An Giang: Hơn 1.328 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Thành phố Châu Đốc (An Giang) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang được giao tổng vốn đầu tư phát triển 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.328.873 triệu đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới là 821.680 triệu đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 339.286 triệu đồng;  vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 167.907 triệu đồng.

Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã thực hiện giao chi tiết là 1.173.305 triệu đồng, còn lại là 155.568 triệu đồng (Thủ tướng Chính phủ giao trong tháng 2/2023), tỉnh đang thực hiện trình tự thông qua HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 13 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến diễn ra vào ngày 31/5/2023) để giao chi tiết hết kế hoạch vốn.

UBND tỉnh An Giang cho biết, lũy kế vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã giao trong 2 năm 2022 và 2023 là 668.027 triệu đồng, đạt 50,27% tổng vốn.

Về giải ngân, tính đến hết quý I/2023, giải ngân là 85.476 triệu đồng, đạt 12,8% và ước đến hết năm 2023 giải ngân là 634.626 triệu đồng, đạt 95%.

Theo UBND tỉnh An Giang, tiếp nối kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, sau 2 năm thực hiện (trong giai đoạn 2021-2025) các chương trình mục tiêu đã có tác động hiệu quả đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn); 69/110 xã nông thôn mới và 29 xã nông thôn mới nâng cao.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đầu năm 2021 toàn tỉnh có 10.232 hộ nghèo, tỷ lệ 1,90%, đến cuối năm số hộ nghèo còn 4.696 hộ, chiếm tỷ lệ 0,87% (giảm 1,03%, đạt kế hoạch đề ra).

Đầu năm 2022 (số liệu đầu kỳ), toàn tỉnh có 20.129 hộ nghèo, tỷ lệ 3,82%, đến cuối năm số hộ nghèo còn 14.872 hộ, chiếm tỷ lệ 2,81% (giảm 1,01% so với đầu năm), đạt kế hoạch đề ra.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế- xã hội địa phương và tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả của Chương trình.

Đầu năm 2022 toàn tỉnh có 4.026 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 14,85%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2022 còn 3.161 hộ, chiếm tỷ lệ 11,70%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, giảm 3,15% so với đầu năm.