Cơ hội đầu tư vào Khánh Hòa nhìn từ phát triển hạ tầng

Dự án Quốc lộ 1A đi Đầm Môn hứa hẹn sẽ thúc đẩy kinh tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Khu kinh tế Vân Phong 

“Chiếc áo mới” về hạ tầng giao thông

Nhờ được quan tâm đầu tư, hệ thống hạ tầng giao thông tại Khánh Hòa đã khoác lên mình “chiếc áo” mới. Một trong những dự án giao thông “hạt nhân” tại TP. Nha Trang là tuyến đường Cao Bá Quát – Cầu Lùng được thông xe vào ngày 10/2/2018 và đặt tên thành đường Võ Nguyên Giáp. Đây được xem là một trong những tuyến đường rộng và đẹp nhất tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Tuyến đường dài 11 km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2020. Đường Võ Nguyên Giáp có điểm đầu nằm tại nút giao giữa đường A1 và đường Cao Bá Quát, điểm cuối ở huyện Diên Khánh tại nút giao Quốc lộ 1A với đường đi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng).

Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho đường 23/10. Không chỉ vậy, tuyến đường mới được mở ra cũng là cơ hội thuận lợi thúc đẩy sự phát triển về phía Tây TP. Nha Trang.

Một trong những dự án giao thông động lực, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc và giao cắt với tuyến đường sắt Bắc – Nam phải kể đến là Dự án Nút giao thông Ngọc Hội (đường 23/10). Dự án được UBND tỉnh giao Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, bằng hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Dự án thiết kế với hệ thống cầu vượt qua đường sắt và cầu vượt cho người đi bộ. Nút giao thông này có 4 nhánh cầu vượt, gồm N1 (nhánh Đông), N2 (nhánh Nam), N3 (nhánh Tây) và N4 (nhánh Bắc).

Dự án khởi công cuối năm 2017, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2019, nhưng đến năm 2019 bị ngưng thi công vì một số nguyên do. Chủ đầu tư sau đó đã có văn bản xin gia hạn tiến độ đến tháng 9/2022, được UBND tỉnh chấp thuận.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang phối hợp với chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu là phải hợp long vòng xuyến vào đầu tháng 9/2022 như cam kết với tỉnh, nên các đơn vị, địa phương liên quan đang “chạy đua” tiến độ.

Bên cạnh đó, hàng loạt tuyến đường mới hình thành đã góp phần tạo diện mới cho TP. Nha Trang. Điển hình như tuyến đường số 4 kết nối hàng loạt khu đô thị lớn, như Khu đô thị VCN Phước Hải, Lê Hồng Phong I, Lê Hồng Phong II, VCN Phước Long… đã giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông qua đường Lê Hồng Phong (TP. Nha Trang).

Tại Khu kinh tế Vân Phong, Dự án Đường giao thông Quốc lộ 1A đi Đầm Môn cũng đang được các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, sớm đưa dự án vào khai thác. Tuyến đường này rộng 36 m, với 4 làn xe, dài 14,3 km (mức đầu tư hơn 998 tỷ đồng), khi hoàn thành, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho khu vực bán đảo Hòn Gốm, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong.

Thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế đột phá

Theo dự báo của UBND tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đến năm 2030 toàn tỉnh đạt tối thiểu 24%. Theo tính toán, mật độ đường giao thông (tính đường có chiều rộng phần xe chạy ≥ 7,5 m) đạt tối thiểu 13 km/km2. Diện tích đất giao thông tính theo dân số đạt tối thiểu 15 m2/người.

Đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ đạo, phục vụ mục tiêu thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế đột phá trong giai đoạn tới. Khánh Hòa sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đến năm 2030, gồm xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Hầm Đèo Cả, các đoạn Vân Phong – Nha Trang, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo), cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Hệ thống quốc lộ, đường tỉnh đưa vào cấp kỹ thuật theo quy định hiện hành. Cụ thể, Khánh Hòa sẽ nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quốc lộ bảo đảm kết nối, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III trở lên, một số đoạn đi qua khu vực miền núi đạt cấp IV trở lên; đầu tư và đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Ninh Thuận với quy mô tối thiểu từ cấp III trở lên…

Với đường thủy nội địa, Khánh Hòa sẽ phát triển mạng lưới tuyến vận tải thủy và bến thủy nội địa phục vụ dân sinh và phục vụ du lịch theo đề án phát triển giao thông – vận tải đường thủy nội địa của tỉnh Khánh Hòa; nghiên cứu các bến du thuyền phục vụ phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao.

Liên quan đường biển, Khánh Hòa đặt mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Khánh Hòa là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, khu bến Bắc Vân Phong có tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế. Khánh Hòa có bến container, tổng hợp, bến cảng khách quốc tế.

Đối với đường sắt, địa phương dự kiến nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện hữu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn TP.HCM – Nha Trang.

Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng. Về vận tải, Khánh Hòa tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần đến năm 2030 đạt tối thiểu 20% tổng nhu cầu đi lại.

Theo phương án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (dự kiến) của UBND tỉnh Khánh Hòa, cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài 145 km, quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe cơ giới (nền đường rộng 32,25 m), giai đoạn đầu đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe (nền đường rộng 17 m), gồm 4 đoạn tuyến. Trong đó, đoạn Hầm Đèo Cả (Phú Yên – Khánh Hòa) dài 14 km; đoạn Vân Phong – Nha Trang dài 83 km; đoạn Nha Trang – Cam Lâm dài 49 km; đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 79 km, trong đó đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa 5 km.

Trong khi đó, theo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, chiều dài tuyến 118 km, từ nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1A đến giao cắt tại Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Cao tốc Nha Trang – Liên Khương có điểm đầu giao cao tốc Bắc Nam phía Đông khu vực Nha Trang (Khánh Hòa), điểm cuối giao cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khu vực Liên Khương (Lâm Đồng), với tổng chiều dài 85 km. Chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Khánh Hòa là 34 km, quy mô 4 làn xe cơ giới, đầu tư xây dựng sau năm 2030.

Như vậy, quy hoạch mạng lưới cao tốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 213 km, quy mô 4 – 6 làn xe.

Theo ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Khánh Hòa, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế biển toàn diện, giao lưu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, du lịch, sản xuất – kinh doanh và trao đổi hàng hóa, logistics.

Với loạt dự án giao thông trọng điểm đã và đang hình thành, Khánh Hòa hứa hẹn sẽ tạo cú hích lớn, không chỉ về mặt giao thương, mà còn tạo “bệ phóng” cho nền kinh tế, mở cửa thu hút đầu tư.

Loạt dự án tạo động lực phát triển

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện một số dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, như Dự án Cải tạo, nâng cấp kênh chính Nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập; Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái (Nha Trang); Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang; Dự án đường Tỉnh lộ 2 (ĐT.635), đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi; Dự án đường Tỉnh lộ 3; Bệnh viện Đa khoa Nha Trang; Dự án Bệnh viện Ung bướu; Dự án Đường D30 – Kết nối đường 23/10 với đường Võ Nguyên Giáp; Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn; Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng chống ngập lụt, xói lở Khu dân cư Mỹ Thanh (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh)…

Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, như công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa…

Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách, tỉnh Khánh Hòa có một số dự án lớn, quan trọng đã, đang và sẽ thực hiện tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới như Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong, Khu công nghiệp Ninh Thủy, Thủy điện Sông Giang 1…

Khánh Hòa cũng xác định việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới, như các nhà máy sản xuất tại Cụm công nghiệp Trảng É, Cụm công nghiệp Diên Phú – VCN… là một trong những nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định.