Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công; Ga Nhà hát TP.HCM tiến gần đích

Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công về:

1-  Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C.

2- Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án; nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C.

3- Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, B, C tại nước ngoài.

4- Phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.

5- Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6- Đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường để quyết định chủ trương đầu tư dự án.

7- Quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng.

8- Lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch trung hạn và hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.

9- Giải pháp tổ chức, triển khai thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

10- Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước.

11- Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước.

12- Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/4/2020.

Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức quản lý thực hiện theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Bãi bỏ quy định tại khoản 2 Điều 6, Điều 46, Điều 47 Nghị định  số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, quyết định đầu tư và tổ chức quản lý thực hiện theo quy định của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài áp dụng quy định tại Nghị định này và quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một nội dung áp dụng quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều đại dự án hạ tầng chuyển động

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm để tạo động lực phát triển cho kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tính đến đầu tháng 3/2020, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bố trí vốn để thanh toán các dự án chuyển tiếp, khởi công mới và chuẩn bị đầu tư 16 dự án trọng điểm. Theo đó, lũy kế vốn đầu tư công năm 2019 giải ngân đạt 1.536,4 tỷ đồng.

Cảng CMIT thuộc cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Cảng CMIT thuộc cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải.

Kế hoạch năm 2020, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bố trí 1.431 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công, trong đó, hạ tầng giao thông, cảng tàu du lịch, sân bay, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, điện khí, trường học, khu đô thị… là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng đầu tư lớn.

Cụ thể, với Dự án Cầu Phước An, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép – Thị Vải rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư Dự án theo Luật Đầu tư công trước khi tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra trong tháng 4/2020.

Một dự án trọng điểm khác là Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bộ Giao thông – Vận tải đang phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh triển khai dự án, đảm bảo quy định pháp luật. Giữa tháng 2/2020, Bà Rịa – Vũng Tàu đã họp về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức hợp tác công tư.

Tỉnh cũng đang chú trọng triển khai đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, trong đó, dự án có tính chất quan trọng nhất là đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải (giai đoạn I). Hiện tại, đoạn từ Cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) tới thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã thông tuyến.

Tuyến giao thông thứ hai kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải và các khu công nghiệp (tổng chiều dài 4,44 km) sẽ hoàn thành trong năm 2020 là đường Phước Hòa – Cái Mép. Trên tuyến đường này, cầu Mỏ Nhát bắc qua sông Mỏ Nhát chỉ còn 1 nhịp đang thi công. Dự kiến, trong quý I/2020, sẽ hợp long cầu, thông suốt toàn tuyến.

Bên cạnh đó, Dự án Đường 991B nối Quốc lộ 51 từ nút giao Hội Bài – Tóc Tiên với đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với tổng chiều dài 9,73 km cũng đang được thi công. Đây là trục chính đi qua các khu công nghiệp Cái Mép, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3. Theo kế hoạch, trong năm 2020, đoạn còn lại (từ cầu Mỏ Nhát đến Quốc lộ 51, dài 5,33 km) sẽ tiếp tục khởi công sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Ngoài 3 tuyến đường trên, tỉnh cũng đang thực hiện các dự án giao thông kết nối với hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải gồm: cầu Phước An, Quốc lộ 56 tuyến tránh TP. Bà Rịa, đường Long Sơn – Cái Mép, đường sau Cảng Mỹ Xuân – Thị Vải…

Giảm lĩnh vực, linh hoạt quy mô đầu tư dự án PPP

Thu hẹp từ 6 xuống 5 lĩnh vực đầu tư PPP, quy mô đầu tư tối thiểu có thể giao Chính phủ quy định chi tiết, đó là một số thay đổi đáng chú ý tại dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đang được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thu hẹp từ 6 xuống 5 lĩnh vực đầu tư PPP, quy mô đầu tư tối thiểu có thể giao Chính phủ quy định chi tiết, đó là một số thay đổi đáng chú ý tại dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đang được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Sau khi đã thu hẹp so với dự thảo trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP tại dự thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phiên họp tháng 3/2020 bao gồm 6 lĩnh vực: giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước;  y tế; giáo dục – đào tạo.

