732,8 tỷ đồng nâng cấp luồng hàng hải Nam Nghi Sơn; cầu Nguyễn Hoàng đội vốn 230 tỷ đồng

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

TP.HCM khởi công 3 dự án kết nối đến Sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối năm nay

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa báo cáo UBND Thành phố về tình hình thực hiện 3 Dự án giao thông kết nối đến Sân bay Tân Sơn Nhất.

Phối cảnh tuyến đường nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Phối cảnh tuyến đường nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Cụ thể, đối với dự án nối từ đường Cộng Hòa đến đường Trần Quốc Hoàn, để nối vào nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang vướng 15,5 ha đất quốc phòng nên chưa có mặt bằng để thi công. Để sớm khởi công dự án TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho Bộ Quốc phòng bàn giao trước 11,89 ha cho thành phố để xây dựng dự án.

Khi có mặt bằng, TP.HCM sẽ khởi công trước hạng mục hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn vào tháng 11 năm nay, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 9-2024 để khai thác đồng bộ với nhà ga T3 của Sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án có chiều dài hơn 4 km, trong đó có 2 hầm chui dài 42m, tổng mức đầu tư hơn 4.484 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.

Một dự án khác cũng kết nối đến Sân bay Tân Sơn Nhất là mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp Sân bay) đến đường Cộng Hòa, hiện tại có 121/152 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng. Phần mặt bằng còn lại Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao 3.361 m2 đất quốc phòng để xây dựng dự án.

Theo kế hoạch của Sở GTVT TP.HCM, dự kiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này hoàn thành trong tháng 9 và khởi công trong tháng 10 năm nay. Dự án có chiều dài 783 m, rộng 22m, tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, tuy nhiên do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư tăng lên gần 291 tỉ đồng.

Cuối cùng là dự án cải tạo đường Cộng Hòa, đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, tiến độ đến nay tất cả 16 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý nhận tiền bồi thường, có 5 hộ đã bàn giao mặt bằng cho dự án. Theo kế hoạch đến tháng 9 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng và khởi công trong tháng 10.

Dự án có chiều dài 134 m, được mở rộng từ 14-19 m, tổng mức đầu tư gần 142 tỉ đồng nhưng đến nay tăng lên gần 168 tỷ đồng do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Điểm chung của các dự án này là quy mô không lớn, song có tính chất rất quan trọng để giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất bởi đây là những nút thắt cổ chai thường xảy ra ùn tắc giao thông.

Khi nhà ga T3 hoàn thành, cùng với việc hoàn thàng 3 tuyến đường dẫn vào sân bay tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cải thiện rất nhiều.

Bình Định còn một dự án điện gió chưa vận hành thương mại

UBND tỉnh Bình Định vừa báo cáo Bộ Công thương về tình hình hoạt động đăng ký đầu tư và triển khai thực hiện dự án điện gió trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, tỉnh Bình Định hiện không có dự án điện gió đang triển khai trong quy hoạch phát triển điện lực; không có dự án điện gió được đăng ký, phê duyệt chủ trương đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022.

Nhà máy Điện gió Phương Mai 1. Nguồn: EVNCPC
Nhà máy Điện gió Phương Mai 1. Nguồn: EVNCPC

Hiện nay, tỉnh Bình Định có 1 Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 có công suất 30MW. Dự án này có diện tích khoảng 201 ha, do Công ty cổ phần Năng lượng FICO Bình Định làm chủ đầu tư (tổng vốn đầu tư hơn 1.249 tỷ đồng).

Dự án đã hoàn thành toàn bộ khối lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị và đã hòa lưới nhưng chưa hoàn thành được các quy trình nghiệm thu, thử nghiệm trước ngày 31/10/2021 để đưa vào vận hành phát điện thương mại.

Do vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công thương xem xét sớm đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chuyển tiếp để tạo điều kiện cho các dự án đã hòa lưới nhưng chưa được phát điện thương mại; tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục để đưa dự án vào vận hành phát điện thương mại, phát huy hiệu quả của dự án và tránh lãng phí.

Tính đến tháng 11/2021, tỉnh Bình Định đã quy hoạch khu vực phát triển điện gió nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội với 4 dự án là Nhà máy điện gió Phương Mai 1, Nhà máy điện gió Phương Mai 3, Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1, Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2.

Trong đó, 3 dự án Nhà máy điện gió Phương Mai 3 (công suất 21 MW), Nhà máy điện gió Phương Mai 1 (công suất 26,4 MW) Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 (công suất 30 MW) đã vận hành thương mại trong năm 2021.

Bồi thường Dự án đường vành đai 3 TP.HCM tính phương án đất đổi đất 

TP.HCM dự kiến bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai 3 theo nhiều phương án khác nhau, bao gồm cả phương án đất đổi đất.

Giải pháp này được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đưa ra tại Hội nghị triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ diễn ra ngày 12/7 tại TP.HCM.

Ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường vành đai 3 phải thực hiện xong chậm nhất là quý III/2023.

Dự án có 3.863 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư (TP.HCM 741 hộ, tỉnh Đồng Nai 100 hộ, tỉnh Bình Dương 515 hộ và tỉnh Long An 120 hộ). Tổng kinh phí để bồi thường hỗ trợ tái định cư là 41.589 tỷ đồng.

“Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cần thí điểm bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, nếu làm như hiện nay vừa thu hồi vừa tái định cư thì kéo dài thêm ít nhất 6 tháng”, ông Trực nêu khó khăn.

Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Dự án đường vành đai 3 có khoảng 2.000 ha đất lân cận cạnh tuyến đường, đây là đất nông nghiệp ít dân cư sinh sống. Khi thu hồi diện tích đất này để đấu giá thì có thể thu được 100.000 tỷ đồng để làm đường.

Để có thể giảm số tiền bồi thường, ông Trực đề xuất bồi thường theo hướng đất đổi đất với diện tích tương đương người dân đang ở, đối với đất nông nghiệp dự kiến cũng quy đổi thành đất ở để đổi cho người dân.

“Nếu người dân đồng thuận làm theo hướng này thì sẽ giảm được tiền đền bù giải phóng mặt bằng từ ngân sách. Đồng thời, có nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông” ông Võ Trung Trực nêu giải pháp.

Chủ tịch UBND TP.HCM  Phan Văn Mãi cho rằng, đây là sáng kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời đề nghị Sở hoàn thiện đề án để trình chính quyền thành phố trong tháng 7/2022.

Được biết, phần lớn các dự án giao thông tại TP.HCM bị chậm và đội vốn đều do chậm giải phóng mặt bằng. Đơn cử đường vành đai 2, TP.HCM ba đoạn còn lại dài hơn 11 km đang vướng mặt bằng cần số tiền đền bù lên đến 18.000 tỷ đồng. 

Báo cáo Thủ tướng vướng mắc tại Dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng

UBND TP. Đà Nẵng đã có báo cáo về nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng.

Theo đó, về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2000 cho toàn bộ diện tích 300 ha tại Hòa Quý – Điện Ngọc.

Thành phố Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Khu đô thị làng Đại học Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu đô thị làng Đại học Đà Nẵng.

Trên địa bàn, TP. Đà Nẵng đã hoàn thành và trình UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Tại khu vực tỉnh Quảng Nam, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng đang triển khai công tác lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong các giai đoạn kế hoạch trung hạn 2016-2020 và 2021-2025, Đại học Đà Nẵng đã được bố trí vốn cho 03 dự án và hiện nay đang triển khai thực hiện.

Cụ thể, Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng có diện tích 40 ha tại khu vực phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) đã được cấp đủ vốn đầu tư thực hiện là 675 tỷ đồng. Đại học Đà Nẵng đã giải ngân 647 tỷ đồng và quận Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành áp giá và đang bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng của Dự án. Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc giai đoạn 2018-202, gồm 2 hạng mục xây dựng là Nhà học tập, thực hành, thí nghiệm cho Khoa Y – Dược và Nhà làm việc 05 tầng của Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin, đã được cấp đủ 180 tỷ đồng để thực hiện đầu tư hoàn thành dự án.

Ngoài ra Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc, vay vốn ngân hàng WB (Dự án ODA), tổng mức đầu tư 117,76 triệu USD. Dự án này được đầu tư xây dựng các công trình trên 49ha đất thuộc phường Hòa Quý, Đà Nẵng, trong đó có khoảng 40 ha hiện đang được thực hiện bồi thường, GPMB.

