quốc tế; doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; một số tỉnh/thành phố trên cả nước; các tỉnh nước bạn Lào; các cơ quan thông tấn, báo chí… Tại hội nghị, Hà Tĩnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điểm nhấn quy hoạch tổng thể tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050  mở ra cơ hội để khu vực ven biển Nghi Xuân trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch phát triển năng động dọc hành lang kinh tế ven biển. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã nêu mục tiêu tham vọng đưa tỉnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước.

Giải ngân đầu tư công tại TP.HCM bắt đầu khởi sắc

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến ngày 21/4/2023, Thành phố đã giải ngân được 2.020 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,9% trong số vốn 43.443 tỷ đồng đã phân bổ cho các Dự án.

Trong đó, vốn ngân sách Thành phố giải ngân được 1.792 tỷ đồng, đạt 6,8% tổng số vốn giao; vốn ngân sách Trung ương giải ngân được 227 tỷ đồng, đạt 1,5% tổng số vốn giao.

Nút giao An Phú, TP. Thủ Đức đang đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân số vốn đã bố trí - Ảnh: Lê Toàn
Nút giao An Phú, TP. Thủ Đức đang đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân số vốn đã bố trí – Ảnh: Lê Toàn

Nhìn vào số vốn giải ngân của tháng 4/2023 có thể thấy tình hình giải ngân đầu tư công của Thành phố đang tăng dần. Bởi vì trong 3 tháng đầu năm, Thành phố chỉ giải ngân được 951,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2% tổng số vốn giao.

Trong đó, vốn ngân sách Thành phố giải ngân được 793,2 tỷ đồng, đạt 3% tổng số vốn giao; ngân sách trung ương giải ngân được 158,2 tỷ đồng, đạt 1% tổng số vốn giao.

Tính đến nay, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án là 43.443 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 14.996 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 28.446 tỷ đồng. Số vốn nói trên mới chỉ chiếm hơn một nửa trong tổng số vốn đầu tư công mà TP.HCM được Chính phủ giao năm 2023 là 70.518 tỷ đồng.

Hiện nay, số vốn đầu tư công phần lớn được dồn vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mà TP.HCM đang thi công và dự án chuẩn bị khởi công.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM đang chuẩn bị giải ngân số vốn rất lớn để chi trả cho giải phóng mặt bằng và khởi công dự án.

Trong đó đợt  1, Thành phố sẽ giải ngân 8.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng và 2.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án. Số tiền 10.000 tỷ đồng phải được giải ngân trước ngày 30/6 năm nay.

“Giải ngân 10.000 tỷ đồng trong 2 tháng là một thách thức chưa từng có tại Thành phố. Để đảm tiến độ, cần sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị liên quan thực hiện dự án”, ông Phúc nhấn mạnh.

Ngoài Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM sẽ khởi công vào tháng 6 tới, từ quý II/2023, các dự án hạ tầng của Thành phố như mở rộng Quốc lộ 50; nút giao An Phú; đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa cũng sẽ tăng tốc thi công để giải ngân số vốn đã bố trí.

Cái Bè tận dụng lợi thế để tăng cường mời gọi đầu tư

Cái Bè là huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang, nằm bên bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, cửa ngõ đi các tỉnh ĐBSCL; đất đai trù phú, kinh tế vườn phát triển mạnh. Chợ nổi Cái Bè trước đây là một trong những chợ đầu mối nông sản nổi tiếng ở miền Tây.

Cái Bè còn có tuyến Quốc lộ 1A chạy qua và một số cầu chiến lược đã được xây dựng như Cầu Cái Bè 2, Vàm Trà Lọt, Vàm Cái Thia… Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được thông tuyến vào cuối năm 2020, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dự kiến hoàn thành trong năm nay, đưa Mỹ Thuận trở thành cửa ngõ chính để trung chuyển kết nối, rút ngắn thời gian đến 2 đô thị lớn là TP.HCM và TP. Cần Thơ, cũng như các tỉnh trong vùng, tạo sức bật lớn để Cái Bè tăng cường kết nối liên vùng, giao thương và thu hút mời gọi đầu tư hiệu quả.

Huyện Cái Bè chào đón nhà đầu tư đến hợp tác cùng phát triển.
Huyện Cái Bè chào đón nhà đầu tư đến hợp tác cùng phát triển.