Dự thảo mới hoàn thiện đầu tháng 4/2020 tiếp tục thu hẹp, theo giải thích của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của ngành, địa phương.

Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Với quan điểm này, trụ sở cơ quan nhà nước đã được bỏ ra khỏi các lĩnh vực đầu tư PPP, giữ nguyên 5 lĩnh vực còn lại.

Liên quan đến quy mô tối thiểu của dự án PPP, dự thảo luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp tháng 3/2020 vẫn giữ quy định không thấp hơn 200 tỷ đồng như ban đầu.

Tuy nhiên nhiều ý kiến tại đây đề nghị không chốt cứng ở một mức. Một số ý kiến nhất trí với việc giao Chính phủ quy định hạn mức quy mô đầu tư tối thiểu của dự án PPP phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và tùy từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tuy nhiên cần làm rõ mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 200 tỷ đồng hay không thấp hơn 100 tỷ đồng để phù hợp với nhiều địa phương, các lĩnh vực đầu tư khác nhau.

Do còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề xuất 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phương án 1: giữ như quy định tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh – quản lý.

Quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.

Phương án 2: Giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục- đào tạo, y tế… hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế -xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.

Một chỉnh lý đáng chú ý nữa là quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP.

Theo đó, với kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP, tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, dự thảo luật đã lược bỏ quy định về thời điểm yêu cầu đối với nội dung kiểm toán này (dự thảo tháng 3/2020 quy định phải thực hiện trước khi ký hợp đồng).

Dự thảo mới nhất cũng quy định trong dự án PPP còn ba nội dung gồm: kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại điều 73 của luật này, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 điều 71 của luật này, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 điều 45 của luật này.

Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.

Khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Tuyến Metro số 1: Ga Nhà hát TP.HCM tiến gần tới đích

Sáng nay (8/4), Ga Nhà hát TP.HCM thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang được các nhà thầu gấp rút hoàn thành san lấp mặt đường.

Ga Nhà hát thành phố là một trong hai ga ngầm của gói thầu 1B tuyến metro số 1, được thiết kế ngầm dài 190m, rộng 26m.

Theo thiết kế, nhà ga này gồm 4 tầng, trong đó tầng 1 là khu vực tiện ích phục vụ hành khách như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh…

Toàn cảnh công trình nhìn từ Nhà hát Thành phố.
Toàn cảnh công trình nhìn từ Nhà hát Thành phố.

Từ trong công trình nhìn ra đã thấy Nhà hát thành phố và các TTTM và các khách sạn lớn.

Tầng 2 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách. Tầng 3 có trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát an toàn, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện… Tầng 4 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón trả khách.

Dự kiến, nếu không có thay đổi nào bất thường, trong dịp lễ 30-4 sắp tới, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM sẽ bố trí cho người dân vào tham quan một số khu vực bên trong ga Nhà hát TP.

Người dân sẽ được phép vào tham quan theo đúng chỉ dẫn của đội ngũ nhân viên tại đây.

Trước đó, các đơn vị cũng tiến hành tháo dỡ rào chắn phía trước Nhà hát TP.HCM (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi) sau gần 6 năm thi công.

Sau khi tháo dỡ, mặt bằng được bàn giao lại cho Sở Giao thông Vận tải Thành phố khôi phục cảnh quan.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự kiến cuối năm 2021, tuyến metro số 1 sẽ hoạt động.

Đến nay, dự án đã đạt tiến độ khoảng 71% khối lượng và tháng 6-2020, đoàn tàu của metro sẽ được nhập khẩu về nước.

Dự kiến, quý 3-2020, đoạn trên cao từ Bình Thái về Depot Long Bình (quận 9, TP.HCM và Bình Dương) sẽ được tiến hành chạy thử.

