4 vùng chức năng, 3 trục động lực đưa Bà Rịa -Vũng Tàu phát triển năng động, bền vững

Sáng ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Chủ động kiến tạo để phát triển nhanh, hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành của tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu đã rất quan tâm đến công quy hoạch, chỉ đạo sát sao theo tinh thần cải cách, đổi mới và rất cầu thị để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “công tác quy hoạch có vai trò đi đầu, dẫn dắt, là cơ hội sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển cho mỗi địa phương, vùng, quốc gia”. Do vậy, cần phải thay đổi cách tiếp cận, nếu như trước đây là thích nghi, đối phó, thì nay phải dựa trên tiềm năng, thế mạnh, chủ động kiến tạo để phát triển nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Đức Trung)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, thời gian qua, Bà Rịa – Vũng Tàu có bước phát triển mạnh, cơ cấu, quy mô nền thay đổi rõ rệt. Bên cạnh đó, dư địa phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu còn rất lớn, bởi đây là cửa ngõ quốc tế của cả miền Nam với cảng biển Cái Mép – Thị Vải lớn nhất khu vực này. Tuy nhiên, lợi thế này chưa được khai thác đúng tiềm năng, cùng với đó là khả năng kết nối còn kém bởi chủ yếu dựa bảo Quốc lộ 51, chưa có đường sắt, cơ cấu kinh tế phụ thuộc phần lớn vào dầu khí, chưa có ngành kinh tế mới, nguồn nhân lực chưa tốt…

Bộ trưởng cho biết, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó xác định Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu).Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đang hình thành cũng sẽ tạo ra những cơ hội mới, không gian mới cho sự phát triển của tỉnh.

“Phải xác định rõ vai trò, vị thế, sứ mệnh của địa phương trong thời gian tới. Chắc chắn Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là động lực, bệ đỡ của Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ. Ngoài dầu khí, sẽ còn ngành năng lượng, công nghiệp, logistics…, còn nhiều lĩnh vực mới có thể khai thác, phát triển để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành khu vực cạnh tranh, năng động”, Bộ trưởng nêu rõ.

Cùng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã giúp tỉnh có định hướng rõ nét trong xây dựng quy hoạch tỉnh. Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, “nếu làm không tốt sẽ mất cơ hội, không phát huy, khai thác được hết tiềm năng, lợi thế”.

Ông Thanh cho biết, nếu như năm 2015, 80% nguồn thu của tỉnh đến từ dầu khí thì đến nay, tỷ lệ này đã giảm. Trong xu thế phát triển xanh và bền vững, “lần quy hoạch này, Bà Rịa – Vũng Tàu cơ cấu lại nền kinh tế phát triển theo hướng tích cực, bền vững”, ông Thanh khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh. (Ảnh: Đức Trung)

Bố trí không gian phát triển dựa trên 4 đột phá phát triển

Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tỉnh có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích 1.982,56 km2, chiếm 5,99% diện tích cả nước và xếp thứ 50 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; năm 2020 dân số trung bình của Tỉnh là 1.167.938 người, chiếm 1,2% dân số cả nước và xếp thứ 39 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với quy mô, diện tích không lớn, nhưng Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong số ít những địa phương có vai trò lớn đóng góp vào GDP và tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước.

Bản đồ phân bố đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Báo cáo về quy hoạch, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thực hiện phương châm phát triển “Đột phá – Năng động – Sáng tạo – Bền vững”, Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra tầm nhìn xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Một số giải pháp được tỉnh đề ra nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trên, đó là hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; Hình thành Khu thương mại tự do và trung tâm logistics Cái Mép Hạ; Phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Bên cạnh đó, phát triển các tổ hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ quy mô lớn tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hoá dầu, hạ nguồn hoá dầu, điện – điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo…; Tiếp tục phát triển Côn Đảo hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo; Tạo lập môi trường sống an toàn, trong lành, có chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trung hoà cac-bon và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch cho biết, hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại pháp luật về quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường. (Ảnh: Đức Trung)

Hướng tới sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt: “Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt”, trong thời kỳ 2021-2030, Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển.

Thứ nhất, hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để kết nối thuận lợi với quốc tế, bảo đảm cho Bà Rịa – Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia. Phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Cầu Phước An, Cảng hàng không Côn Đảo; thúc đẩy các thủ tục, triển khai đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.

Thứ hai, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Thứ ba, hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa – Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Thứ tư, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.

Dự kiến đến năm 2050, tỉnh bố trí không gian phát triển theo 4 vùng chức năng: (i) Công nghiệp – cảng biển; (ii) Du lịch, (iii) Nông nghiệp và (iv) Vùng biển – hải đảo; hình thành 3 trục động lực phát triển: (i) Trục động lực dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; (ii) Trục động lực dọc đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và đường Vành đai 4; (iii) Trục động lực dọc ĐT994 và đường trục kết nối Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu.

Đến năm 2050, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng: Hoàn thành hệ thống đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu; hệ thống Metro kết nối các trung tâm đô thị (Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải), hệ thống MonoRail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu; sân bay chuyên dùng Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu) và sân bay chuyên dùng Đất Đỏ; hiện đại hoá hệ thống hạ tầng đô thị và các các công trình hạ tầng khác.