Cấp bách triển khai hệ thống radar phát hiện vật ngoại lai tại các sân bay

Việc lựa chọn, áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, có độ tin cậy cao trong giám sát an ninh – an toàn hàng không và phát hiện vật ngoại lai sẽ là chìa khóa góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác bay tại các cảng hàng không tại Việt Nam.

Khả năng giám sát an ninh sân bay sẽ được tăng cường đáng kể nhờ các cảm biến radar.
Khả năng giám sát an ninh sân bay sẽ được tăng cường đáng kể nhờ các cảm biến radar.

Canh cánh nỗi lo an toàn

Sự sốt ruột trong việc sớm triển khai thiết bị radar giám sát an ninh – an toàn sân bay và hệ thống phát hiện vật ngoại lai (FOD) tại các khu bay là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 11225/BGTVT – KHĐT vừa được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) ký gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, trong thời gian tới, việc triển khai hệ thống phát hiện vật ngoại lai và radar giám sát an ninh mặt đất tại các sân bay là rất cần thiết và cấp bách. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không chủ trì, phối hợp với ACV và các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cơ sở.

“ACV có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để triển khai hệ thống phát hiện vật ngoại lai và radar giám sát an ninh mặt đất nhằm tăng cường công tác an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Trước đó, trong Công văn số 4157/CHK-KHCNMT báo cáo Bộ GTVT về vấn đề này hồi cuối tháng 9/2020, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc thiết lập các hệ thống phát hiện vật ngoại lai tại các khu bay và radar giám sát an ninh mặt đất tại cảng hàng không, sân bay cần được bổ sung kịp thời để bảo đảm tính liên tục và bền vững về an toàn, an ninh về hàng không.

Ông Đào Văn Chương, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, ACV, với tư cách là doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, khai thác 22 cảng hàng không, sẽ có trách nhiệm đầu tư các hệ thống này. ACV sẽ thực hiện những thủ tục cần thiết để đầu tư, tương tự việc đầu tư các công trình đã từng triển khai. Tính khả thi trong việc đầu tư của ACV ở quy mô như thế nào sẽ dựa trên cơ sở cân đối nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 và tình hình thực tế tại mỗi cảng hàng không.

“Trong quá trình lập, trình chủ trương, hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam, với tư cách là đơn vị quản lý chuyên ngành về hàng không dân dụng, sẽ phối hợp với ACV để chất lượng, thông số kỹ thuật của việc đầu tư những hệ thống này được đảm bảo theo các quy định pháp luật hiện hành”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.

Thiết bị FOD Finder (loại di động) của Mỹ thích hợp cho sân bay có mật độ trung bình.
Thiết bị FOD Finder (loại di động) của Mỹ thích hợp cho sân bay có mật độ trung bình.

Cần phải nói thêm, tình trạng các vật ngoại lai không được phát hiện và xử lý kịp thời tại các khu bay, bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, đặc biệt là các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang là nỗi ám ảnh của các hãng hàng không.

Trong báo cáo gửi Cục Hàng không Việt Nam về tình trạng bị các vật ngoại lai uy hiếp tới an toàn bay vào cuối quý III/2019, Vietnam Airlines cho biết, từ đầu năm 2019 đến ngày 10/9/2019, đã xảy ra 115 vụ lốp máy bay của hãng này bị cắt do vật ngoại lai. Mặc dù đơn vị chủ cảng hàng không đã tăng cường kiểm tra, thu dọn, nhưng số vụ cắt lốp bởi vật ngoại lai chỉ giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 5,73%).

Công nghệ vượt trội

Cần phải nói thêm rằng, bản thân đơn vị vận hành khai thác các cảng hàng không cũng nhận thấy tính cấp thiết phải triển khai hệ thống phát hiện vật ngoại lai tự động, có độ nhạy cao.

ACV cho biết, việc kiểm tra, bảo đảm an toàn cho các đường cất hạ cánh tại 2 sân bay có mật độ khai thác lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài về cơ bản chỉ được thực hiện bằng mắt thường. Trong điều kiện diện tích bề mặt các đường cất hạ cánh cần được kiểm tra rất lớn, tình trạng thời tiết xấu, hạn chế tầm nhìn, thiếu ánh sáng vào ban đêm, thời gian kiểm tra không thể kéo dài…, thì yêu cầu phát hiện và xử lý triệt để các vật ngoại lai tại khu bay sẽ rất khó thực hiện.

Uy hiếp đến an toàn bay

Tính đến hết ngày 10/9/2019, đã xảy ra 4 vụ máy bay Vietnam Airlines bị hư hại cấu trúc máy bay và động cơ do vật ngoại lai. Những vụ việc này đều xảy ra với máy bay Airbus A321, làm lá cánh quạt động cơ bị cong, thân máy bay có vết lõm…, phải sửa chữa rồi mới khai thác trở lại được.