Đáng chú ý, kinh tế – xã hội huyện Cái Bè năm qua có nhiều tín hiệu lạc quan, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ; có trên 120 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước; cơ bản giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đúng tiến độ các Dự án trọng điểm, như hệ thống cầu trên Quốc lộ 1A, các tỉnh lộ, Dự án đường dây 500 KV Sông Hậu – Đức Hòa, hạ tầng phát triển du lịch huyện Cái Bè, Khu du lịch sinh thái Hòa Hưng, đường gom tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đường lộ Gòn và khu dân cư hai bên đường…

Quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện đề ra, với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, Cái Bè phấn đấu năm 2023 có 24/24 xã nông thôn mới, tiến đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay và đến năm 2025, phát triển thị trấn Cái Bè đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4. Cùng với đó, phát triển, đa dạng hóa các loại hình thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại; liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước; phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 5.942 tỷ đồng, tăng bình quân 13,5%/năm; mỗi năm thành lập 70 – 100 doanh nghiệp mới; đến năm 2025, huyện có ít nhất 28 – 30 hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Huyện ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh.

Trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, Cái Bè tập trung phát triển chuỗi liên kết từ đầu vào đến tiêu thụ nông sản, đáp ứng chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho vùng lúa chất lượng cao, xoài cát Hòa Lộc…

Trên lĩnh vực công nghiệp, Cái Bè tập trung thu hút đầu tư đa dạng hóa ngành nghề công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Đồng thời, củng cố, nâng cấp các ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp như làng nghề bánh phồng thị trấn Cái Bè, bánh tráng xã Hậu Thành. Tiếp tục giữ vững ổn định phát triển Cụm công nghiệp An Thạnh 1, xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp An Thạnh 2, Hậu Thành và Mỹ Hội… Hình thành trung tâm bảo quản, chế biến trái cây tại xã Hòa Khánh.

Cái Bè đang khẩn trương xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các dự án: chợ mới thị trấn Cái Bè, khu dân cư kết hợp chợ mới An Hữu, khu dân cư kết hợp dịch vụ thương mại Mỹ Đức Tây, mở rộng chợ Thiên Hộ, khu đô thị thương mại Hòa Khánh. Phát triển chợ nổi Cái Bè, hạ tầng làng cổ, trùng tu Lăng Miếu – Miễu Cậu để phát triển du lịch theo Đề án Phát triển du lịch Cái Bè giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017- 2020 và định hướng đến 2025”. Triển khai Dự án Đường lộ Gòn và khu dân cư hai bên đường, đưa Dự án Siêu thị Cái Bè vào hoạt động trong năm nay, kết hợp nhà đầu tư khảo sát Dự án Khu du lịch sinh thái Hòa Hưng, đề ra các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án công nghiệp nhẹ, chế biến hàng hóa nông sản, thự phẩm đồ uống… vào khu vực đường dọc sông Tiền.

Đáng chú ý, Cái Bè sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển kinh tế – đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch 318/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển đô thị, đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện và hệ thống bến, bãi đạt chuẩn tiêu chí giao thông theo quy định, chuẩn bị ra mắt huyện nông thôn mới trong năm nay. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch chung đô thị Hòa Khánh, quy hoạch xây dựng vùng huyện Cái Bè đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, quy chế quản lý kiến trúc đô thị An Hữu và đô thị Thiên Hộ.

Ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, huyện quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ giải quyết kịp thời, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Tất cả thủ tục đều được công khai, minh bạch, đảm bảo giải quyết bằng hoặc sớm hơn thời gian quy định. Tăng cường kết nối, mời gọi đầu tư bằng nhiều hình thức, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư mới có giá trị kinh tế cao, sử dụng công nghệ hiện đại….

Đầu tư 2.296 tỷ đồng nâng cấp 62,56 km Quốc lộ 4B qua Lạng Sơn

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 516/QĐ – GTVT phê duyệt Dự án nâng cấp đoạn Km18 – Km80, Quốc lộ 4B.