Cần hoàn thiện đồng bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ vào năm 2022

Tập đoàn Đèo Cả mong muốn các cơ quan chức năng sớm triển khai đoạn tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư của cả tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ dài hơn 100 km .

Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhằm hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhằm hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Liên quan đến việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ PPP sang đầu tư công, ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc chọn hình thức đầu tư, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ GTVT.

“Với chúng tôi, điều quan trọng vẫn là phải chọn được phương án tối ưu nhất để triển khai và đưa dự án về đích đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2022, nhằm đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ”, ông Thủy khẳng định.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết là đã từng có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp triển khai Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, trong đó nêu rõ phương án, kế hoạch thực hiện để thông tuyến vào cuối năm 2021.

“Dựa trên những tính toán và đề xuất khá cụ thể của chúng tôi sẽ tận dụng thiết bị sẵn có, sự phối hợp nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án gần một nửa thời gian để kịp hoàn thành trong năm 2022, rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn được 2 năm 2 tháng) giảm gánh nặng cho người dân”, ông Thủy thông tin.

Liên quan đến việc Bộ GTVT vừa trao quyết định đầu tư cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) thay thế cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), ông Thủy cho rằng việc quyết định hình thức đầu tư hay quyết định chuyển đơn vị quản lý dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT. Tập đoàn Đèo Cả ủng hộ phương án chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm để có thể sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, mối quan tâm hàng đầu của đơn vị đang tham gia quản lý Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành và chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của người dân và cán bộ công nhân viên đang trực tiếp lao động tại Dự án.

Hiện dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến việc huy động nhân công, cung cấp vật liệu cho Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong khi các tồn tại liên quan thủ tục để bố trí, giải ngân phần vốn NSNN hỗ trợ (còn 410 tỷ ) chưa được xử lý dứt điểm; việc cấp phép khai thác vật liệu chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.

“Đáng lo ngại là các đầu mối cung cấp vật liệu tại địa phương như cát, đá… hiện đang có dấu hiệu lợi dụng tình trạng khó khăn để ép giá, làm cẩu thả. Điều đó sẽ gây hậu quả xấu cho Dự án về lâu dài”, ông Thủy cho biết.

Được biết, tại Thông báo số 147/TB – VPCP ngày 7/4/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng đánh giá việc sớm triển khai đầu tư đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực vận tải trên trục cao tốc quan trọng này, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ GTVT chuyển đổi sang hình thức đầu tư công theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc áp dụng cơ chế như các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công để đạt mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nhằm bảo đảm nhu cầu vốn chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho 8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Đồng Nai bàn giao mặt bằng sạch trong tháng 5/2020

Theo Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Đồng Nai thì với tiến độ giải phóng mặt bằng như hiện nay, dự kiến trong tháng 5-2020, tỉnh Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ “mặt bằng sạch” cho chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai cho biết để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang tập trung tối đa để hoàn thành những công đoạn cuối để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Khi xây dựng hoàn thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Tùng
Khi xây dựng hoàn thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Tùng

Theo đó, Dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến khoảng 99 km. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5 km chạy qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và thành phố Long Khánh và diện tích đất phải thu hồi khoảng 395 ha của 884 hộ gia đình.

Thông tin Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã cơ bản hoàn thành. Trước đó, do có một số vấn đề khó khăn về xác định vị trí đất, đơn giá bồi thường nên bị chậm tiến độ. Hiện tại các vướng mắc đã được tỉnh Đồng Nai tháo gỡ.

Riêng tại huyện Xuân Lộc, do có diện tích đất cần thu hồi lớn nên tiến độ thực hiện chậm hơn so với tiến độ chung. Cụ thể, đoạn cao tốc qua huyện Xuân Lộc nằm trên địa bàn 9 xã. Tổng diện tích đất cần thu hồi là 274 ha của 520 hộ dân. Địa phương này đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết mới đây tỉnh Đồng Nai đã quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường. Thời gian tới, UBND huyện Xuân Lộc sẽ tập trung toàn lực thực hiện công tác áp giá, hoàn thành và phê duyệt phương án bồi thường để chi trả tiền cho người dân. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được huyện Xuân Lộc hoàn thành trong tháng 5/2020. 

