Cần Thơ: Xem xét kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư nếu có tỷ lệ giải ngân thấp

Ngày 1/6, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Văn bản số 136/BC-UBND báo cáo tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của TP. Cần Thơ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, tiến độ thực hiện các dự án nhóm A, nhóm B được HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Báo cáo nêu trên, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 TP. Cần Thơ được giao tại Nghị quyết 69 của HĐND Thành phố là 7.510,368 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.723,778 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.786,590 tỷ đồng. UBND Thành phố đã giao chi tiết 7.501,786 tỷ đồng. Số còn lại chưa phân bổ chi tiết là 8,582 tỷ đồng là vốn chuẩn bị đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự án Đường tỉnh 922 kết nối các quận, huyện Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ với trung tâm TP. Cần Thơ  đã được tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến chính vào đầu năm nay

Theo UBND TP. Cần Thơ, kết quả giải ngân theo số liệu của Kho bạc nhà nước Cần Thơ đến hết ngày 30/5/2022 là 965,629/7.301,786 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao chi tiết cho các dự án, đạt 13,22%. Trong đó, cấp thành phố giải ngân 454,758/5.608,172 tỷ đồng, đạt 8,12%; cấp quận, huyện giải ngân 510,871/1.693,614 tỷ đồng, đạt 30,16%.

Đối với cấp thành phố, trong tổng số vốn 5.608,172 tỷ đồng được giao cho 21 sở, ngành làm chủ đầu tư, có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân là 0,00%, gồm: Công an TP. Cần Thơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Chỉ huy quân sự TP. Cần Thơ, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Cần Thơ, Ban An toàn giao thông TP. Cần Thơ); 9 chủ đầu tư giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn; 2 chủ đầu tư giải ngân từ trên 10% và dưới 20% kế hoạch vốn, 5 chủ đầu tư giải ngân trên 30% kế hoạch vốn.

Theo đánh giá của UBND TP. Cần Thơ, kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 của Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước. Nguyên nhân khách quan là do các dự án trọng điểm thành phố chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch vốn năm 2022 đang trong quá trình thực hiện công tác kiểm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai lập thiết kế kỹ thuật – dự toán để đấu thầu xây lắp, nên trong 4 tháng đầu năm 2022 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều, điển hình là các dự án: Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ, các Đường tỉnh: 917, 918, 921, 923.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, chủ yếu là người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư.

Ngoài ra, giá cả một số vật liệu xây dựng tăng cao trong những tháng qua đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thực hiện của các dự án đang trong giai đoạn thi công…

Về nguyên nhân khách quan, tính chủ động phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện thủ tục dự án của một số đơn vị chủ đầu tư chưa cao, mất nhiều thời gian; tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án khác; một số nhà thầu không tích cực thi công, còn viện lý do vướng mặt bằng tại một số vị trí để thi công cầm chừng, nhất là trong giai đoạn giá vật liệu xây dựng tăng…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, UBND TP. Cần Thơ cho biết đã triển khai thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, phân công cụ thể trong từng thành viên lãnh đạo đơn vị, từng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, từng chuyên viên phụ trách trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Có văn bản cam kết tỷ lệ giải ngân năm 2022 và xây dựng kế hoạch hành động, lộ trình giải ngân hàng tháng, quý. Trường hợp đến hết tháng 6/2022 (lấy số liệu từ Kho bạc nhà nước Cần Thơ), các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp (không đạt tỷ lệ giải ngân theo mặt bằng chung của cả nước), sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư…