Bạc Liêu cùng nhà đầu tư kiến tạo những giá trị mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu cùng các nhà đầu tư tại công trình Điện gió Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ Dự án
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu cùng các nhà đầu tư tại công trình Điện gió Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ dự án

Với chủ đề “Bạc Liêu – Tiềm năng và khát vọng phát triển”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022 đã thu hút khoảng 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư và đại biểu trong, ngoài tỉnh tham dự. Tại sự kiện, Bạc Liêu đã trao chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng, công bố Danh mục mời gọi đầu tư gồm 195 dự án trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là 5 lĩnh vực “trụ cột” phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có 14 dự án với tổng vốn đăng ký trên 166.000 tỷ đồng, đang được 9 nhà đầu tư tiếp cận, cam kết tham gia đầu tư

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, Bạc Liêu luôn chào đón các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư, hợp tác kinh doanh. Tỉnh cam kết sẽ hợp tác tích cực và luôn đồng hành chia khó với doanh nghiệp, nhà đầu tư theo tinh thần “3 nhất”. Đó là giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng nhất và hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất theo phương châm “việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”.

“Sự thành công của quý doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển, thành công của Bạc Liêu”, ông Phạm Văn Thiều khẳng định. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mong muốn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Bạc Liêu nhiều hơn và cùng nhau quyết tâm biến “giấc mơ” trở thành “hiện thực”, bằng những dự án động lực thiết thực, bằng sự chung sức đồng lòng, để tạo ra những bước phát triển mới, những giá trị mới và đưa “con tàu” Bạc Liêu không ngừng tăng tốc, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Đẩy nhanh Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và các dự án điện gió

Đầu tháng 12/2022, trong chương trình công tác tại Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ – Cà Mau qua tỉnh Bạc Liêu và thăm các dự án điện gió đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài 110,85 km, tuyến nối khoảng 25,9 km với tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, có khoảng 3.800 hộ bị ảnh hưởng, hiện nay các cơ quan đã đền bù GPMB đạt khoảng 85%. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Dự án đi qua 2 xã Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) với chiều dài 7,7 km, tổng kinh phí thực hiện GPMB khoảng 184,51 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải thẩm định phê duyệt Dự án; đảm bảo bố trí đủ vốn cho địa phương để tổ chức thực hiện bồi thường GPMB theo quy định; phối hợp với địa phương trong quá trình triển khai GPMB và tiếp nhận mặt bằng sạch để tổ chức thi công Dự án.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chuẩn bị tốt các khâu đầu tư, thẩm định khách quan, phê duyệt kịp thời, lựa chọn nhà thầu có uy tín, kinh nghiệm, không chia nhiều gói thầu; đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, có giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Về nguồn vật liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thúc đẩy việc thử nghiệm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, các địa phương không cục bộ về nguồn vật liệu.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển điện gió, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, tạo điều kiện cho Bạc Liêu sớm được bổ sung quy hoạch điện gió của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 tổng cộng 2.000 MW (gồm 500 MW điện gió trên bờ và 1.500 MW điện gió ngoài khơi) để phát huy tiềm năng điện gió của địa phương.

Về đầu tư lưới điện truyền tải, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, sớm phê duyệt quy hoạch đường dây truyền tải 500 kV từ Bạc Liêu đi Thốt Nốt, Cần Thơ; đồng thời chấp thuận đưa dự án đầu tư đường dây truyền tải này vào danh mục dự án đầu tư được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VIII. Trường hợp khó khăn, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng đường dây truyền tải và thu hồi vốn theo quy định pháp luật hiện hành…

Làm việc với các doanh nghiệp điện gió, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cụ thể là điện gió, điện mặt trời. Để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch bền vững, lâu dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có cơ chế khuyến khích, xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả,

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ vốn, kêu gọi nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ, bên cạnh các đề xuất về phát triển điện gió, tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn đường cao tốc từ nút giao IC6 ra đê biển Bạc Liêu (thuộc quy hoạch cao tốc trục ngang Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu); xem xét cho tỉnh đầu tư Dự án Đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu sử dụng vốn vay nước ngoài (60,5 km, kết nối Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau, dự kiến thời gian thực hiện đến năm 2030).

Bạc Liêu cũng kiến nghị các bộ, ngành giúp tỉnh tháo gỡ vướng mắc về cơ chế nhằm sớm đưa Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vào vận hành, khai thác; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành một số vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý đất đai; quản lý tài nguyên khoáng sản; về việc hỗ trợ người dân mới thoát nghèo mua bảo hiểm y tế…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19; phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện tốt mục tiêu mà tỉnh đề ra, thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm về sự phát triển của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng phân tích các tiềm năng, thế mạnh và đề nghị tỉnh lưu ý các vấn đề như giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI; phát triển hạ tầng y tế, giáo dục và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu…

Ủng hộ mục tiêu xây dựng Bạc Liêu xanh, nâng cao đời sống nhân dân…, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát, quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Bạc Liêu phải phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực để có sự đột phá; không trông chờ, ỷ lại mà phải đi lên từ bàn tay, khối óc, trí tuệ của mình để biến không thành có, biến cái khó thành cái có thể vì mục tiêu phát triển của Bạc Liêu nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn Bạc Liêu phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, chú trọng thành lập các trường nghề để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với các lĩnh vực mũi nhọn, sự phát triển của tỉnh.

Đối với các ngành kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Bạc Liêu phải phát triển thế mạnh của tỉnh từ lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường hoạt động nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn cho ngành chăn nuôi; phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; phát triển du lịch gắn với đặc thù văn hóa đặc sắc, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn…

Đối với các kiến nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng lưu ý Bạc Liêu phải cụ thể hóa các vướng mắc, khó khăn và đề xuất hướng giải quyết theo lộ trình thời gian rõ ràng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương xem xét, giải quyết đề xuất của địa phương về phát triển điện gió và đầu tư lưới điện truyền tải; nhất trí đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn đường cao tốc từ nút giao IC6 ra đê biển Bạc Liêu càng sớm càng tốt; đầu tư tuyến đường ven biển tỉnh Bạc Liêu; đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau; chấp thuận cho địa phương thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tháo gỡ khó khăn cho Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu…