Cấp bách gỡ khó cho nền kinh tế

Bên trong Nhà máy sản xuất điện thoại Bphone. Ảnh:  Đức Thanh
Bên trong Nhà máy sản xuất điện thoại Bphone. Ảnh: Đức Thanh

Chủ động thích ứng

“Thấu hiểu” là cụm từ đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dùng khi nói về khó khăn trong sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

“Sản xuất – kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng nói tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 .

Dự thảo Chỉ thị đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đệ trình Chính phủ, với 9 nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó, giải pháp hàng đầu là cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19.

Việc xem xét, gia hạn nộp các loại thuế, tiền thuê đất, một số khoản phí, lệ phí, thậm chí là không phạt chậm nộp thuế đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã được tính đến. Chuyện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp cho các đối tượng bị ảnh hưởng, rồi cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá đối với các mặt hàng đầu vào sản xuất do Nhà nước quản lý… cũng đã được đề xuất.

Bên cạnh đó, tiếp tục đảm bảo thông quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động trong và ngoài nước; tạo thuận lợi về vấn đề thị thực, phí thị thực cho du khách…

Và điều vô cùng quan trọng là khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các công trình lớn như các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông…

Tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã công bố gói hỗ trợ tín dụng trị giá 250.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế đang rất cần những giải pháp căn cơ để chủ động thích ứng, chứ không phải là để đối phó với những tác động của dịch bệnh Covid-19.

“Phải làm sao để hết dịch là nền kinh tế có đà tăng tốc ngay, do đó, phải thực hiện ngay từ bây giờ, chứ nếu không sẽ chậm mất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đảm bảo duy trì đà tăng trưởng

Dù nền kinh tế vẫn cơ bản giữ được sự ổn định trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu vẫn tăng, nhập siêu trong tầm kiểm soát, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng…, song tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng đã không khỏi lo ngại khi nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô giảm so với cùng kỳ, như công nghiệp chế biến – chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, mới đạt 7,38% kế hoạch, nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu… Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Tuy nhiên, điều khiến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng hơn cả là nếu kinh tế năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề, làm “gẫy đoạn” đà tăng trưởng, thì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế 5 năm tới. “Khi đó, chúng ta sẽ phải mất một thời gian dài để phục hồi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chính vì thế, các giải pháp chủ động thích ứng là cần thiết được thực hiện rốt ráo, quyết liệt ngay từ bây giờ.

Chia sẻ về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì chắc chắn các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

“Không nên xem xét việc tăng giá điện trong thời điểm này. Bên cạnh đó, nên kích thích đầu tư và tiêu dùng, bởi quy mô thị trường Việt Nam đã gần 100 triệu dân. Từ một ‘cuộc khủng hoảng’ nhỏ, chúng ta có cơ hội để hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, đặc biệt là các thủ tục về hải quan, thuế. Chính phủ Việt Nam cũng cần thực hiện một số hành động, như đa dạng hóa thị trường, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA”, ông Ousmane Dione khuyến nghị.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam cho rằng, “cuộc khủng hoảng” lần này không bắt đầu từ sự mất cân đối của nền kinh tế, nên các giải pháp không cần quá cồng kềnh, mà phải bắt đầu từ việc giữ lòng tin, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, vì đây chính là cái nôi để duy trì động lực của nền kinh tế.

“Có thể áp dụng các biện pháp tiền tệ như giảm lãi suất, nhưng cần chia ra nhiều giai đoạn và thực hiện ngay, chứ không phải đợi khủng hoảng qua rồi mới hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việt Nam còn gần 20 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân, nếu thúc đẩy được, thì sẽ có thêm nguồn lực để ứng phó với khủng hoảng”, vị này nói.

Như vậy, cùng các biện pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, phí…, thì hiện cũng là thời điểm để Việt Nam áp dụng các biện pháp căn cơ hơn nhằm duy trì đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Thúc đẩy giải ngân, tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế là những biện pháp cần được đẩy mạnh.

Việt Nam cần có danh mục dự án chuẩn bị để gối đầu nhằm tạo chương trình đầu tư liên tục. Không phải đợi hết dịch, mà ngay từ bây giờ phải chuẩn bị chuỗi dự án cần thực hiện trong trung hạn.

– Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam