Bộ Giao thông Vận tải dốc “gan ruột” chia sẻ kinh nghiệm làm cao tốc cho các địa phương

Ba thứ trưởng Bộ GTVT: Lê Đình Thọ, Nguyễn Duy Lâm và Nguyễn Danh Huy cùng tham gia
Ba thứ trưởng Bộ GTVT: Lê Đình Thọ, Nguyễn Duy Lâm và Nguyễn Danh Huy cùng tham gia Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc.

“Bộ GTVT sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các địa phương đồng thời lắng nghe, tiếp thu các bài học hay từ cơ sở nhằm chung tay đẩy nhanh triển khai các dự án đường cao tốc đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng quy định của pháp luật. Sau hội nghị đầu tiên này, Bộ GTVT sẽ kết nối, tổ chức các hội nghị tương tự, định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý”, ông Lê Đình Thọ – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết tại Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc diễn ra vào sáng nay (1/6).

Việc triển khai Hội nghị này là để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT giao tại Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 19/02/2023. Đây đồng thời là cơ hội để Bộ GTVT và các địa phương học tập, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay để góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là các dự án, dự án thành phần tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 28/07/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Ngoài Bộ GTVT, các đơn vị chủ đầu tư đang triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Hậu Giang, Phú Yên; Hòa Bình và một số tỉnh đang triển khai các dự án, dự án thành phần thuộc  Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, để đạt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt nhiều dự án đường cao tốc, ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội; đồng thời giao, phân cấp cho Bộ GTVT và các địa phương làm chủ đầu tư một số công trình có quy mô vốn rất lớn.

Yêu cầu rất cao đối với Bộ GTVT và các địa phương, trong đó có một số địa phương lần đầu được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc là phải thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định, tổ chức quản lý dự án, thi công vừa phải đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

“Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có kinh nghiệm triển khai các dự án lớn nên cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị của bộ, các địa phương với nhau là cần thiết, với mục tiêu dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao nhất”, ông Thọ chia sẻ.

Ông Thọ cho biết thêm, từ thực tế trong triển khai các dự án đường cao tốc, trong đó có 2 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông; các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đoàn thanh tra chuyên ngành, Bộ GTVT đã biên soạn một cuốn sổ tay trong triển khai các dự án dường cao tốc với mục tiêu triển khai công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, theo đúng quy định pháp luật. Bộ GTVT sẵn sàng chia sẻ cho các địa phương cuốn cẩm nang này để các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc tại địa phương có thêm kinh nghiệm để triển khai các dự án.

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), thực tế triển khai các dự án đường cao tốc cho thấy đang còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, đáng kể nhất là quy định về trình tự đầu tư còn kéo dài, nhiều thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành với một số hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây các cách hiểu khác nhau; nhu cầu vật liệu xây dựng lớn trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường khi xuất hiện các dự án đường cao tốc trên địa bàn thương gây khan hiếm về nguồn cung; thủ tục cấp phép các mỏ mới rất phức tạp, kéo dài; công tác GPMB, tái định cư thường chậm, vướng mắc…

Áp lực càng lớn khi trong khi năng lực của đội ngũ cán bộ thẩm định, Ban quản lý dự án còn chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc; công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư có khối lượng lớn, tiến độ yêu cầu hoàn thành trong thời gian ngắn; công tác khảo sát, cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) để cung cấp cho các dự án khi triển khai đồng loạt nhiều dự án.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã mạnh dạn tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều cơ chế đặc thù liên quan đến chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp; khai thác và cung cấp các loại vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cùng thường xuyên tổ chức làm việc với các bộ, ngành, địa phương để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là GPMB và vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ để xử lý, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền của Bộ; tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các chủ đầu tư và tiến hành xử phạt nghiêm minh các đơn vị để chậm tiến độ…

Kết quả là trước đây bình quân 1 dự án quan trọng quốc gia, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công mất khoảng 2 năm thì đối với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông có quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm có yêu cầu kỹ thuật cao, quá trình chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua với tư duy mới, cách làm mới, Bộ GTVT đã tiết kiệm được hơn một nửa thời gian và điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên quá trình thực hiện cần phải được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tránh được các sai sót là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thời gian triển khai được rút ngắn tối đa, khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn cùng với tính chất phức tạp, dự án khởi động trong giai đoạn nhân sự của các đơn vị liên quan đều thiếu về số lượng do xin nghỉ, chuyển ngành…, nếu tuyển dụng bổ sung đủ số lượng thì chất lượng lại chưa kịp đáp ứng yêu cầu và cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm.

Ngay tại các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội dù được Quốc hội cho phép giao mỏ vật liệu xây dựng trực tiếp cho các nhà thầu thi công vẫn còn chưa thống nhất trong cách hiểu giữa các địa phương…

Theo khuyến nghị của ông Lê Đình Thọ, các địa phương nên  tổ chuyên trách về quản lý đầu tư dự án, gồm các chuyên gia đầu ngành, đại diện các sở ngành để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; mạnh dạn báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình.

“Quan trọng nhất là lãnh đạo các địa phương phải luôn ý thức đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó đối với từng cá nhân tham gia dự án phải có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp vững vàng và tư tưởng quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ. Đối với các đơn vị tham gia cần phải đổi mới tư duy, cách làm với phương châm làm việc nào dứt điểm việc đó, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Thọ tư vấn và cho biết khi lựa chọn nhà thầu, các địa phương hết sức lưu ý trong việc phải đảm bảo nhà thầu phải đủ năng lực, máy móc, thiết bị, nhân lực thi công. Kinh nghiệm từ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 cho thấy, nếu lựa chọn đúng nhà thầu có đầy đủ năng lực thì sẽ yên tâm trong quản lý, tiến độ, chất lượng công trình.