Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó

Giá dầu còn tăng cao

Trong bối cảnh các nền kinh tế tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm bất ổn địa chính trị, giá xăng dầu đã tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán. Hiện tại, giá nhiên liệu có phần giảm nhiệt, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm được bình ổn. Đặc biệt, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa đông khắc nghiệt, nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu, càng làm giá dầu có nguy cơ tiếp tục tăng.

Ông Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, giá dầu có thể vẫn duy trì ở mức cao trong ít nhất là nửa năm hoặc lâu hơn nữa, cho đến khi nguồn cung tăng đủ trở lại để đáp ứng nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, chuyên gia phân tích dầu khí của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, thiếu hụt nguồn cung vẫn kéo dài trong những tháng tới, khi lệnh trừng phạt Nga có hiệu lực vào cuối năm nay và các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đạt được mục tiêu gia tăng sản lượng như đã cam kết.

Thời điểm hiện nay, giá dầu thế giới vẫn quanh mức 100 USD/thùng. Tốc độ bổ sung chậm sẽ khiến giá dầu tiếp tục neo ở mức cao. VNDirect dự báo, giá dầu cuối năm là 100 USD/thùng và năm 2023 là 90 USD/thùng. 

Trong khi đó, một trong 3 kịch bản về lạm phát toàn cầu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra gần đây là lạm phát tiếp tục giữ đà tăng và sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2023 trước khi giảm dần nhưng với tốc độ chậm hơn vào năm 2024, giá dầu có thể đạt mức 150 USD/thùng.

Đối với Việt Nam, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logisitics Việt Nam cho biết, chi phí xăng dầu chiếm hơn 30% tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay. Giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics.

Cần những biện pháp mang tính dài hạn

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận định, xu thế chuyển dịch năng lượng vẫn chính yếu, không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy. Tuy nhiên, đây là cơ hội cần được tận dụng thật tốt trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Theo đại diện Idemitsu Kosan Co.,Ltd. (IKC) – một trong các nhà đầu tư tại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Dự án đã đối mặt với khó khăn tài chính do tác động của những yếu tố khó lường. Các nhà đầu tư cần đoàn kết để hỗ trợ doanh nghiệp liên doanh này, thông qua việc thống nhất kế hoạch hoạt động trung và dài hạn, đảm bảo cho NSRP có thể vận hành ổn định trong tương lai.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế, cần quan tâm đến thông lệ quốc tế. Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí – hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung và hạ nguồn của ngành, như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện, được điều chỉnh bằng các luật khác.

Do đó, theo ông Hiếu, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết, theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh phải trình nhiều cơ quan, bộ, ngành, tránh xung đột về pháp lý.

Ngày mai (8/9), Báo Đầu tư tổ chức Toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” tại trụ sở Báo – số 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Các đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức và hiệp hội, cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ chia sẻ những nhận định về cuộc khủng hoảng năng lượng, tác động của biến động giá dầu tới phát triển kinh tế – xã hội, cũng như đưa ra nhiều giải pháp thực tế và các đề xuất hữu ích nhằm chung tay vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh vận chuyển theo hướng phát triển bền vững.