Dự án này đã được Ngân hàng Thế giới công bố hiệu lực vào ngày 19/4/2022. Đại học Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện các bước để triển khai Dự án. Các hoạt động lựa chọn nhà thầu và công tác thi công các công trình sẽ được triển khai theo tiến độ phê duyệt thiết kế, kế hoạch từ quý IV/2022 và kết thúc vào quý IV/2025.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Đại học Đà Nẵng và trực tiếp khảo sát, kịp thời đề xuất tháo gỡ và xử lý các “điểm nghẽn” nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất kế hoạch vốn và giải pháp thực hiện trong thời gian đến.

Đến ngày, 6/5/2022, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 135/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác để trực tiếp rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng, các khó khăn, vướng mắc của dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích gần 300 ha, trong đó Quảng Nam 190 ha, Đà Nẵng hơn 110 ha.

Đến ngày 25/2/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000” với quy mô khoảng 286,5 ha, gồm 96,5ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tại Quyết định 227/QĐ-TTg.

Đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng hơn 79 ha/110 ha.

Trao thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch trên tuyến vành đai 3 TP. HCM

Chiều 13/7, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông – Vận tải) và Công ty Kumho đã ký Ký kết hợp đồng Gói thầu CW1: cầu Nhơn Trạch và đường dẫn Dự án thành phần 1A của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP. HCM.

Quang cảnh buổi ký hợp đồng.
Quang cảnh buổi ký hợp đồng.

Gói thầu CW1 – xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (từ Km10+000 đến Km12+600) có giá trị hợp đồng khoảng 1.813,7 tỷ đồng, bao gồm việc xây dựng cầu Nhơn Trạch có bề rộng mặt cầu 19,75m, chiều dài cầu 2.040m, trong đó nhịp chính là cầu dầm hộp bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng và nhịp dẫn dầm Super-T bê-tông cốt thép dự ứng lực; đường dẫn 2 bên đầu cầu dài 560m. Thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu CW1 là 35 tháng.

Được biết Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 TP. HCM là một trong những phân đoạn quan trọng của tuyến vành đai 3 TP. HCM có chiều dài khoảng 8,22 km, gồm 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 1,92 km đi qua địa bàn TP. HCM.

Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; bề rộng nền đường từ 20,5m – 26m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư Dự án là 6.955,65 tỷ đồng, gồm vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) là 190,77 triệu USD (tương đương 4.175,90 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.779,75 tỷ đồng.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, tuyến đường Tân Vạn – Nhơn Trạch được Bộ khởi động từ năm 2011 với vai trò là tuyến kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ và giải tải áp lực giao thông cho khu vực TP.HCM. Tuyến đi qua các khu chế xuất, khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam nên được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhất là khi Dự án xây dựng đường vành đai 3 TP. HCM đã được phê duyệt.

Ông Tuấn yêu cầu nhà thầu Hàn Quốc sớm triển khai quyết liệt gói thầu CW1 ngay khi nhận được mặt bằng từ TP..HCM và Đồng Nai. Việc thi công càng nhanh thì càng giúp cho nhà thầu giảm áp lực biến động giá vật liệu.

“Gói thầu CW1 với hạng mục cầu Nhơn Trạch cần được xây dựng đúng tiến độ, chất lượng để trở thành công trình kiểu mẫu của mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc”, ông Tuấn nói.

Khẳng định vai trò của tỉnh Bình Dương là động lực tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo, sáng ngày 13/7/2022, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị cùng các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Bình Dương.

Hội nghị đã đưa ra các ý kiến nhằm xác định tiềm năng, động lực phát triển chính của tỉnh Bình Dương. (Ảnh: MPI)
Hội nghị đã đưa ra các ý kiến nhằm xác định tiềm năng, động lực phát triển chính của tỉnh Bình Dương. (Ảnh: MPI)

Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Bình Dương.

Hội nghị tập trung đánh giá sâu sắc, khách quan, toàn diện các kết quả đạt được từ năm 2005 đến nay, nhất là những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,1%/năm, cao hơn gấp 1,52 lần tăng trưởng cả nước (5,99%/năm); Cơ cấu nền kinh tế năm 2020: khu vực dịch vụ chiếm vụ chiếm 22,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 66,59%, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,17%: đạt mục tiêu đề ra; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 151 triệu đồng, tương đương 6.506 USD. Năng suất lao động bình quân đạt 233,1 triệu đồng.