Cụ thể, Dự án nâng cấp đoạn Km18 – Km80, Quốc lộ 4B do Sở GTVT Lạng Sơn làm chủ đầu tư, có điểm đầu khoảng Km18+00 – lý trình Quốc lộ 4B hiện hữu (khớp nối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km3+700 – Km18+00 đang triển khai thi công) thuộc địa phận huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối khoảng Km80+00 – lý trình Quốc lộ 4B hiện hữu (ranh giới hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh) thuộc địa phận huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.  Tổng chiều dài tuyến đường thuộc Dự án là khoảng 62,56 km.

Trong đó, đoạn từ đầu tuyến đến nút giao Đường tỉnh 236 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,5 m.

Đoạn từ nút giao với Đường tỉnh 236 đến nút giao Quốc lộ 4B hiện hữu được tiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.

Đoạn qua thị trấn Na Dương, thị trấn Đình Lập sẽ giữ nguyên theo quy mô hiện trạng, chỉ thảm tăng cường mặt đường để đảm bảo êm thuận và thoát nước mặt đường. Các đoạn còn lại sẽ thiết kế tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h, quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.

Trên tuyến có 15 cầu, trong đó Dự án sẽ xây dựng mới 5 cầu, mở rộng 9 cầu đảm bảo bề rộng phù hợp với bề rộng nền đường và tải trọng thống nhất trên tuyến, giữ nguyên hiện trạng 1 cầu.

Tổng mức đầu tư Dự án là 2.296,447 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư là 532,633 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.455,166 tỷ đồng…

Công trình dự kiến hoàn thành năm 2024. Nguồn vốn đầu tư được bố trí từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Dự kiến kế hoạch vốn bố trí theo tiến độ thực hiện dự án: Năm 2023 dự kiến khoảng 740 tỷ đồng; năm 2024 dự kiến khoảng 1.556 tỷ đồng.

Bộ GTVT giao Sở GTVT Lạng Sơn thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định, thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch tuyến Quốc lộ 4B, quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Lạng Sơn; nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, phát huy vai trò của Quốc lộ4B trong việc kết nối liên vùng giữa tỉnh Lạng Sơn – Quảng Ninh, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp, du lịch tỉnh Lạng Sơn và củng cố quốc phòng, an ninh 2 tỉnh Lạng Sơn – Quảng Ninh.

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 02/5/2023 về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ:

Thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021-2025. Tuy nhiên, đến nay một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, tập trung vào chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất khu công nghệ cao, đất trồng lúa, đất rừng 3 loại rừng, đất quốc phòng, đất an ninh. Đồng thời, tại Điều 15 Nghị quyết số 81/2023/QH15  ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nhằm đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển  kinh tế – xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy nguồn lực từ đất đai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội), Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội) và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tổng hợp, đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu tổng hợp, việc đề xuất đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch và việc khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất theo quy hoạch.

Triển khai lập, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 cấp tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

b) Trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện (bao gồm: tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; tỷ lệ sử dụng đất cho các mục tiêu sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng,…), trường hợp nhu cầu sử dụng đất có phát sinh (tăng, giảm) so với chỉ tiêu đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 5 năm 2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021-2025 tại kỳ họp tháng 10 năm 2023.

3. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch – Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030.

4. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật trong việc tổ chức thực hiện Công điện này.

Đề xuất chi 250 tỷ đồng để gom nước mưa, giải “cơn khát” nước ngọt ở Lý Sơn

Để bảo vệ mạch nước ngọt trên đảo Lý Sơn, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã nghiêm cấm việc đào, khoan giếng nước tràn lan trên đảo.

Anh Nguyễn Hữu Thạnh ở thôn An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết, đa số người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề trồng lạc, hành, tỏi… nên cần lượng nước ngọt rất lớn để tưới tiêu. Do đó, người dân cũng đào nhiều giếng hơn khiến mạch nước ngầm đang ngày càng suy kiệt, vào mùa hè, đảo Lý Sơn thiếu nước ngọt trầm trọng để tưới tiêu, sinh hoạt…

Hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng, khai thác vận hành từ năm 2012, có dung tích chứa khoảng 271.480 m3 ở đảo Lý Sơn. Ảnh minh họa
Hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng, khai thác vận hành từ năm 2012, có dung tích chứa khoảng 271.480 m3 ở đảo Lý Sơn. Ảnh minh họa

Theo thống kê, diện tích cây màu, rau, quả trồng hàng năm ở huyện Lý Sơn khoảng 250 ha, đồng thời sau thời gian dài khai thác để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, du lịch và sản xuất nông nghiệp, hiện nguồn nước ngầm ở đảo Lý Sơn cạn kiệt rất nhanh, nhiều vị trí bị xâm nhập mặn khá nặng.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư nhiều Dự án cung cấp nước nhưng không được như kỳ vọng.