Ngoài công tác giải phóng mặt bằng diện tích đất của các hộ gia đình, tỉnh Đồng Nai còn phải thực hiện di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: điện, viễn thông, cấp nước trong phạm vi dự án. Đặc biệt, việc di dời hệ thống lưới điện cao thế 220kV và 500kV là phức tạp nhất. UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo Sở Công thương và yêu cầu các huyện khẩn trương triển khai thực hiện các tiểu dự án trên địa bàn, di dời các hệ thống điện bị ảnh hưởng ra khỏi phạm vi dự án. Riêng với UBND huyện Cẩm Mỹ phải tiến hành thuê tư vấn lập hồ sơ di dời công trình đường dây điện cao, trung và hạ thế và thực hiện trong tháng 4/2020.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai khẳng định với tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng như hiện nay, dự kiến trong tháng 5-2020, tỉnh Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ “mặt bằng sạch” cho chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Chính thức bãi bỏ quy hoạch tổng thể cảng hàng không Gia Lâm – Hà Nội

Cảng hàng không Gia Lâm sẽ không còn hiện diện trên bản đồ hàng không với tư cách một sân bay dân dụng.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 528/QĐ – BGTVT về việc bãi bỏ Quyết định số 980/QĐ – BGTVT ngày 28/4/2006 về việc quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm, Tp. Hà Nội, giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

Trước đó, vào tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 236/QĐ – TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tại Quyết định này, cảng hàng không Gia Lâm không còn nằm trong hệ thống mạng cảng hàng không toàn quốc, đồng thời Thủ tướng đã giao Bộ GTVT thực hiện các thủ tục bãi bỏ quy hoạch tổng thể cảng hàng không Gia Lâm đã duyệt để Bộ Quốc phòng quản lý theo hiện trạng.

Sân bay Gia Lâm - Hà Nội sẽ chỉ còn đóng vai trò là sân bay quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý.
Sân bay Gia Lâm – Hà Nội sẽ chỉ còn đóng vai trò là sân bay quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý.

Cảng hàng không Gia Lâm có diện tích 302 ha, tại quận Long Biên, Tp. Hà Nội được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tổng thể vào năm 2006 với vai trò cảng hàng không Gia Lâm là cảng hàng không nội địa cấp 3C và sân bay quân sự cấp II. Tuy nhiên, do các hạn chế về nguồn vốn nên Bộ GTVT chưa tiến hành đầu tư khu hàng không dân dụng tại cảng hàng không Gia Lâm.

Được biết, cảng hàng không Gia Lâm hiện vẫn do Quân chủng Phòng không không quân quản lý, đang khai thác bay quân sự, không có hoạt động bay dân sự. Vì vậy, việc hủy quy hoạch cảng hàng không Gia Lâm chỉ mang tính chất hủy quy hoạch hoạt động bay dân dụng và hủy chức năng là sân bay dùng chung. Cảng hàng không Gia Lâm vẫn giữ nguyên quy mô hiện hữu và vai trò hiện hữu là sân bay quân sự.

Trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Công ty CP Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Hàng không đã đánh giá việc phát triển cảng hàng không Gia Lâm để khai thác dân dụng giai đoạn đến năm 2020 không còn phù hợp chung với xu hướng phát triển các cảng hàng không ra khỏi khu vực nội thành trên thế giới.

Ngoài ra, cảng hàng không Gia Lâm cũng không phù hợp với với kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam và xu thế phát triển đội tàu bay trên thế giới vì để có thể khai thác dân dụng tại cảng hàng không Gia Lâm sẽ phải kéo dài đường cất hạ cánh (khó khả thi do không phù hợp với quy hoạch phát triển của Hà Nội và quy hoạch vùng thủ đô).

