Chủ đầu tư và nhà thầu giao thông phấp phỏng lo bão giá

Ảnh minh họa.
Thi công cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn.

Nóng rẫy giá vật tư giao thông

Sự lo lắng là điều có thể nhận thấy nếu chiểu theo Thông báo số 60/TB-BGTVT ngày 23/2/2022 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về đánh giá biến động tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu tác động đến giá thành các dự án công trình giao thông trọng điểm và giá thành vận tải thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT, thời gian qua, tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và trong nước có biến động tăng, đã và đang có những tác động nhất định đến giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của ngành và giá dịch vụ vận tải.

“Đây là những vấn đề rất nóng, cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng và kiểm soát tốt giá dịch vụ vận tải”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và trong nước có biến động tăng, đã tác động lớn đến giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông. Nếu không có cơ chế điều chỉnh thì các nhà thầu sẽ kiệt sức.

Được biết, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm khẩn trương có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phản ánh về tình hình biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu, tác động của biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm và đề xuất một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ GTVT, các ban quản lý dự án theo dõi sát tình hình biến động của giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thời gian qua, đánh giá những tác động của việc biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của ngành để kịp thời cung cấp thông tin và số liệu báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Cần phải nói thêm rằng, sức nóng của đà tăng giá xăng, dầu diesel trên các công trường, đặc biệt là trên các dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam đang là nỗi lo lắng lớn nhất của các chủ đầu tư và nhà thầu giao thông

“Giá xăng, dầu, thép tăng nhanh quá. Tình trạng giá cả nguyên vật liệu thiết yếu giờ phải dùng đúng từ là bão giá, tương tự như giai đoạn 2008”, lãnh đạo một nhà thầu đang thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Dầu Giây – Phan Thiết cho biết.

Theo nhà thầu này, xăng, dầu là loại nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. Việc giá xăng và dầu diesel hiện đã tăng gấp đôi so với giá bỏ thầu sẽ khiến nhà thầu này bị tăng chi phí từ 5 đến 10 tỷ đồng.

“Xăng, dầu không chỉ tăng chóng mặt, mà do lo ngại giá sẽ biến động rất nhanh nên chủ các cây xăng chỉ bán nhỏ giọt mỗi lần khoảng 1.000 – 2.000 lít, trong khi nhu cầu thi công thực tế lên tới 6.000 – 7.000 lít/ngày”, đại diện nhà thầu này cho biết.

Ngoài xăng dầu, nhà thầu này cũng đã và đang phải chịu thiệt hại rất nặng do giá thép, giá xi măng tăng cao. Tại thời điểm gói thầu mà đơn vị này tham gia tổ chức đấu thầu (tháng 10/2020), giá thép tròn do Sở Xây dựng Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế VAT. Chỉ sau đúng 1 tháng, giá thép xây dựng đã bắt đầu “nhảy múa”, tăng cao trong quý I/2021, tăng đột biến trong các tháng 6, 7, 8, 9/2021 và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đại diện đơn vị thi công cho biết, giá thép mà họ đang phải mua là 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT), tăng khoảng 60% so với thời điểm đấu thầu.

“Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá các loại vật liệu khác, chúng tôi đang phải bù lỗ 200 tỷ đồng, tương ứng 18% giá trị hợp đồng không bao gồm dự phòng”, đại diện nhà thầu cho biết và khẳng định, nhiều nhà thầu khác đang thi công tại Dự án Đường cao tốc Bắc – Nam nói riêng, các dự án hạ tầng giao thông nói chung cũng đang phải gánh chịu những khoản thua lỗ tương tự.

Nếu như những nhà thầu thi công các công trình cầu lo một, thì các đơn vị thi công những cấu phần đường thuộc các dự án thành phần đường lại lo gấp mười. Giá xăng, dầu tăng sẽ làm tăng chi phí đất đắp, đá, cát sỏi, đồng thời đẩy chi phí vận chuyển các loại vật liệu từ mỏ về công trường tăng cao.

Tại Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, hiện có khoảng 3 dự án PPP thành phần vẫn đang trong giai đoạn thi công móng và nền đường. Cho nên, ngay cả khi giải được bài toán về nguồn cung vật liệu đất đắp, giá thành công trình sẽ là yếu tố khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu đau đầu.

Đối với các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện cấp phối đá dăm thì tình hình chiến sự tại Ukraine được dự báo là sẽ đẩy giá nhựa đường – loại vật liệu gốc dầu thô lên cao cũng đang khiến họ lo thắt ruột.

Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Bộ GTVT) cho biết, giá nhựa đường đặc nóng phục vụ thi công bê tông nhựa theo dự toán được Bộ GTVT duyệt vào năm 2020 làm cơ sở đấu thầu là 11.000 đồng/kg, nhưng hiện các đơn vị thi công đang được nhà cung cấp chào giá khoảng 15.000 đồng/kg, đồng thời được thông báo nếu không xuống tiền sớm thì giá có thể tăng thêm từ 15% đến 20% sau 1 – 2 tháng nữa.

Trong khi đó, nhựa đường tuy có khối lượng ít, nhưng lại có tỷ trọng trong cơ cấu gói thầu rất cao, đòi hỏi dòng tiền lớn, liên tục trong giai đoạn cuối, nên sẽ là yếu tố rủi ro rất cao đến tiến độ, chất lượng công trình nếu nhà thầu không còn giữ được sức khỏe về tài chính.

Nhà thầu lo kiệt sức

Không chỉ giá nguyên, nhiên, vật liệu, mà giá nhân công tại một số dự án hạ tầng giao thông lớn hiện cũng đã tăng gấp đôi so với trước dịch Covid-19, đặc biệt là thợ kỹ thuật cao. Nhiều nhà thầu thi công tại khu vực phía Nam đang chật vật tìm kiếm nguồn lao động mới bổ sung sau khi những tốp thợ phía Bắc về quê đã không quay trở lại công trường.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), đơn vị quản lý Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Dầu Giây – Phan Thiết cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, đã trải qua 2 đợt bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều nhà thầu thi công trên tuyến luôn trong tình trạng căng thẳng về lao động.

“Việc các nhà máy công nghiệp dịch chuyển về các địa phương, đặc biệt là các khu vực xưa nay là cái nôi của thợ cầu đường như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên và trả lương từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng đã khiến việc tuyển dụng công nhân rất khó khăn. Lương công nhân giao thông vốn bị neo vào định mức nhân công được lập cách đây gần 10 năm đã khiến thợ cầu đường dù làm bạc mặt, phơi sương phơi nắng nhưng cũng khó vượt qua mức thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty 473 chia sẻ và nhấn mạnh, nếu không có thay đổi thì ngành GTVT sẽ sớm đối diện với cuộc khủng hoảng về nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT), hiện Bộ GTVT đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công (gồm các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy và hàng không). Tại những dự án này, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh (dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, xi măng…). Phương pháp điều chỉnh giá này có thể phủ được từ 70 đến 80% chi phí phát sinh của nhà thầu trong điều kiện giá các vật liệu đầu vào được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang có biến động lớn, đột biến, trong khi chỉ số giá xây dựng do địa phương lại công bố không kịp thời (có tỉnh 6 tháng/lần mới cập nhật bộ chỉ số giá) hoặc có công bố thì cũng phản ánh chưa sát với mức độ biến động giá đột biến của thị trường.

“Phương pháp điều chỉnh hiện tại chỉ bù đắp được khoảng 50 – 60% chi phí thực tế. Mặc dù là công trình đấu thầu lời ăn lỗ chịu, nhưng trong bối cảnh biến động giá quá lớn như hiện nay thì nhà thầu sẽ sớm kiệt quệ về tài chính, dù muốn hay không, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ công trình”, ông Trần Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Vạn Cường nói.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2021, Bộ GTVT đã từng có công văn gửi Bộ Xây dựng về tác động của dịch bệnh Covid-19 và biến động giá thép đến hoạt động xây dựng.

Tại công văn này, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng có văn bản hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình, làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cân nhắc giao các đơn vị tư vấn độc lập khảo sát, xác định chỉ số giá xây dựng để áp dụng riêng cho dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có các dự án cao tốc để phản ánh sát thực biến động giá tại các công trường, qua đó hài hòa lợi ích của nhà thầu xây lắp và của Nhà nước.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, những thay đổi liên quan đến chỉ số giá xây dựng tại các dự án hạ tầng giao thông vẫn chưa xuất hiện.

“Nếu các cơ quan quản lý không sớm vào cuộc để xử lý bù biến động giá thì sẽ rất nhanh chóng, tiến độ thi công các dự án sẽ bị ảnh hưởng dù các chủ đầu tư có hô hào, gây sức ép đến đâu”, một nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam thông tin.