“Chọn mặt” để phân cấp thực hiện các đại dự án cao tốc

Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh khi được giao làm chủ quản dự án đường bộ cao tốc là rất nặng nề

Chọn phương án 14/16

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình số 4565/Tr-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân cấp thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội.

Để có được những nội dung tại Tờ trình số 4565/Tr-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã 4 lần lấy ý kiến của 22 bộ, ngành và địa phương liên quan, với mục tiêu cao nhất là sẽ chọn “đúng người để giao việc” nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, đặc biệt là trong 2 năm từ 2022 – 2023.

Tại tờ trình trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ phân cấp cho 14 UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản của 14/16 dự án, dự án thành phần; 2/16 dự án thành phần còn lại do Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) làm cơ quan chủ quản (phương án 1).

Cần phải nói thêm, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh khi được giao làm chủ quản dự án là rất nặng nề. Cùng với việc phải kiện toàn nhân sự, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm của ban quản lý dự án trực thuộc hoặc tư vấn quản lý dự án, UBND cấp tỉnh được giao chủ quản dự án sẽ phải bố trí đủ phần vốn ngân sách địa phương để thực hiện. Trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện.

Ưu điểm của phương án này là thực hiện phân cấp tối đa cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản. Hai dự án thành phần do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đều là những đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật hoặc nằm trên địa bàn 2 tỉnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, nếu phân cấp cho Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, thì 3 địa phương này sẽ phải kiện toàn nhân sự, thành lập ban quản lý dự án mới hoặc lựa chọn tư vấn quản lý dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng để đảm bảo phù hợp với điều kiện phân cấp quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH13 của Quốc hội.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ, phương án phân cấp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là tối ưu bởi với việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, năng lực quản lý của Bộ GTVT đã tới hạn.

“Địa phương là cơ quan nắm rõ về địa hình, địa lý, đặc thù địa bàn quản lý, có đủ công cụ để kiểm soát mỏ nguyên vật liệu ngay từ giai đoạn cấp phép; quản lý giá cả, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi, kiểm soát tổng mức đầu tư, giảm chi phí phát sinh, hạn chế sử dụng kinh phí dự phòng”, ông Chủng nói.

Đề xuất hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương

Trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản đề xuất cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản của 11/16 dự án, dự án thành phần; 5/16 dự án thành phần còn lại do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.

Ưu điểm của phương án này là đảm bảo phân cấp cho các địa phương tự đánh giá ban quản lý dự án trực thuộc có đủ năng lực, kinh nghiệm, đúng với Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc thực hiện phương án này chưa đảm bảo phân cấp tối đa cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản. Bộ GTVT vẫn phải thực hiện 31,25% số dự án, dự án thành phần trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, quan điểm xuyên suốt của Bộ GTVT là đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương thực hiện vai trò chủ quản dự án. Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền giao cho khá nhiều địa phương làm chủ các dự án đường cao tốc quy mô lớn theo hình thức PPP, trong đó nhiều công trình đã về đích đúng tiến độ, đảm bảo các mục tiêu đề ra.

“Bộ GTVT sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm và nhân sự cho các địa phương có nhu cầu trong quá trình thực hiện vai trò chủ quản đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trên thực tế, hiện 14 địa phương có dự án nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội đều chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư xây dựng đường cao tốc, trừ UBND tỉnh Tuyên Quang đang triển khai thi công đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai (quy mô cao tốc chưa hoàn chỉnh) và tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Trong 14 địa phương nêu trên, có 11 địa phương tự đánh giá ban quản lý dự án (bao gồm tổ chức và nhân sự) thuộc địa phương đủ năng lực, kinh nghiệm để tổ chức thực hiện các dự án, dự án thành phần khi được phân cấp và đồng ý nhận làm cơ quan chủ quản; cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ba địa phương (Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang) không tự đánh giá rõ việc đáp ứng đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm của ban quản lý dự án (bao gồm nhân sự, bộ máy) tại thời điểm hiện tại, nhưng vẫn thống nhất làm cơ quan chủ quản khi được giao. Các địa phương này cam kết kiện toàn nhân sự, thành lập ban quản lý dự án mới, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý để thực hiện dự án thành phần phân đoạn qua địa phận tỉnh hoặc lựa chọn tư vấn quản lý dự án để triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và các quy định hiện hành.

Để khắc phục sự thiếu hụt kinh nghiệm trong giai đoạn đầu triển khai các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường năng lực chuyên môn kinh nghiệm chung của tổ chức, kinh nghiệm riêng của cá nhân và chứng chỉ cần thiết… cho các địa phương.

Trong vai trò quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT sẽ hướng dẫn, kiểm tra giám sát và đôn đốc các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản kiện toàn năng lực quản trị, chuyên môn. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn cơ quan chủ quản đảm bảo đủ các điều kiện về hoạt động xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, dự án thành phần.

“Đề xuất này là hợp lý, bởi việc triển khai các dự án đường cao tốc được đầu tư bằng vốn đầu tư công rất phức tạp về trình tự thủ tục. Nếu không nhận được hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, sẽ rất khó để các địa phương hoàn thành công trình đúng kế hoạch đề ra”, ông Chủng nhận xét.

Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) trong quý I/2022 trình Thủ tướng xem xét, quyết định việc phân cấp cho các UBND cấp tỉnh có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội (trừ Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT. Nghị quyết số 11/NQ-CP nhấn mạnh, cơ quan chủ quản được giao sẽ thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc đến khi hoàn thành dự án.