Bổ sung 1 cầu cảng thuộc khu bến Nha Trang đón được siêu tàu du lịch 225.000 GT

Bộ GTVT thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch 1 cầu cảng thuộc khu bến Nha Trang có khả năng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT và tĩnh không tuyến cáp treo Vinpearl Nha Trang.

Lý do dẫn tới chủ trương này, theo Bộ GTVT là tại Quyết định số 2370/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (Nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030, khu bến Nha Trang được quy hoạch chuyển đổi công năng, quy hoạch phát triển thành đầu mối du lịch biển đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT và tàu chở khách trên tuyến nội địa Bắc – Nam; năng lực thông qua 200 nghìn lượt khách/năm.

Việc có một cảng bến đón được tàu du lịch quốc tế cỡ lớn sẽ góp phần nâng cao hạ tầng du lịch tại Khánh Hòa.
Việc có một cảng bến đón được tàu du lịch quốc tế cỡ lớn sẽ góp phần nâng cao hạ tầng du lịch tại Khánh Hòa.

“Do vậy, đề nghị bổ sung quy hoạch 1 cầu cảng thuộc khu bến Nha Trang tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT là phù hợp định hướng quy hoạch chi tiết cảng biển tại khu vực” ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Hiện tuyến luồng hàng hải Bắc Nha Trang không bị ảnh hưởng bởi tuyến cáp treo Vinpearl hiện hữu. Mặt khác, với tàu khách dung tải đến 225.000 GT cũng không thể hành hải qua tuyến luồng Nam Nha Trang với tĩnh không 47 m như hiện nay.

Do đó, Bộ GTVT thống nhất đề xuất của Công ty CP Vinpearl về bổ sung cầu cảng mới tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT nằm tại phía Bắc bến cảng Nha Trang; các tàu có tĩnh không yêu cầu lớn ưu tiên sử dụng luồng hàng hải Bắc Nha Trang để cập cảng.

Bộ GTVT đề nghị Công ty CP Vinpearl căn cứ điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy hải văn), điều kiện hiện hữu của tuyến luồng Bắc Nha Trang và các yếu tố hoạt động hàng hải tại khu vực… để có phương án quy hoạch mặt bằng, khai thác bến cảng đảm bảo đáp ứng các yếu tố kinh tế – kỹ thuật, hiệu quả đầu tư; đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Bộ GTVT cũng thống nhất ủng hộ chủ trương dịch chuyển trụ T2 sang vị trí T2’ và hạ độ cao tĩnh không giữa trụ T2’ – T3 đạt 9,5 m và điều chỉnh hướng tuyến luồng hàng hải Nam Nha Trang đi qua giữa trụ T3 – T4, độ cao tĩnh không tuyến cáp treo khi có tải đạt 38,31 m.

Bộ GTVT yêu cầu Công ty CP Vinpearl triển khai các thủ tục bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư bến cảng tiếp nhận tàu khách du lịch 225.000 GT theo quy định của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải về quản lý hoạt động hàng hải và các quy định liên quan của pháp luật; căn cứ điều kiện hiện trạng khu vực để cân nhắc quy mô đầu tư phù hợp đảm bảo an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, khai thác bến cảng.

Bên cạnh đó, trước khi thực hiện việc hạ độ cao tĩnh không tuyến cáp treo và dịch chuyển hướng tuyến luồng hàng hải Nam Nha Trang, đề nghị Công ty CP Vinpearl có văn bản cam kết chịu trách nhiệm về các chi phí thực hiện điều chỉnh thiết lập tuyến luồng, xây dựng các khu quay trở tàu; dịch chuyển các trụ cáp treo, báo hiệu hàng hải và các chi phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật; cam kết tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, khai thác tuyến cáp treo sau khi thực hiện những thay đổi nêu trên.

