Bí bách cơ chế vốn cải tạo đường băng 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Đường cất hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài đang bị quá tải và hư hỏng. Ảnh: Đức Thanh
Đường cất hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài đang bị quá tải và hư hỏng. Ảnh: Đức Thanh

Khó bố trí ngân sách

Phương án sử dụng vốn đầu tư công cho việc cải tạo, nâng cấp 2 đường cất hạ cánh và các đường lăn nối tại 2 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài hiện thuộc tài sản sở hữu của Nhà nước trị giá khoảng 4.152 tỷ đồng là không có nhiều hy vọng, nếu chiểu theo quan điểm của Bộ Tài chính.

Cụ thể, tại Công văn số 1972/BTC-TC vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù phương án này phù hợp Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, nhưng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, thì hai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài không có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).

Đồng thời, tại Văn bản số 8572/BKHĐT-TH ngày 13/11/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phân bổ Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020, hai dự án trên cũng không thuộc danh mục dự kiến sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo Bộ Tài chính, đối với giai đoạn 2021-2025, đến nay nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên cơ quan trên chưa có cơ sở để xem xét đối với đề nghị bố trí vốn trong giai đoạn này.

Trước đó, đầu tháng 1/2020, tại Văn bản số 265/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 950 tỷ đồng; phần vốn còn lại sẽ bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 3.202 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện.

Do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như A350-900, B787-9, B787-10), nên từ năm 2017 đến nay, hệ thống sân đường khu bay Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn. Tương tự, đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối bằng bê tông xi măng tại Nội Bài cũng đã bị quá tải và hư hỏng nặng, cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn.

Cấp bách, nhưng vẫn phải đợi

Ngoài phương án sử dụng vốn đầu tư công, Bộ GTVT còn đề nghị Thủ tướng xem xét phương án đặc thù giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu phương án sử dụng nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để sớm triển khai thực hiện. Việc hoàn trả vốn cho ACV (nếu có) sẽ được xem xét cụ thể sau khi phương án giao ACV quản lý, khai thác tài sản khu bay được cấp có thẩm quyền quyết định.

Trước đó, ACV đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết để có thể huy động 4.152 tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng khu bay tại 2 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Theo ACV, tổng nhu cầu vốn cho Dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa, kích thước 3.049,45 x 45,72 m là 1.876 tỷ đồng.

Đối với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, nhu cầu vốn cho Dự án Cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa, kích thước 3.800 x 45m là 2.276 tỷ đồng.

Cụ thể, ACV đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu – chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác trong giai đoạn từ năm 2019 đến khi Đề án Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (Đề án) được phê duyệt để đầu tư.

Trong trường hợp còn thiếu, ACV sẽ tạm ứng bằng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình.

Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn nhà nước tại ACV như đề xuất tại Đề án, giá trị ACV đã đầu tư vào 2 dự án sẽ được tăng tài sản tại ACV theo quy định. Trường hợp không điều chuyển tài sản khu bay cho ACV, phần vốn đầu tư mà doanh nghiệp tạm ứng sẽ được Nhà nước hoàn trả từ nguồn chênh lệch thu chi khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng phê duyệt.

Song Bộ Tài chính khẳng định, nếu chiểu theo quy định pháp luật hiện hành (Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp) phương án này cũng không khả thi do thẩm quyền xem xét, quyết định việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thuộc về Quốc hội và phải được Đại hội đồng cổ đông của ACV thông qua (do ACV là công ty cổ phần). Mặt khác, việc đề xuất, trình phê duyệt cơ chế đặc thù sẽ cần thời gian để dự thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc để xuất cơ chế cải tạo khu bay tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất cần bám sát Văn bản số 349/TB-VPCP ngày 2/10/2019. Tại văn bản này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã chỉ đạo: “Việc đầu tư các đường cất hạ cánh và đường lăn tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ được xem xét tổng thể trong Đề án”.

Theo lãnh đạo ACV, hiện Đề án mới bắt đầu được Văn phòng Chính phủ xin ý kiến các bộ, ngành. Trường hợp suôn sẻ, Đề án cũng phải mất ít nhất 6 tháng để được phê duyệt và chừng đó thời gian nữa để có những quyết định cụ thể hóa chủ trương. “Trong khi đó, đây đều là những công trình đặc biệt cấp bách bởi hệ thống kết cấu hạ tầng khu bay 2 cảng hàng không quốc tế này đã và đang xuất hiện nhiều hư hỏng với mức độ ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vận hành khai thác”, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV nói.