Tuy nhiên, tỉnh có những khó khăn tác động đến sự phát triển. Mặc dù kết cấu hạ tầng được đầu tư khá lớn, đồng bộ nhưng ngày càng quá tải chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Vùng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao, chuyên khoa sâu…

Công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng còn bất cập, tính dự báo của một số đồ án quy hoạch chưa cao; hiệu quả sử dụng vốn có xu hướng giảm; bẫy thu nhập trung bình; áp lực tăng dân số nhanh.

Quá trình tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh trong thời gian qua đã tạo ra một sức ép lớn đến môi trường của tỉnh, có lúc, có nơi tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra; ô nhiễm nước ngầm một số khu vực có tốc độ công nghiệp hoá cao.

Nguồn nhân lực cho phát triển vùng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Chưa có cơ chế huy động nguồn lực chung để giải quyết các vấn đề của vùng cũng như thể chế liên kết vùng còn thiếu và yếu.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Hội nghị là cơ sở để Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là việc xác định tiềm năng, động lực phát triển chính của tỉnh Bình Dương. Đồng thời từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của địa phương đối với từng ngành, lĩnh vực, vấn đề cụ thể.

Qua đó, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hiện hành huy động nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của tỉnh là động lực tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Đầu tư 732,8 tỷ đồng nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng Nam Nghi Sơn

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải vừa ký Quyết định số 869/QĐ – BGTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Dự án có chiều dài tuyến luồng khoảng 5.345 m từ phao số 0 đến vũng quay tàu dùng chung (khu vực ngã 3 trước Khu bến tổng hợp số 1 và số 2 với tuyến luồng vào khu bến nhiệt điện); cỡ tàu thiết kế là tàu tổng hợp, container, hàng rời trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải). Khối lượng nạo vét tại Dự án vào khoảng 2.600.000 m3.

Tàu container cập cảng Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Tàu container cập cảng Nghi Sơn – Thanh Hóa.

Tổng mức đầu tư Dự án là 732,8 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Bộ Giao thông – Vận tải dự kiến kế hoạch vốn bố trí theo tiến độ thực hiện dự án, trong đó năm 2022 bố trí khoảng 130 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 350 tỷ đồng; năm 2014 khoảng 125 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 40 tỷ đồng và khoảng 90,2 tỷ đồng (cho chi phí dự phòng).

Bộ Giao thông – Vận tải giao Ban quản lý dự án Hàng hải tổ chức khảo sát, thiết kế, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công theo quy định; lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án, tuân thủ quy định, phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao; quản lý chặt chẽ các khoản chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển cảng biển Nghi Sơn theo quy hoạch đã được Thủ tướng và Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt nhằm phục vụ phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn. Tăng cường thu hút đầu tư vào Khu bến cảng Nam Nghi Sơn để tận dụng hết công suất hạ tầng cảng biển được đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa cũng như khu vực.

Thủ tướng yêu cầu ACV khởi công Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong quý III/2022

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 204/TB – VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về các Dự án đang triển khai tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hôm 9/7.

Phối cảnh nhà ga hàng khách T3 Tân Sơn Nhất.
Phối cảnh nhà ga hàng khách T3 Tân Sơn Nhất.

Thông báo số 204 nêu rõ, để nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao, từ năm 2020, Chính phủ đã đồng ý triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3.

Đến nay, trong khi Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn đã cơ bản hoàn thành thì việc triển khai các thủ tục bàn giao mặt bằng Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 và các dự án giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, không bảo đảm tiến độ hoàn thành khai thác các dự án theo đúng mục tiêu đề ra.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Quốc phòng và TP. HCM bàn giao 16,05 ha đất quốc phòng cho Dự án nhà ga hành khách T3 và khoảng 11,89 ha đất quốc phòng cho Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa; giải quyết xong vấn đề tài sản liên quan đến 12 ụ bê tông xi măng trong phạm vi dải lăn của đường lăn W11A trong tháng 7/2022.

Về việc triển khai các Dự án Nhà ga hành khách T3 và các dự án giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3, Thủ tướng biểu dương Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thiện, phê duyệt thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và sẵn sàng khởi công các hạng mục rà phá bom mìn, móng của công trình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ACV và UBND TP. HCM tiến hành khởi công trong quý III/2022 sau khi nhận bàn giao mặt bằng, hoàn thành đồng bộ và đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 9/2024.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp kịp thời giải quyết, hướng dẫn các nội dung thuộc thẩm quyền, bảo đảm việc triển khai các dự án nêu trên trong thời gian nhanh nhất.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc bàn giao mặt bằng trên diện tích đất quốc phòng của 2 dự án và triển khai xử lý tài sản là 12 ụ bê tông xi măng.