Trước đó, Công ty CP Vinpearl đã đề nghị các cơ quan chức năng chấp thuận phương án quy hoạch cầu cảng Nha Trang tiếp nhận tàu khách du lịch có dung tải 225.000 GT và cải tạo, nâng công suất; thỏa thuận độ cao tĩnh không tuyến cáp treo Vinpearl Nha Trang nhằm nâng cao năng lực hạ tầng du lịch tại địa phương này.

Hà Nội thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản thúc đẩy tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và năm 2020. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19.

Theo kế hoạch được HĐND thành phố phê duyệt, tổng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 là 107.303 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã bố trí 101.019 tỷ đồng và số vốn còn lại sẽ được bố trí tiếp trong năm 2020. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31/1/2020, lũy kế kết quả giải ngân mới đạt 67.490 tỷ đồng, bằng 62,9% kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, tăng cường rà soát, đánh giá dự án và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2020 đối với các dự án trọng điểm trước ngày 30/6/2020.

Thành phố cũng yêu cầu tập trung thi công các công trình, dự án chuyển tiếp và có khả năng bàn giao trong năm 2020. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế – dự toán, đấu thầu… kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Chỉ đạo các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại công trường, đảm bảo tiến độ thi công công trình nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho người lao động.

Thành phố cũng chỉ đạo chủ đầu tư các dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán trong thời hạn 4 ngày từ lúc có khối lượng được nghiệm thu; thực hiện cơ chế giải ngân, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, thanh quyết toán… linh hoạt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công; bảo đảm đẩy nhanh tiến độ các dự án; phấn đấu giải ngân hết vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và vốn năm 2020.

Cấp bách cứu cao tốc

Cho đến thời điểm này, sau đúng một năm “đóng băng” mọi hoạt động thi công, những tổn thất tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 51 km, có tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể đong đếm bằng những con số cụ thể.

Đó là việc chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC) đã đánh mất quyền giải ngân tại Hiệp định Vay vốn lần thứ nhất từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá 350 triệu USD từ ngày 30/6/2019 và tiếp tục đối diện với nguy cơ mất tiếp quyền giải ngân tại Hiệp định Vay vốn ADB lần thứ hai trị giá 286 triệu USD, nếu không kịp hoàn thành các thủ tục gia hạn trong ít ngày tới.

Tổn thất là rất lớn nếu biết rằng, các gói thầu xây lắp sử dụng vốn vay ADB tại dự án này mới chỉ giải ngân chưa đầy 60% khối lượng và chủ đầu tư hiện chưa tìm ra bất cứ nguồn nào để bù đắp. Không có vốn bổ sung đồng nghĩa với việc hơn 15.000 tỷ đồng đã được đưa vào Dự án kể từ năm 2014 đến nay sẽ mãi là những khối lượng dở dang, không có công năng sử dụng, trong khi các khoản vay dưới sự bảo lãnh của Chính phủ này vẫn đang phải đều đặn trả lãi và phí.

Đó là nguy cơ phát sinh chi phí bồi thường hợp đồng hàng trăm tỷ đồng cho các nhà thầu quốc tế do chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của đất nước trong con mắt các nhà tài trợ và bạn bè quốc tế.

Đó là còn những thiệt hại kinh tế – xã hội rất lớn từ việc chậm đưa phân đoạn quan trọng bậc nhất của đường cao tốc Bắc – Nam, có tác dụng kết nối khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long vào khai thác, trong khi lẽ ra nó phải hoàn thành vào cuối năm 2019 như mục tiêu được đề ra ban đầu.

Thực tế xót xa này nằm ngoài hình dung của cả chủ đầu tư, các liên danh nhà thầu đa quốc gia thi công tại Dự án và các cơ quan liên quan, nhất là khi công trình được khởi công cách đây 6 năm, chủ đầu tư đã nắm trong tay 2 hiệp định vay vốn thông thường (OCR) trị giá 647,13 triệu USD với ADB và 1 hiệp định vốn vay theo hình thức STEP trị giá 569,2 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Bên cạnh các nguyên nhân như sự yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu… sẽ có người đặt câu hỏi rằng, liệu có thực sự khó khăn tới mức không thể xử lý dứt điểm những vướng mắc dù đã được nhận diện từ hơn 1,5 năm trước trong việc xác định cơ quan chủ quản và cấp quyết định đầu tư các dự án do VEC làm chủ đầu tư sau khi đơn vị này được chuyển giao từ Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước – cơ sở để thực hiện điều chỉnh dự án và gia hạn các hiệp định vay?

