Chuyển dịch năng lượng: Những khuyến nghị chờ hiện thực

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời.   Ẩnh: Đức Thanh

Tiêu thụ nhiều năng lượng

Ấn phẩm “Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) vừa được công bố đánh giá, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam là dựa trên một nền kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng.

Đơn cử, trong giai đoạn 2016 – 2020, hệ số đàn hồi điện (tăng trưởng nhu cầu điện năng/tăng trưởng GDP) dao động ở mức trung bình 1,67 – mức khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này có nghĩa là, Việt Nam đang ngày càng trở nên kém hiệu quả trong sử dụng năng lượng. Trong khi đó, ở các nước kinh tế phát triển (G7, G20, OECD), hệ số đàn hồi điện thường nhỏ hơn 1.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tương đối khác biệt về cường độ sử dụng năng lượng so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. 

Sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam cũng được các chuyên gia chỉ ra là đang đối mặt 4 thách thức lớn, gồm an ninh cung ứng điện, sự hợp lý về giá cả và khả năng cạnh tranh, các thách thức về môi trường và tính bền vững.

Trong đó, thách thức về an ninh cung ứng điện thể hiện ở chỗ thiếu nguồn cung nội địa; một số nhà máy điện có quy mô lớn chậm tiến độ hoàn thành, nên hệ thống điện quốc gia gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng nhu cầu điện tăng cao; sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu trong tương lai, nhất là than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Ở khía cạnh giá, thách thức là thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, chính sách giá năng lượng còn bất cập và chưa hoàn toàn phù hợp với các cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế ở Việt Nam còn thâm dụng năng lượng, hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp và vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường cho các dự án trong ngành năng lượng còn hạn chế.

Nghiên cứu các mục tiêu tổng quát và cụ thể theo các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng và điện lực quốc gia dựa trên các dự báo đối với hệ thống điện và năng lượng trong 10 năm tới, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 – 2050, các chuyên gia nhận xét rằng, yêu cầu cung ứng năng lượng nói chung,  điện năng nói riêng khá cao. Đây là các thách thức lớn đối với quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam trong tương lai.

Dự án điện truyền thống gặp khó

Trên thực tế, từ năm 2016, phần lớn các dự án nhiệt điện than và tất cả các dự án điện khí chu trình hỗn hợp đều bị chậm tiến độ so với ngày vận hành thương mại đề ra trong quy hoạch ngành điện. Việc chậm tiến độ cũng như hủy bỏ dự án hoặc chuyển đổi hoàn toàn dự án bị ảnh hưởng bởi việc phát triển và cấp vốn cho các dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT quốc tế bị chậm tiến độ do nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ gặp khó khăn về cam kết bảo lãnh gắn với các vấn đề bao tiêu sản lượng, chuyển đổi ngoại tệ, áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp, bảo đảm thanh toán, yêu cầu về đấu nối và truyền tải…

Các dự án điện độc lập (IPP) trong nước cũng bị chậm tiến độ, ngoài các lý do như trên, còn do một số chủ đầu tư và nhà thầu thiếu kinh nghiệm và khả năng tài chính doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, dòng tín dụng quốc tế cho nhiệt điện than ngày càng trở nên khó thu xếp trên thị trường tài chính thế giới.

Với các dự án nhiệt điện khí, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng ngành điện, khó khăn còn liên quan đến hạ tầng thượng nguồn là các mỏ khí nội địa hoặc các cơ sở cung cấp khí LNG nhập khẩu gắn với các thỏa thuận thương mại có tính ràng buộc như các hợp đồng bao tiêu.

Ngoài ra, khung pháp lý hiện nay của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng đầy đủ để hỗ trợ nhập khẩu LNG, một số luật chỉ đề ra các nguyên tắc cơ bản, nên cần có thêm các quy định chi tiết để thực hiện, đặc biệt đối với nguyên tắc chuyển chi phí (pass-through) và cam kết bao tiêu (take-or-pay) trong hợp đồng mua bán điện liên quan đến chuỗi giá trị điện khí.

Ngành điện Việt Nam cũng tiếp tục gặp phải các thách thức lớn trong việc phát triển công suất nguồn điện mới. Tiến độ xây dựng một số dự án nhiệt điện thuộc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh chậm hơn nhiều so với dự kiến, thường là chậm vài năm. Vì thế, vấn đề đảm bảo an ninh cung cấp điện cũng được các nghiên cứu cho là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết trong ngắn và trung hạn, đặc biệt trong 3 – 5 năm tới.

Thách thức từ môi trường

Việt Nam đã và đang là một quốc gia nhập khẩu lớn về dầu mỏ, than và sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu lớn về LNG. Điều này cũng đang kéo theo sự phụ thuộc vào thị trường năng lượng truyền thống quốc tế, dẫn đến nguy cơ làm suy yếu an ninh năng lượng của Việt Nam trong dài hạn, đồng thời tác động không tốt đến vấn đề đảm bảo môi trường.

Để tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với thực hiện mục tiêu về trung hoà carbon vào năm 2050, vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng gắn với chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang những mô hình sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo mà Việt Nam có lợi thế, tiềm năng, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh và hiệu quả hơn trong dài hạn đã được đưa ra.

Một số khuyến cáo cũng được nhắc tới nhằm phát triển năng lượng tái tạo. Đó là giữ nguyên biểu giá FIT đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ (như dưới 10 MW) nhằm hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo,  bảo đảm tính đa dạng của thành phần tham gia. Đồng thời, sử dụng hình thức đấu thầu đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn (ví dụ trên 10 MW) để thu hút đầu tư từ các nhà phát triển dự án quốc tế.

Áp dụng hình thức đấu thầu đối với các công nghệ có chi phí đầu tư ít được biết đến và sự cạnh tranh có thể bị hạn chế như thủy điện tích năng, điện mặt trời nổi, điện rác, điện gió ngoài khơi, các hệ thống lưu trữ, hydro.

Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần chú trọng hơn đến công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát và tăng cường các chế tài liên quan để hạn chế, cắt giảm đầu tư và có lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều carbon.

Mặc dù mức tiêu thụ điện bình quân đầu người hiện nay của Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan và Malaysia, nhưng mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam cao hơn nhiều lần so với mức tiêu thụ điện trong quá khứ của Thái Lan và Malaysia khi có mức GDP tương đương Việt Nam hiện nay.