Bước chuyển mạnh mẽ của Lạng Sơn về môi trường đầu tư, kinh doanh

Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Lạng Sơn là địa phương có bước chuyển biến rõ nét nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Lạng Sơn đạt 63,92 điểm (tăng 1,49 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020.

Trong 10 chỉ số thành phần của Báo cáo PCI Lạng Sơn tăng điểm gồm: tính năng động của chính quyền tỉnh, chi phí thời gian, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đặc biệt, tính năng động của chính quyền tỉnh là chỉ số cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2021, xếp thứ 6/63 cả nước, tăng 1,88 điểm, tăng 47 bậc so với năm 2020.

Năm 2021, tỉnh Lạng Sơn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân. Tuy vậy, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; xây dựng danh mục gồm 68 dự án để thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư vào địa bàn trên các lĩnh vực: hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng; giao thông đô thị; du lịch dịch vụ; nông nghiệp nông thôn… Cùng với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trong thực thi công vụ.

Ngoài ra, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc…

Nhờ đó môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ nét, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục lựa chọn Lạng Sơn để đầu tư. Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2021 đến giữa tháng 5/2022, UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư 27 dự án với tổng vốn đăng ký gần 3.900 tỷ đồng.

Ông Lô Thời Nhuận, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Chi Lăng – nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết, trong suốt quá trình đề xuất, nghiên cứu lập dự án đầu tư, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND huyện Chi Lăng, các sở, ngành chức năng của tỉnh từ thủ tục quy hoạch sử dụng đất, cấp phép xây dựng, đến hoàn thiện các hồ sơ dự án theo quy định… Nhờ đó đến nay, dự án của đơn vị đã được triển khai rất thuận lợi đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đề ra mục tiêu tích cực cải thiện chất lượng, tăng điểm các chỉ số thành phần, đưa vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Lạng Sơn năm 2022 xếp vào nhóm khá của cả nước.

Tỉnh quyết tâm trong năm 2022, có ít nhất 500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 15% số doanh nghiệp giải thể và 10% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Với cam kết đồng hành với doanh nghiệp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, Lạng Sơn sẽ xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…