Ba dự án cao tốc Bắc Nam có kịp thông xe kỹ thuật ngày 31/12/2022?

Thảm bê tông nhựa trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Thảm bê tông nhựa trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Đây là thông tin được Bộ GTVT đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình triển khai 2 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng mục tiêu thông xe kỹ thuật 3 đoạn Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Băc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 vẫn được đảm bảo.

“Các nhà thầu đã ý thức việc sớm hoàn thành các dự án không chỉ là trách nhiệm hợp đồng mà còn thể hiện bản lĩnh, năng lực, danh dự của đơn vị để có thể được tiếp tục giao việc trong giai đoạn tới”, ông Huy cho biết.

Hiện nay, các nhà thầu thi công vẫn đang dồn nguồn lực để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại để đưa 3 dự án thành phần nói trên vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023 theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Được biết để thực hiện “mệnh lệnh nói trên”, Bộ GTVT đã đã phát động kế hoạch thi đua nước rút “120 ngày đêm” nhằm tạo nên bước đột phá trên các công trường, đặc biệt là đối với 3 dự án thành phần là đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.

Trong một thời gian ngắn, các đơn vị đã huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực; tổ chức thi công “3 ca’, “4 kíp”. Số lượng máy móc các nhà thầu huy động đã vượt số lượng yêu cầu trong hợp đồng.

Trong đó, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đã  huy động thêm: 7 trạm trộn bê tông nhựa, 6 dây chuyền thảm bê tông nhựa, 5 dây chuyền rải cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 8 máy san, 8 máy ủi, 34 lu rung; đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã huy động thêm: 62 lu rung, 5 máy san, 10 máy rải, 1 trạm bê tông xi măng, 3 trạm bê tông nhựa, 100 xe vận chuyển; đoạn Phan Thiết – Dầu Giây  đã huy động thêm 3 trạm trộn bê tông nhựa, 7 dây truyền thi công bê tông nhựa, 10 dây truyền thi công cấp phối đá dăm và cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 4 máy khoan đá, 22 máy lu nền đường, 70 xe ôtô vận chuyển các loại…

Sản lượng trung bình thi công tháng của các dự án trước đó chỉ từ 2% – 2,5% đã tăng lên 4,0 – 4,5%, tiến độ trên các công trường đã có chuyển biến rõ rệt (từ sản lượng tháng 9/2022 khoảng 50% đến 31/12/2022 sẽ đạt được gần 80% toàn dự án và trên 90% của tuyến chính).

Đây là nỗ lực rất lớn của các ban quản lý dự án và nhà thầu tại 3 dự án nhất là trong bối cảnh khối lượng thi công của các dự án rất lớn, công tác xử lý nền đất yếu phức tạp, kết quả quan trắc theo dõi lún tại đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 cho thấy chưa đủ điều kiện dỡ tải trong năm 2022; thời tiết bất thường với mưa trái mùa (từ đầu tháng 9/2022 đến nay, số ngày mưa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa 36/120 ngày;  tỉnh Bình Thuận 51/120 ngày; tỉnh Đồng Nai 54/120 ngày); cục bộ tại một số địa phương khu vực Nam Trung bộ xẩy ra hiện tượng khan hiếm nguồn cung xăng dầu cũng là những rào cản để đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, các dự án cao tốc Bắc – Nam được đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung. Mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác kéo dài (Đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, đến tháng 4/2022 mới khai thác được mỏ đầu tiên, mỏ Hòn Lúp 0,8 triệu m3 được cấp phép khai thác từ tháng 3/2022 nhưng đến tháng 9/2022 mới bắt đầu được khai thác; đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, cuối tháng 2/2022 tỉnh Đồng Nai mới giải quyết xong thủ tục khai thác) làm việc triển khai thi công còn chậm so với kế hoạch đề ra.

“Ngoài ra cũng có nguyên nhân chủ quan năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế, nhà thầu chưa nỗ lực, huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu”, ông Huy cho biết và khẳng định những vấn đề này đã được Bộ GTVT rút kinh nghiệm, có biện pháp xử lý rốt ráo tại Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025.