Cố định tỷ lệ 50 – 50 trong chia sẻ rủi ro dự án PPP

Việc huy động vốn tín dụng để đầu tư một số Dự án BOT giao thông gặp khó khăn do chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro. Ảnh: Đ.T
Việc huy động vốn tín dụng để đầu tư một số dự án BOT giao thông gặp khó khăn do chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro. Ảnh: Đ.T

Vấn đề rất khó

Chuẩn bị cho việc thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20/5 tới đây, Dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP vừa được hoàn thiện thêm một bước và gửi lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.

Từ lần đầu Dự thảo được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2019) của Quốc hội cho đến quá trình lấy thêm ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan của Quốc hội và hai phiên họp trong tháng 3, tháng 4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, cơ chế chia sẻ rủi ro là vấn đề rất khó, chưa thể chốt cứng.

Bộ Giao thông – Vận tải, nơi đang quản nhiều dự án PPP, trong một báo cáo mới phát hành đã “kêu” rằng, thực tế triển khai một số dự án BOT giao thông thời gian qua cho thấy, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro (đặc biệt là rủi ro về doanh thu) chưa được áp dụng, việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư là rất khó khăn. 

Nhưng một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên luật hóa việc chia sẻ rủi ro, vì việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP được thực hiện thông qua đấu thầu, tuân thủ nguyên tắc thị trường “lời ăn, lỗ chịu”. Nếu có sự chia sẻ của Nhà nước, sẽ tạo tâm lý ỷ lại hoặc phụ thuộc của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP vào Nhà nước khi thực hiện dự án PPP, làm cho dự án không mang lại hiệu quả cao.

Những người có ý kiến đồng ý nên có cơ chế chia sẻ rủi ro cũng còn nhiều băn khoăn. Có vị đề nghị không áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu bằng tiền, vì trong điều kiện năng lực dự báo, quản lý của các cơ quan nhà nước, cũng như khả năng cân đối ngân sách nhà nước, áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro như Dự thảo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Nhà nước…

Xem xét khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75%

Do còn có ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong đó, phương án 1 quy định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Với phương án này, việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP, nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Phương án này chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Mặt khác, sụt giảm doanh thu lớn sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp, có khả năng tác động đến khả năng trả nợ đối với bên cho vay, nên cần cơ chế để xử lý ngay cho từng năm. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm.

Về tỷ lệ, Chính phủ đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng cố định tỷ lệ 50 – 50.

Về mức doanh thu cam kết ghi trong hợp đồng làm cơ sở bắt đầu chia sẻ rủi ro, Dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 không quy định cụ thể. Trong khi đó, Dự thảo luật mới nhất quy định, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu.

Bình đẳng giữa Nhà nước và tư nhân

Phương án 2 quy định cơ chế chia sẻ lỗ, lãi. Cụ thể, việc chia sẻ phần lãi tăng thêm sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại luật và việc chia sẻ phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện như ở phương án 1.

Về cơ sở xác định tỷ lệ, Dự thảo luật quy định, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng hoặc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần lãi tăng thêm sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân.

Theo chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Luật Đầu tư theo phương thức PPP sẽ được thảo luận trực tuyến vào sáng 29/5 và biểu quyết thông qua vào ngày 12/6/2020.