Cụ thể, công trình hệ thống cấp nước tại Trung tâm huyện (đảo Lớn), được đầu tư xây dựng năm 2016, có thiết kế công suất 1.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.700 hộ dân. Tuy nhiên trên thực tế, công suất của công trình này chỉ còn 147m3/ngày đêm, cấp nước cho 600 hộ dân. Ngoài ra, Công trình Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé (An Bình), được đầu tư xây dựng năm 2012, công suất theo thiết kế 200m3/ngày đêm. Nhưng thực tế, hoạt động của nhà máy chỉ đạt 47% công suất thiết kế, cấp nước cho 98 hộ dân.

Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có tổng số giếng hiện có 2.149 giếng (939 giếng đào, 1.088 giếng khoan thủ công và 122 giếng khoan máy) với tổng lượng nước khai thác, sử dụng khoảng 21.779 m3/ngày đêm.

Theo thống kê, ngành chức năng ước tổng lượng nước mưa trên đảo là khoảng 9 triệu m3/năm. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, lượng nước mưa còn lại khoảng 3 triệu m3 chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển.

Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, các đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư hệ thống kênh mương quanh đảo Lý Sơn để thu gom nước mưa vào các bể trữ tập trung.

Theo ông Hùng, trong vài tháng tới Sở sẽ trình UBND tỉnh Quảng Ngãi về phương án kỹ thuật.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, dự kiến, hệ thống này có thể thu gom 1 triệu m3 nước mưa mỗi năm. Đây là phương án khả thi và ít tốn kém cho nhà nước và người dân hơn phương án biến nước biển thành nước ngọt.

Sau khi việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và bể chứa hoàn thành, số nước ngọt này (1 triệu m3) dự kiến sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy sản khoảng 600.000m3,  phần còn lại (khoảng 400.000m3) thông qua hệ thống xử lý phục vụ cho sinh hoạt và phát triển dịch vụ, du lịch.

Hai thứ trưởng cùng tham gia tổ nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định số 520/QĐ – BGTVT về việc thành lập Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, căn cứ Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, một số quyết định của Thủ tướng; căn cứ Thông báo số 88/TB – CP ngày 22/3/2023 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về đề xuất thực hiện Đề án khai thác thí điểm cát ngoài khơi phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, quyết định thành lập Tổ công tác gồm 28 thành viên đến từ các cơ quan của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các viện nghiên cứu chuyên ngành; các chuyên gia đầu ngành về vật liệu; đại diện Công ty Geleximco. Tổ công tác do ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng; ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng làm Tổ phó.

Tổ công tác có trách nhiệm xem xét, đánh giá kết quả thực hiện của việc nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông; tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, triển khai các nội dung chi tiết nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh  giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông  và xây dựng” gồm: phạm vi khai thác, sử dụng; yêu cầu kỹ thuật, chỉ tiêu vật lý,  hóa, công nghệ xử lý cát nhiễm mặn, hiệu quả kinh tế kỹ thuật và bảo vệ môi  trường, xây dựng tiêu chuẩn, định mức, áp dụng thí điểm cát biển sử dụng trong  công trình dân dụng và giao thông.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về vật  liệu cát biển sử dụng trong công trình dân dụng và giao thông; báo cáo tổng kết đánh giá chất lượng, hiệu quả kinh tế – kỹ thuật, định  mức kinh tế kỹ thuật, công nghệ xử lý cát nhiễm mặn, ứng dụng thí điểm việc sử  dụng cát biển trong công trình dân dụng và giao thông; báo cáo, tham mưu cho Chính phủ về khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng trong công trình  dân dụng và giao thông.

Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị và du lịch hơn 439 tỷ đồng

Ngày 4/5, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi.

Bờ biển xã Tịnh Khê. Ảnh minh họa: H.M
Bờ biển xã Tịnh Khê. Ảnh minh họa: H.M

Theo quyết định, dự án có quy mô diện tích đất thực hiện gần 22.481 m2, trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại liền kề để bán khoảng 4.376m2 (gồm 27 nhà ở liền kề, chiều cao 3 tầng); đất xây dựng biệt thự du lịch để cho thuê gần 4.257m2 (gồm 9 lô biệt thự du lịch, chiều cao 2 tầng); đất khu khách sạn hơn 4.040m2 (cao 20 tầng); đất thương mại dịch vụ gần 1.110m2; đất vườn hoa, cây xanh, thể dục thể thao, bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải với tổng diện tích 8.697,5m2.

Phương án đầu tư xây dựng, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án, tự tổ chức phương án đầu tư xây dựng dự án và quản lý sử dụng.

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 439 tỷ đồng, từ nguồn vốn góp của nhà đầu tư ít nhất chiếm tỷ lệ 20%; vốn huy động dự kiến chiếm tỷ lệ 80%. Dự án có thời hạn hoạt động của dự án 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu dự án này nhằm thực hiện đầu tư xây dựng khu hỗn hợp đô thị – thương mại dịch vụ – du lịch đa chức năng, với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ; kết nối hệ thống hạ tầng cho khu vực và tạo cảnh quan kiến trúc, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững với các quy hoạch; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

Vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá thành công 3 dự án khu dân cư, khu đô thị nằm ở vị trí đắc địa, thuộc địa bàn TP.Quảng Ngãi và vùng giáp ranh huyện Tư Nghĩa, thu về số tiền trên 2.200 tỷ đồng.

Cụ thể Liên danh Công ty Cổ phần Khu đô thị Nam Trường Chinh – Công ty Cổ phần Tổng công ty MB Land, đã trở thành nhà đầu tư chính thức dự án Khu đô thị mới Nam Trường Chinh, nằm trên địa bàn huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư trên 1.815 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị mới Nam Trường Chinh, có quy mô diện tích 438.206 m2, trong đó nhà ở thương mại với 345 căn nhà (4 – 5 tầng), gồm 300 căn nhà ở liền kề và 45 căn nhà ở biệt thự, nằm trên trục đường chính và 501 lô đất ở liền kề để bán; 66 lô đất ở biệt thự để bán; đất nhà ở xã hội với 181 lô…

Với giá đưa ra hơn 168,7 tỷ đồng, cao hơn 3 tỷ đồng so giá khởi điểm, Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Trần Gia Hân – Công ty CP Phát triển Tài sản Việt Nam, đã giành được quyền sử dụng đất hơn 15.800m2 của dự án Chỉnh trang đô thị khu Nam sông Trà Khúc, phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi.

Dự án còn lại là khu dân cư Bắc đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi có diện tích 28.000m2, với giá đấu trúng gần 242,4 tỷ đồng.

Hà Nội thu hút hơn 1,7 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

4 tháng đầu năm, TP. Hà Nội đã thu hút được 1,707 tỷ USD vốn FDI, trong đó cấp mới 103 Dự án với số vốn 35,2 triệu USD; 50 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 91,8 triệu USD; 

105 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 79,9 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản (Sumitomo) mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD.

Cộng dồn 4 tháng đầu năm, Hà Nội có thêm 10.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 93.100 tỷ đồng, giảm 24%. 

Cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục giải thể cho 1.200 doanh nghiệp, tăng 2%. Có 1.413 doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể, tăng 7% và 11.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25% nhưng cũng có 4.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22% so với cùng kỳ. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn 4 tháng đầu năm nay đạt 244.000 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. 

Lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 1.015 nghìn lượt người, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 5,3 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 0,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,4 tỷ USD, giảm 3,8%.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của suy giảm sản xuất công nghiệp trong quý I giảm so với cùng kỳ năm trước là do tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp quý I năm 2023 trên cả nước.

Quý I giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàngtrên thế giới có những tác động nhất định…

Trong khi đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: Ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép….

Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Điều này lý giải vì sao trên địa bàn Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, bên cạnh một số ngành tăng cao thì có một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như ngành sản xuất máy móc, thiết bị (giảm 34,6%); in, sao chụp bản ghi; dệt; sản xuất kim loại; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm…

Dự báo trong thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. 

Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới. 

Thị trường bất động sản suy giảm và nhu cầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…