Chuyển 8 dự án cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công: Uỷ ban Kinh tế nói gì?

.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra .

Trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần để chuyển sang đầu tư công, Thường trực Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chiều 16/5 Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất nói trên.

Sẽ đẩy nhanh được tiến độ

Lý do cần chuyển đổi 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công 100% đã được Chính phủ nêu nhiều lần trong thời gian gần đây, trong đó có việc  các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển không có thế mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng.

Khó khăn về tín dụng là vấn đề mấu chốt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh. 

Thẩm tra đề xuất chuyển đổi của Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho biết có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ vì theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, 58/60 dự án BOT giao thông có doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%. Do đó việc cấp tín dụng cho các dự án BOT tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng cho các dự án BOT trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.

Việc chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Theo dự kiến đến năm 2022 các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ.

Việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, nếu huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ lãi suất sẽ thấp hơn so với nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng làm tổng mức đầu tư giảm 3.020 tỷ đồng (từ 102.513 tỷ đồng xuống còn 99.493), trong đó sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, số còn lại 44.493 tỷ đồng sẽ được bố trí trong giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc tập trung bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia quy định của Luật Đầu tư công  là hoàn toàn khả thi.

Lý do nữa là thời gian qua, việc triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP còn nhiều khó khăn, vướng mắc do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vẫn còn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức tín dụng khi chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro, nên khó thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

Phương án bổ sung vốn không phù hợp

Loại ý kiến thứ 2 không tán thành điều chỉnh nêu khá nhiều lý do.

Một là, theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt thì các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP có phương án tài chính khả quan vì thời gian thu phí từ 14,58 năm đến 22,58 năm, thấp hơn so với dự kiến (24 năm) và đã được các nhà đầu tư quan tâm. Đã có 7/8 dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển, do đó cần tiếp tục thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Hơn nữa, Chính phủ mới phân bổ sử dụng 50.812 tỷ vốn đầu tư công cho các dự án thành phần. Nếu phân bổ hết số vốn còn lại 4.188 tỷ cho các dự án đó thì phương án tài chính còn khả quan hơn nữa.

Hai là, nghị quyết của Quốc hội đã quy định, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay Dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ lại trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư toàn bộ Dự án sang hình thức đầu tư công là không phù hợp. Ngoài ra, nếu dừng triển khai theo hình thức PPP chuyển sang đầu tư công, một mặt sẽ không thực hiện được chủ trương lớn của Đảng và nhà nước là huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Mặt khác, việc liên tục hủy sơ tuyển đối với Dự án sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Nhà nước, đến dư luận, tâm lý của nhà đầu tư và nhân dân; thể hiện sự thiếu nhất quán về chủ trương, chính sách trong các quyết định, nhất là trong bối cảnh Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại kỳ họp này.

Ba, theo quy định tại Luật Đầu tư công “Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó”. Do đó, việc Chính phủ đề xuất bố trí bổ sung 44.493 tỷ đồng (tương đương 80,89% tổng số vốn kế hoạch) cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025 là không phù hợp.

Bốn, trong bối cảnh đại dịch covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn , cùng với đó nhu cầu đầu tư cho an sinh xã hội, và các công trình dự án ở giai đoạn sau phải cân đối trên tổng thể các ngành, lĩnh vực khác và để Quốc hội khóa sau xem xét, quyết định.

Năm, thực tế cho thấy các dự án đầu tư công trong thời gian vừa qua để xảy ra tình trạng thời gian bị kéo dài, đội vốn và chất lượng công trình không bảo đảm, trong khi các dự án của các nhà đầu tư tư nhân có chất lượng tốt hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, Thường trực uỷ ban cho rằng, hai loại ý kiến nêu trên đều có cơ sở, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại.

Việc này cũng đồng thời bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư công khi Quốc hội quyết định bố trí vốn bổ sung cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025 không quá 11.000 tỷ đồng (tương ứng không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho Dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển, báo cáo thẩm tra nêu rõ.