Cân đối vốn để thông tuyến đường Hồ Chí Minh

.
Đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, sau khi được điều chỉnh vẫn không thể thông tuyến vào năm 2020 và chưa biết đến khi nào mới hoàn thành.

Kết luận về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại đợt 1 của phiên họp thứ 9, đầu tháng 3/2022.

Đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, sau khi được điều chỉnh vẫn không thể thông tuyến vào năm 2020 và chưa biết đến khi nào mới hoàn thành.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025  để đầu tư 2 dự án Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận (83,5 km/tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng) để đến năm 2025 nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Kiến nghị tiếp theo của Chính phủ là được chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến sang hình thức đầu tư công.

Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc hoàn thành mục tiêu thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các vùng chiến khu, kháng chiến. Tuy nhiên, đến nay, đã quá thời hạn 2 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án còn có những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ, toàn diện và tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Dự án không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội; cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của Trung ương, địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo tổng thể của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội, đồng thời xem xét, quyết định các nội dung liên quan tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo theo hướng thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang và tổng kết, đánh giá kết thúc dự án, thực hiện quyết toán dự án theo quy định.

Đối với các đoạn tuyến còn lại, Chính phủ rà soát nhu cầu, đánh giá hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai, sự phù hợp với quy hoạch giao thông và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, khả năng huy động nguồn lực của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến. Về nguyên tắc, đối với các đoạn tuyến cụ thể, phải bố trí vốn để hoàn thành toàn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trước mắt, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa – Thái Nguyên; đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô 2 làn xe.

Đồng thời cần rà soát, báo cáo làm rõ về việc đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến có nằm trong phạm vi đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội hay không và có đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn tuyến này. Chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp ở một số đoạn, tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại của các dự án, các tuyến đã được đầu tư ở khu vực Tây Nguyên, nhất là việc di dời trạm thu phí ở Đăk Lăk.