Tại Thông báo số 204, Thủ tướng giao cho UBND TP. HCM tiếp nhận diện tích đất từ Bộ Quốc phòng, khẩn trương triển khai các dự án đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3, tiến hành các thủ tục liên quan song song với quá trình triển khai Dự án, hoàn thành Dự án đúng tiến độ yêu cầu, đồng bộ với Nhà ga hành khách T3; bàn giao mặt bằng nhận được từ Bộ Quốc phòng cho Cảng vụ hàng không Miền Nam để giao cho ACV triển khai thi công Nhà ga hành khách T3 theo quy định. ACV nhận bàn giao mặt bằng, chủ động khẩn trương triển khai Dự án bảo đảm an toàn, chất lượng, hoàn thành vào tháng 9/2024.

Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 5/2020 có công suất 20 triệu hành khách/năm, giao ACV làm chủ đầu tư Dự án, sử dụng nguồn vốn hợp pháp của ACV để triển khai (không sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước.

Dự án có tổng mức đầu tư là 10.999 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV đã phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 3323/QĐ-TCTCHKVN ngày 4/11/2021; đồng thời lựa chọn nhà thầu Tư vấn thiết kế để triển khai công tác thiết kế kỹ thuật nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến thời điểm hiện tại, hạng mục móng cọc Nhà ga hành khách T3 của Dự án đã được phê duyệt, đã đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công để sẵn sàng triển khai ngay khi mặt bằng được bàn giao.

Bộ Quốc phòng đã hoàn chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với phần diện tích 16,05 ha xây dựng nhà ga T3 theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản đồng thuận.

Tuy nhiên, các thủ tục về giải phóng mặt bằng và bàn giao đất vẫn chưa hoàn tất nên ACV chưa có mặt bằng để khởi công triển khai Dự án.

Ba doanh nghiệp trong nước xin đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6) – Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons – Công ty Xây dựng thương mại Thuận Việt vừa có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được khai thác được 12 năm.
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã được khai thác được 12 năm.

Cụ thể, liên danh Cienco6 – Coteccons – Thuận Việt muốn Bộ GTVT cho phép chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo phương thức PPP.

Ba nhà đầu tư này cam kết tự bỏ chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo khả thi Dự án để trình Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp các báo cáo không được phê duyệt, Liên danh cam kết chịu mọi phí tổn liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Được biết, Cienco6 từng là tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT, có nhiều kinh nghiệm tham gia các dự án hạ tầng giao thông lớn. Cienco6 hiện có số vốn điều lệ 492 tỷ đồng; doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt 3.800 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 520 tỷ đồng.

Coteccons là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dung và công nghiệp với hơn 1.900 lao động. Doanh nghiệp này có số vốn điều lệ 792 tỷ đồng; doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt 48.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 8.247 tỷ đồng.

Thuận Việt là doanh nghiệp chuyên về đầu tư và xây dựng với 20 năm kinh nghiệm, đang phát triển thành một tập đoàn đa ngành nghề. Thuận Việt có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng; doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt 7.800 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 1.678 tỷ đồng.

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 50 km, quy mô 4 làn xe được khởi công năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010. Sau hơn 12 năm khai thác, tuyến cao tốc này đã bị mãn tải, vận tốc lưu thông thực tế hiện chỉ dao động từ 60 – 80 km/h.

Thừa Thiên Huế cấp 18 dự án mới đầu tư vào địa phương 

Sáng 14/7, Hội đồng nhân dân Thừa Thiên Huế tổ chức khai mạc kỳ họp thứ IV Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. 

Báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,92% (mức tăng cùng kỳ 5,72%); đạt mức trung bình khá so với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 16.813,1 tỷ đồng, bằng 46,8% so kế hoạch.

Hội đồng Nhân dân Thừa Thiên Huế khai mạc kỳ họp thứ IV vào sáng 14/7
Hội đồng Nhân dân Thừa Thiên Huế khai mạc kỳ họp thứ IV vào sáng 14/7

Tỉnh đã cấp phép 18 Dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 2.491 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 8 dự án với tổng vốn đầu tư 2.197 tỷ đồng. Đã cấp điều chỉnh cho 14 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 4 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 461,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 16 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 8.990 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã thành lập 4 Tổ công tác do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy nhanh các dự án trọng điểm: Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế; cải thiện môi trường nước TP. Huế… Triển khai các dự án khởi công mới: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, hạ tầng đô thị Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV. Hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án: Đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài trong năm 2022. 

Và đặc biệt, quyết tâm hoàn thành việc di dời dân cư khu vực I di tích Kinh thành Huế trong năm 2022. Khởi công một số thiết chế phục vụ cộng đồng: quảng trường, giao thông nội thị.

Tại kỳ họp thứ 4 này, dự kiến HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận để thông qua 20 Nghị quyết như: Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm 2022; quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh…

UBND tỉnh cũng phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án: Đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 31 Trạm y tế xã, phường, thị trấn – Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị Bệnh viện đa khoa Bình Điền và Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền – Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế – Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh…

Quảng Ngãi: Dự án Điện gió Bùi Hui được đo gió thử nghiệm thêm một năm

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có buổi làm việc với Công ty cổ phần MB INVEST liên quan đến việc thực hiện thử nghiệm đo gió để phát triển Dự án Điện gió Bùi Hui ở huyện Ba Tơ.

Đại diện Công ty cổ phần MB INVEST (ngoài cùng bên phải) thông tin về Dự án Điện gió Bùi Hui. Nguồn: quangngai.gov.vn
Đại diện Công ty cổ phần MB INVEST (ngoài cùng bên phải) thông tin về Dự án Điện gió Bùi Hui. Nguồn: quangngai.gov.vn

Theo Công ty cổ phần MB INVEST, từ tháng 4/2021, họ đã thực hiện đo gió, kết quả tìm năng gió ở cao nguyên Bùi Hui trung bình từ 6-8 m/s.

Công ty cổ phần MB INVEST đánh giá khu vực Bùi Hui có tiềm năng về năng lượng gió, có khả năng phát điện cao.

Do vậy, Công ty cổ phần MB INVEST tiếp tục trình bày với UBND tỉnh Quảng Ngãi các phương án đấu nối dự án điện gió; đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép công ty tiếp tục khảo sát dự án trong thời gian 1 năm để đánh giá kỹ hơn, chính xác hơn các thông số, chỉ số gió, đảm bảo tính khả thi của dự án.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần MB INVEST đo gió thêm 1 năm.

Ông Hiền yêu cầu Công ty cổ phần MB INVEST trong quá trình đo có phát sinh, công ty cần báo cáo với tỉnh, địa phương, sở ngành liên quan. Bên cạnh đó, công ty cần khẩn trương rà soát vị trí trụ, trạm biến áp, tuyến đường dây để đưa vào quy hoạch sử dụng đất.

“Trên cơ sở đánh giá tiềm năng và số liệu đo gió, nếu đảm bảo yêu cầu, Sở Công thương báo cáo Bộ Công thương để ưu tiên đưa vào Quy hoạch điện VIII. Tỉnh Quảng Ngãi thống nhất kết hợp giữa phát triển điện gió và xây dựng du lịch ở cao nguyên Bùi Hui”, ông Hiền đề nghị.

Dự án Điện gió Bùi Hui do Công ty cổ phần MB INVEST làm chủ đầu tư có công suất 120MW, kinh phí thực hiện dự kiến trên 5.100 tỷ đồng.

Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích rộng 25ha ở xã Ba Trang, xã Ba Bích, trị trấn Ba Tơ của huyện Ba Tơ; với khoảng 30 tua bin gió, sản lượng điện dự kiến hàng năm trên 422 triệu kWh.

Dự án Điện gió Bùi Hui đang được xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VIII; kế hoạch đưa vào đồng bộ với tiến độ vận hành của trạm 500kV Bình Định giai đoạn 2023-2025.

Phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa cho biết, tính đến chiều ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký các quyết định phê duyệt 12 Dự án thành phần Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi; Hàm Nghi – Vũng Áng; Vũng Áng – Bùng; Bùng – Vạn Ninh; Vạn Ninh – Cam Lộ; Quảng Ngãi – Hoài Nhơn; Hoài Nhơn – Quy Nhơn; Quy Nhơn – Chí Thạnh; Chí Thạnh – Vân Phong; Vân Phong – Nha Trang; Cần Thơ – Hậu Quang và Hậu Giang – Cần Thơ.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45.

Các dự án này được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026; nguồn vốn là từ Ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội; dự kiến kế hoạch vốn bố trí theo tiến độ thực hiện. Hình thức tổ chức quản lý dự án là áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực.

Đây là mốc nhiệm vụ rất quan trọng, chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và chuyển sang giai đoạn thực hiện Dự án.

Đươc biết, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022; gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Ngày 11/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan để tổ chức thực hiện; đồng thời Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng Ban; Ban Chỉ đạo duy trì chế độ giao ban hằng tháng.

Ngay khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án của Bộ triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra…; thực hiện khảo sát, thiết kế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần.

Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng và tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan. Bộ GTVT đã tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát thực địa, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án thành phần đi qua để thống nhất hướng tuyến dự án, các công trình trên tuyến, làm việc thống nhất với Bộ Quốc phòng về hướng tuyến liên quan đến các công trình, đất Quốc phòng.

Với cơ chế đặc thù mà Quốc hội và Chính phủ cho phép, Bộ GTVT đã triển khai đồng thời việc lập, bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, thống nhất với các địa phương về hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đến thời điểm này các Ban quản lý dự án của Bộ đã bàn giao cho các địa phương hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng của toàn bộ Dự án (đạt 100%).

Mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng đến cuối tháng 6/2022, các cơ quan, đơn vị liên quan đã hoàn thành lập hồ sơ Dự án, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt toàn bộ 12 dự án thành phần; quá trình thực hiện đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

Như vậy, tính từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần là khoảng 6 tháng, rút ngắn được ½ thời gian so với các Dự án giai đoạn 2017 – 2020 được thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường. Tiến độ thực hiện hiện nay đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai lập thiết kế kỹ thuật các gói thầu xây lắp và triển khai các công việc liên quan để khởi công trước ngày 31/12/2022. Các địa phương tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phấn đấu bàn giao 70% diện tích giải phóng mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 20/11/2022.

Đề xuất thêm cơ chế để khởi công Dự án vành đai 3 TP.HCM sớm 6 tháng

Theo kế hoạch ban đầu của TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An Dự ánđường vành đai 3 sẽ khởi công vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại kế hoạch TP.HCM đã thống nhất với các tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án để tiến hành khởi công vào tháng 6/2023, tức là sớm hơn nửa năm.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc Dự án đường vành đai 3, TP.HCM
Phối cảnh nút giao Tân Vạn thuộc Dự án đường vành đai 3, TP.HCM

Đề cập đến mốc tiến độ thực hiện dự án, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, để khởi công sớm hơn so với kế hoạch 6 tháng, TP.HCM và 3 tỉnh có dự án đi qua đã thống nhất đề xuất Chính phủ xin thêm cơ chế thực hiện.

Cụ thể, 4 tỉnh, thành đề xuất Chính phủ cho triển khai đồng thời các công việc gồm thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả; phê duyệt dự án; điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường… để rút ngắn thời gian thực hiện.

Về giải phóng mặt bằng, 4 địa phương đề xuất cho làm đồng thời các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Các công việc khác như xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng được đề xuất làm cùng một lúc.

Nếu các đề xuất này được thông qua thì dự án có thể khởi công vào tháng 6/2023 (sớm hơn nửa năm so với kế hoạch trước đây). Được biết, ngày 15/7, TP.HCM tiếp tục làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để bàn thảo và thống nhất các kế hoạch thực hiện Dự án đường vành đai 3 trong thời gian tới.

Liên quan đến tiến độ dự án, ngày 14/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Hội đồng cố vấn dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

Hội đồng cố vấn có nhiệm vụ tham gia góp ý định hướng về cơ chế, chính sách và các nội dung liên quan trong các lĩnh vực như kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, đấu thầu, quản lý chi phí, tổ chức thi công, tổ chức điều hành dự án…

Ngoài ra, Hội đồng cố vấn còn tư vấn, phản biện, góp ý phương án, đề xuất giải pháp tối ưu và nhận diện các vướng mắc phát sinh, kịp thời tư vấn cho UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Quảng Bình kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cảng tổng hợp quốc tế Hòn La

Ngày 15/7, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh này vừa công bố mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Quy mô dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La gồm 4 bến cập tàu, trong đó mỗi giai đoạn đầu tư 2 bến.