Sẽ cần một câu trả lời xác đáng cho việc cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khiến Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành rơi vào nguy cơ vỡ trận trong khi những điều kiện cần và đủ ban đầu là rất đầy đủ và thuận lợi. Song, điều cần nhất đối với các cơ quan chức năng lúc này là việc sớm hoàn thành các thủ tục gia hạn hiệp định vay ADB lần 2 sẽ đóng sau 3 tháng tới và việc khơi thông nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để có thể hoàn thành dứt điểm Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Cần phải nói thêm, ngoài quy mô vốn, sức lan tỏa… tình trạng khó khăn của Dự án khiến công trình này xứng đáng nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, tương tự như Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.

Trên thực tế, việc tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành không chỉ tránh gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, mà quan trọng hơn, nó còn góp phần thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đẩy nhanh nguồn vốn đầu tư, sớm hoàn thành các dự án lớn. Điều này còn tạo động lực duy trì tăng trưởng, giúp nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh, từ đó hoàn thành các mục tiêu kinh tế lớn của năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020).

Cần Thơ đề xuất điều chỉnh vị trí quy hoạch 3 khu công nghiệp

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (CEPIZA) vừa có đề xuất điều chỉnh quy hoạch vị trí 3 khu công nghiệp (KCN) gồm KCN Ô Môn, KCN Bắc Ô Môn và KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2).

Cụ thể, KCN Ô Môn (600 ha) và KCN Bắc Ô Môn (400 ha, thuộc địa bàn quận Ô Môn) chuyển về vị trí mới nằm cặp đường tỉnh 922 mới đi huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cắt ngang dự án đường cao tốc Sóc Trăng đi Cần Thơ, An Giang và Campuchia, rồi nhập 2 KCN này lại hình thành một KCN có quy mô 1.000 ha. Bên cạnh đó, điều chỉnh vị trí xây dựng KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2, diện tích 400 ha) thuộc quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, dời KCN này vào sâu trong hướng huyện Vĩnh Thạnh.

CEPIZA đánh giá, đô thị khu vực quận Ô Môn đang phát triển, có chi phí giải tỏa bồi hoàn rất cao, nhà dân nhiều, tập trung cặp sông rạch, nền đất thấp...làm cho suất đầu tư tăng cao. Trong ảnh: Một góc đô thị quận Ô Môn, TP. Cần Thơ (Ảnh: Báo Cần Thơ)
CEPIZA đánh giá, đô thị khu vực quận Ô Môn đang phát triển, có chi phí giải tỏa bồi hoàn rất cao, nhà dân nhiều, tập trung cặp sông rạch, nền đất thấp…làm cho suất đầu tư tăng cao. Trong ảnh: Một góc đô thị quận Ô Môn, TP. Cần Thơ (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Cơ sở để CEPIZA đưa ra điều chỉnh vị trí quy hoạch 3 KCN trên là, từ khi TP. Cần Thơ trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì giá đất tại các quận nội thành biến động tăng hàng năm rất nhanh. Các KCN Cần Thơ đều nằm trên địa bàn các quận và gần khu dân cư, nhà dân ở trong quy hoạch KCN nhiều, làm tăng chi phí đền bù cho nhà đầu tư, dẫn đến giá cho thuê lại đất rất cao, gấp 3 lần so với các giá cho thuê tại các KCN ở các tỉnh lân cận. Cũng vì nằm trên địa bàn quận – địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi, nên các KCN này không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Trong khi đó, hiện nay, địa bàn các huyện của TP. Cần Thơ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; giá đất tương đối thấp, chỉ bằng 1/3 so với các quận nội thành, nên chọn vị trí quy hoạch KCN nằm xa khu đô thị để chi phí đền bù thấp, giá cho thuê lại đất sẽ cạnh tranh hơn. Ngoài ra, vị trí KCN mới nằm cạnh các tuyến đường cao tốc, đường dự mở có cơ sở hạ tầng tốt sẽ thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, dễ thu hút đầu tư hơn; tạo điều kiện cho vùng nông thôn phát triển và giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động tại địa phương.