“Thiệt hại từ các vật ngoại lai tại các khu bay không chỉ khiến Vietnam Airlines và các hãng hàng không đang khai thác tại các sân bay bị hư hỏng tài sản, mà còn trực tiếp uy hiếp đến an toàn bay”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Được biết, ngay từ năm 2016, ACV đã đề xuất Bộ GTVT triển khai Dự án Lắp đặt hệ thống phát hiện vật ngoại lai tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, với chi phí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam cũng từng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam thử nghiệm cảm biến phát hiện tại sân bay Đà Nẵng.

Song vì nhiều lý do, trong đó có những hạn chế về công nghệ, nên các kế hoạch trên đều không đem lại những kết quả cụ thể, bất chấp nỗi lo về vật ngoại lai của các hãng bay, cơ quan quản lý, đơn vị khai thác cảng tăng lên từng ngày.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, với những tiến bộ của khoa học công nghệ, một số đối tác đã tiếp tục giới thiệu thêm các giải pháp giám sát an ninh, an toàn và phát hiện vật ngoại lai có tính năng tiệm cận, thậm chí vượt trội yêu cầu thực tế. Trong đó, đáng kể nhất là thiết bị giám sát an ninh, an toàn hàng không Advance Guard và thiết bị phát hiện FOD Finder của Mỹ.

Sau khi tiếp cận, tìm hiểu kỹ lưỡng, Cục Hàng không Việt Nam đã có những đánh giá rất tích cực về 2 hệ thống nói trên. Đây là điều dễ hiểu bởi hai hệ thống này đã đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của Cục Hàng không Liên bang Mỹ; Ủy ban Thông tin truyền thông Liên bang Mỹ và được lắp đặt tại nhiều sân bay dân dụng, quân sự lớn tại nước này.

Trong báo cáo về việc tổ chức Hội thảo giới thiệu giải pháp và thiết bị radar giám sát an ninh – an toàn sân bay và hệ thống phát hiện vật ngoại lai được tổ chức mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hệ thống giám sát an ninh an toàn hàng không Advance Guard sử dụng giám sát bằng radar với công nghệ tiên tiến, có thể giám sát diện rộng, làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, ánh sáng; có thể thiết lập được khu vực giám sát ở bất kỳ vị trí nào, có diện tích, hình dạng to nhỏ khác nhau. Với hệ thống này, người giám sát có thể quan sát và theo dõi nhiều mục tiêu là những kẻ xâm nhập cùng một lúc từ một hoặc nhiều địa điểm.

Ngoài việc có chi phí hạ tầng phục vụ thi công, lắp đặt, duy tu bảo dưỡng thấp, hệ thống này còn có khả năng phát hiện ta, địch, phân loại đối tượng là nhân viên sân bay hay kẻ xâm nhập trái phép. Đây là ưu thế mà ít có hệ thống tương tự nào trên thế giới có thể so sánh được.

Trong khi đó, hệ thống FOD Finder được ghi nhận là có khả năng phát hiện 100% các vật ngoại lai có kích thước nhỏ hơn 1 quả bóng bàn, trong mọi điều kiện thời tiết; thời gian phản ứng nhanh.

“Hai hệ thống thiết bị giám sát an ninh an toàn hàng không Advance Guard và thiết bị phát hiện FOD Finder của Mỹ đã được đánh giá cao về giải pháp công nghệ giải quyết được các vấn đề về an ninh, an toàn tại các sân bay. So sánh các thông số kỹ thuật về tốc độ phát hiện vật ngoại lai, xác suất phát hiện và cảnh báo lỗi, khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, thì 2 thiết bị này cũng được đánh giá cao nhất”, ông Trần Tuấn Linh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Hàng không Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện trên thế giới cũng chỉ có công nghệ này có khả năng cung cấp giải pháp di động và đây là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Đơn vị khai thác cảng có thể dùng thiết bị này đặt trên các xe ô tô 5 chỗ chạy tuần đường để phát hiện vật ngoại lai trên đường lăn, sân đỗ hoặc các khu vực công trường thi công là nơi xuất hiện tới 95% lượng vật ngoại lai được phát hiện. Chi phí hệ thống di động thấp hơn nhiều so với hệ thống cố định, nhưng vẫn đảm bảo độ phát hiện chính xác vật ngoại lai không thua kém hệ thống cố định.

Tại Công văn số 4157, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo ACV tiếp tục nghiên cứu về công nghệ, lựa chọn công nghệ theo nguyên tắc công nghệ được chọn là công nghệ có tính ưu việt trên nhiều mặt, nổi bật về lợi thế so sánh và được sử dụng ở nhiều sân bay trên thế giới để triển khai đầu tư theo quy định.

Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo ACV sớm thực hiện việc hiện đại hoá trang thiết bị kiểm soát vật ngoại lai, trong đó chú trọng đối với hệ thống di động chạy tuần đường phát hiện vật ngoại lai.

“Trừ những khu bay có tần suất khai thác cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, thì những hệ thống di động còn có thể sử dụng cho cả đường cất hạ cánh. Điều này giúp tối đa hoá hiệu quả kiểm soát vật ngoại lai ở những cảng hàng không có tần suất bay thấp”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khuyến nghị.