Cảng Hòn La hứa hẹn sẽ là động lực phát triển phía Bắc tỉnh Quảng Bình trong tương lai
Cảng Hòn La hứa hẹn sẽ là động lực phát triển phía Bắc tỉnh Quảng Bình trong tương lai

Mục tiêu đầu tư xây dựng khu bến cảng tổng hợp nhằm phục vụ cho Khu kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết hợp tiếp chuyển hàng cho CHDCND Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng, container và tiếp nhận tàu khách quốc tế.

Tổng mức đầu tư dự án là 2.112 tỷ đồng. Tiến độ đầu tư dự án chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 khởi công quý 1/2023, hoàn thành quý 4/2024; giai đoạn 2 khởi công quý 1/2025, hoàn thành quý 4/2026.

KKT Hòn La nằm trong chuỗi các khu kinh tế ven biển miền Trung, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Quảng Trạch gồm: Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân.

Một số khu chức năng trong Khu kinh tế Hòn La đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết gồm có: KCN cảng biển Hòn La 109,26ha; khu công nghiệp Hòn La II 177,1 ha; khu tái định cư 49,7ha; khu dân cư đô thị 73,5ha…

Đắk Lắk thúc giục hoàn thiện hồ sơ Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn về việc phối hợp thực hiện và tiếp nhận hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Theo đó, Tỉnh Đắk Lắk giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các thủ tục phân cấp ủy quyền cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột để chủ động phối hợp thực hiện theo thẩm quyền.

Bí thư tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung kiểm tra kiểm tra thực tế Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh.
Bí thư tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung kiểm tra kiểm tra thực tế Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm làm đơn vị đầu mối của tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải để tiếp nhận hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và quản lý, lưu trữ hồ sơ đảm bảo theo quy định hiện hành. 

Tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, căn cứ ý kiến của Bộ Giao thông – Vận tải về nội dung kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của các đơn vị được phân công thực hiện quản lý, đầu tư các dự án thành phần; khẩn trương báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Trước đó, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết về việc bố trí ngân sách tỉnh tham gia Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).

Tỉnh Đắk Lắk bố trí 50% chi phí giải phóng mặt bằng các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, với số vốn là 916,5 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025

Tỉnh Đắk Lắk, đảm bảo bố trí vốn tham gia của tỉnh theo tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án; trong trường hợp tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần trên địa bàn, ngân sách tỉnh sẽ bố trí tăng tương ứng 50%.

Theo quy hoạch, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 117,5 km; trong đó, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km. Toàn tuyến dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm, gồm: Hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100 m, hầm Ea Trang khoảng 700 m và hầm Chư Te khoảng 700 m.

Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng; dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

Giá vật liệu tăng, dự án cầu Nguyễn Hoàng đội vốn hơn 230 tỷ đồng

Ngày 15/7, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thông qua chủ trương điều chỉnh Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, thuộc TP. Huế, với mức vốn đầu tư điều chỉnh tăng hơn 230 tỷ đồng.

Phối cảnh cầu Nguyễn Hoàng bắt qua sông Hương
Phối cảnh cầu Nguyễn Hoàng bắt qua sông Hương

Cụ thể, trước đó dự án cầu Nguyễn Hoàng bắt qua sông Hương (TP. Huế) được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt có tổng mức đầu tư là 2.050,492 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 1.500 tỷ đồng). Trong đó ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 là 800 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách tỉnh.

Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn chỉnh các thủ tục về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên, do giá thép hiện nay gia tăng đột biến, cao hơn nhiều so với thời điểm lập báo cáo chủ trương đầu tư (giá thép tại tháng 11/2020 là 13.000 đồng/kg và nay là 22.000 đồng/kg, tăng 69%); trong khi, phần cầu vòm nhịp chính chủ yếu kết cấu bằng thép. 

Các loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng, dẫn đến tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 tăng từ 1.500 tỷ đồng thành 1.855,665 tỷ đồng. Việc điều chỉnh dự án chủ yếu là điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, từ 2.050,492 tỷ đồng thành 2.281,696 (tăng 231,204 tỷ đồng). Riêng quy mô dự án đầu tư không thay đổi.

Dự án cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9/2022. Dự án gồm 2 hạng mục chính gồm: cầu vượt sông Hương với chiều dài khoảng 380m, chiều rộng 43m; đường Nguyễn Hoàng, có chiều dài tuyến khoảng 1,08km, loại đường liên khu vực với vận tốc thiết kế 60km/h.