Chỉ nghe tin Quốc hội thảo luận dự án đường vành đai, thị trường đã sôi lên

,
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 10/6.

“Việc thực hiện 2 dự án vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội vào giai đoạn này đã muộn hơn dự kiến, định là giai đoạn 5 năm trước, nên không có lý do gì trì hoãn. Hai dự án này sẽ mở ra không gian phát triển cho các trung tâm kinh tế cả nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh ngay khi bắt đầu phần phát biểu ý kiến tại Hội trường.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (GĐ 1), Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Theo ông Cường, các tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng từ giai đoạn 2011-2020, nhưng vì khó khăn về nguồn lực chưa được thực hiện, nên đến thời điểm này, khi các nguồn lực và điều kiện đã cho phép, thì việc quyết định đầu tư xây dựng là kịp thời và phù hợp.

Ông Cường nhắc lại những ý kiến của nhiều đại biểu đã từng thảo luận ở tổ, đó là hai dự án này không chỉ giảm ách tắc của Hà Nội hay TP.HCM mà là khơi thông nguồn lực, hàng hóa của cả nền kinh tế. Sự tắc nghẽn của của Hà Nội còn ảnh hưởng đến đường hàng hóa từ phía Nam lên phía Bắc, ông Cường ví dụ.

Vì vậy, vấn đề ông quan tâm lớn hơn thời điểm này là việc tận dụng và khai thác các nguồn lực mở ra từ các dự án này. Dù là các tuyến đường cao tốc, nhưng là vành đai các trung tâm kinh tế, nên có thể nhìn thấy những đô thị hiện đại, những trung tâm sản xuất, hàng hóa, khu công nghiệp sẽ phát triển bám theo các không gian này.

“Chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn. Do vậy, nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 khu vực Hà Nội cũng như tuyến đường vành đai 3 TP.HCM sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách, mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường”, ông Cường đề xuất. 

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng đồng tình, xây dựng các phương án khai thác nguồn lực, quỹ đất sẽ mở ra theo các dự án, để giảm áp lực cho ngân sách.

“Bộ Tài Chính phải có ý kiến về các phương án này một cách lỹ lưỡng”, đại biểu Vân đề nghị trực tiếp.

Đây cũng chính là lý do nhiều đại biểu đề đồng tình với việc thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần, kể cả quỹ đất cho hành lang đường sắt vành đai đã có quy hoạch. Cách này cũng sẽ giảm áp lực về nguồn lực khi thực hiện các dự án này, do chi phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng lên khi đã hình thành các khu kinh tế, đô thị mới trong vùng vành đai.

“Cùng với việc lên kế hoạch giải phóng mặt bằng 1 lần, Chính phủ cần có nghiên cứu, quy hoạch cả vùng dự án để hình thành không gian phát triển, cả mạng lưới hạ tầng, đô thị… để có phương án đấu thầu thực hiện, khai thác tối đa nguồn lực”, ông Cường cụ thể phần kiến nghị.

,
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.CHM cũng nhắc đến những bất cập trong khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc hiện tại như một cảnh bảo sớm. Nếu không có quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu tầm nhìn, xây dựng các đường kết nối đâm thẳng vào cao tốc, sẽ lại tạo thành các nút thắt mới.

“Chúng ta phải học tập các nước khi quy hoạch các vùng kết nối trong không gian phát triển, không để tình trạng trước khi có cao tốc đi Đà Lạt chỉ 6 tiếng, giờ có thì đi mất 8-10 tiếng”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên cũng đề nghị chú ý đến việc kết nối với các trung tâm kinh tế. Đường cao tốc những đi qua các vùng dân cư, đô thị, nên không thể thiếu các đường, hầm kết nối.

Đặc biệt, các doanh nghiệp kỳ vọng vào việc xuất hiện của nhà đầu tư trong dự án Vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, cần tiếp tục mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án này.