Các dự án chuyển tiếp mà EVN chốt giá tạm thời chờ Bộ Công thương phê duyệt

Hết ngày 15/5, Bộ Công thương chưa chính thức phê duyệt mức giá tạm thời cho bất cứ dự án điện gió hay điện mặt trời thuộc diện dở dang nào.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 12/5/2023, số lượng các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời có thể thuộc đối tượng chuyển tiếp theo quy định của Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 là 85 nhà máy. với tổng công suất 4.736 MW.

Dự án điện gió Hanbaram đã hoàn thành đầu tư nhưng không kịp thưởng giá FIT theo quy định

Dự án Điện gió Hanbaram đề nghị giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá phát theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết và thực hiện.

Mặc dù chưa xác định được số liệu cụ thể các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, nhưng đến thời điểm hiện nay, EVN đã đồng ý cho phép 49 nhà máy thử nghiệm, với tổng công suất là 2.582 MW và đã hoàn thành thử nghiệm 22 nhà máy, với tổng công suất là hơn 1.253 MW.

EVN cũng đã nhận được công văn đề nghị của 31 dự án có đính kèm hồ sơ tài liệu. Tiếp đó đã làm việc với 15 chủ đầu tư dự án điện, trong đó có 12/15 chủ đầu tư thống nhất tính toán giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công thương và ý kiến của Công ty Mua bán điện. Các thông số đầu vào tính toán giá điện của các dự án này cũng đang được tiếp tục đàm phán.

Cũng có 11 dự án được chủ đầu tư gửi hồ sơ, nhưng chưa đầy đủ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý. Vì vậy, đã được phía EVN đề nghị bổ sung, làm rõ và 5 dự án mới tiếp nhận hồ sơ và đang tiến hành rà soát.

Theo thống kê, tới ngày 12/5, đã có 13/31 đề xuất về việc áp dụng giá tạm trong thời gian các bên đàm phán giá chính thức để báo cáo Bộ Công thương xem xét quyết định căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị định 137.

Cụ thể, có 10 dự án gồm Nam Bình 1, Viên An, Số 5 Thạnh Hải 2, Số 5 Thạnh Hải 3, Số 5 Thạnh Hải 4, Hướng Hiệp 1, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3 đề nghị giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá phát theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai Bên ký kết và thực hiện.

Có 2 dự án là VPL Bến Tre, Tân Phú Đông 1 đề nghị giá tạm tính bằng giá 90% giá trần của khung giá phát theo Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai Bên ký kết và thực hiện.

Có 4 dự án gồm Hòa Đông 2, Lạc Hòa 2, Yang Trung, Chơ Long đã đề nghị giá tạm tính theo 02 phương là bằng giá 50% giá trần của khung giá phát và đề nghị hồi tố sau khi có giá điện chính thức hoặc giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá phát điện và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm.

Nguồn tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn cho hay, hiện có 6 dự án thống nhất được giá tạm thời ở phía EVN. Tuy nhiên, để được chính thức thì các đề xuất này phải được Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) phê duyệt. Cũng tính tới ngày hôm nay, 16/5/2023, vẫn chưa có dự án nào được phê duyệt.

Theo các chuyên gia, việc phê duyệt hiện giờ sẽ khó mà nhanh như mong đợi của các nhà đầu tư. 

Cũng theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Được biết, trong số 6 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, mới có 3 nhà máy điện điện gió Nam Bình 1, Hưng Hải Gia Lai, Habaram đã được cấp giấy phép.