Theo Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, trước đề xuất trên của CEPIZA, Sở này đã có công văn gửi lấy ý kiến và nhận được sự thống nhất của các sở ngành và địa phương có liên quan trong việc rà soát tổng thể định hướng phát triển KCN làm cơ sở xem xét điều chỉnh quy hoạch KCN Ô Môn và Thốt Nốt theo tình hình thực tế.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP. Cần Thơ trong Công văn số 522/SXD-QHKT ngày 28/02/2020 gửi UBND TP. Cần Thơ do ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở này ký thì, việc điều chỉnh KCN Ô Môn và KCN Bắc Ô Môn là phù hợp với tình hình thực tế do có những thay đổi liên quan đến kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn quận. Việc đầu tư đường tỉnh 922 mới sẽ tạo được sự thuận lợi lớn trong giao thương liên vùng và tạo nên động lực phát triển cả khu vực. Trong khu vực này có điều kiện kết nối hệ thống giao thông cấp vùng (Quốc lộ 91, 91B, đường cao tốc dự kiến, sân bay Cần Thơ, hệ thống cảng tại khu vực Trà Nóc), có điều kiện phát triển các ngành sản xuất, hoạt động công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

Đối với điều chỉnh KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2), Sở Xây dựng TP. Cần Thơ cho rằng, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013, trong đó định hướng quy hoạch KCN Thốt Nốt với quy mô khoảng 1.530 ha, nằm dọc theo cầu Vàm Cống và chủ yếu thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Do đó, nội dung kiến nghị của CEPIZA về việc điều chỉnh KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2) về huyện Vĩnh Thạnh là phù hợp. Tuy nhiên, việc xác định vị trí cụ thể phải phù hợp với định hướng quy hoạch cung thành phố được duyệt.

Từ các cơ sở nêu trên, Sở Xây dựng TP. Cần Thơ kiến nghị UBND TP. Cần Thơ thống nhất chủ trương và định hướng điều chỉnh vị trí quy hoạch KCN Ô Môn và KCN Bắc Ô Môn theo đề xuất của CEPIZA. Sở Xây dựng sẽ lồng ghép phương án cụ thể vào đồ án Quy hoạch phân khu của quận Ô Môn đang được lập, lấy ý kiến Bộ Xây dựng làm cơ sở để UBND thành phố phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu quận Ô Môn, đồng thời sẽ cập nhật vào Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang được lập. Còn đối với KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2), Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. Cần Thơ giao CEPIZA xác định vị trí cụ thể phù hợp theo quy hoạch chung được duyệt để đề xuất xem xét điều chỉnh các văn bản pháp lý có liên quan về Quy hoạch các KCN theo quy định.

Trước đề xuất của CEPIZA, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam giao CEPIZA phối hợp với các sở ngành và địa phương có liên quan hoàn thiện Đề án và Tờ trình UBND thành phố trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh cục bộ các KCN Cần Thơ; làm việc với các Công ty phát triển hạ tầng KCN rà soát tổng thể tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư, tình hình cho thuê đất, cho thuê lại đất trong các khu chế xuất, KCN trên địa bàn thành phố, báo cáo và đề xuất trình UBND thành phố. Đòng thời, giao Sở Xây dựng sớm hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung TP. Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1515/QĐ/TTg ngày 28/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Được biết, các KCN: Ô Môn, Bắc Ô Môn và KCN Thốt Nốt (giai đoạn 2) đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Công văn số 2209/TTg-KTN ngày 15 tháng 12 năm 2008.