Cơ hội để TP. Cần Thơ đột phá, phát triển

TP. Cần Thơ đang tập trung nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm đô thị hạt nhân trung tâm của Vùng  Đồng bằng sông Cửu Long
TP. Cần Thơ đang tập trung nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm đô thị hạt nhân trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh, Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ như một luồng gió mới để Cần Thơ tập trung mọi nguồn lực, đột phá phát triển nhanh và bền vững, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xứng tầm vị thế và tiềm năng của đô thị hạt nhân Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa, cơ hội và tầm quan trọng của việc thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Cần Thơ?

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời điểm Cần Thơ đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.

Đặc biệt, Nghị quyết số 45/2022/QH15 là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của Thành phố, góp phần thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); là trung tâm của Vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục – đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học – công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân Vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc”.

Nghị quyết này không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, mà còn tạo động lực phát triển cho cả Vùng ĐBSCL.

Cần Thơ đã chuẩn bị về quy hoạch, tổ chức, nguồn nhân lực và thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp như thế nào để cùng chung sức với Thành phố đón đầu cơ hội, thực hiện các cơ chế đặc thù nhằm phát triển TP. Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm ĐBSCL?

Về quy hoạch, trên cơ sở Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện, Hội đồng Quy hoạch, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, đã chỉ đạo và giao các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng báo cáo tích hợp, để kịp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2022.

Cùng với đó, triển khai công tác lập Kế hoạch Sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025; phê duyệt Quy hoạch Sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 của các huyện; rà soát tiến độ điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Về thu hút đầu tư, doanh nghiệp, UBND Thành phố đã ban hành các kế hoạch/phương án nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp khôi phục kinh tế sau khi cơ bản kiểm soát Covid-19, tạo môi trường sản xuất – kinh doanh ổn định, thông thoáng và năng động, thúc đẩy doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Thành phố trực tiếp làm việc và hỗ trợ tối đa các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương để mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm như các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Ô Môn; dự án logistics hàng không; trung tâm tài chính khu vực ĐBSCL; trung tâm dịch vụ, du lịch tại Ninh Kiều…

Đầu tư hạ tầng giao thông liên kết vùng và hạ tầng chuyển đổi số sẽ thúc đẩy thay đổi nhanh diện mạo, kết nối phát triển bền vững. Cần Thơ đã tập trung cho 2 nhiệm vụ trọng tâm này ra sao, thưa ông?

Đối với đầu tư hạ tầng giao thông, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra nhiệm vụ khâu đột phá “phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vận quốc tế; là cơ sở để Thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông – vận tải (GTVT) nội vùng và liên vận quốc tế”.

Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do vậy, TP. Cần Thơ đặt quyết tâm cao, huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện thành công khâu đột phá nêu trên.

Về đường bộ, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn Cần Thơ như: tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ và mặt đường tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi thuộc hành lang cao tốc phía Tây; nâng cấp, mở rộng quốc lộ Nam Sông Hậu, đoạn từ nút IC3 đến cảng Cái Cui; dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang (đang lập hồ sơ thiết kế và công tác giải phóng mặt bằng); cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022)

Cần Thơ hướng tới nền kinh tế số

– Phát triển chính quyền số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước dựa trên môi trường số.

Phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử…

– Phát triển xã hội số để hỗ trợ người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ công, đào tạo, tri thức.

– Tập trung triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, giao thông – vận tải, nông nghiệp, tài nguyên – môi trường, du lịch…

Cần Thơ cũng đang triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, như đường vành đai phía Tây; cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm trên các đường trục chính đô thị; các đường tỉnh 917, 918, 921, 923; các cầu Cờ Đỏ, Tây Đô, Kênh Ngang; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang)…

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics cấp quốc gia khu vực phía Nam, Dự án Xây dựng hoàn chỉnh kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, khởi công Dự án Xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; triển khai Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ.

Đặc biệt, theo Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”, sẽ thực hiện thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác để xây dựng nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo định hướng quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 đạt công suất 7 triệu hành khách/năm.

Về đầu tư hạ tầng chuyển đổi số, năm 2021 – năm đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, Cần Thơ xếp thứ 7 cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4/8/2021 của Thành ủy Cần Thơ về chuyển đổi số TP. Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND Thành phố đã giao cơ quan chuyên môn khẩn trương triển khai, quan tâm đầu tư hạ tầng chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Mạng truyền số liệu được hoàn thiện và đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị – xã hội. Thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 1.163 thủ tục hành chính. Hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đến toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ thành phố đến cấp xã; kết nối Trục liên thông văn bản của Thành phố với Trục liên thông văn bản Quốc gia…

Thành phố đã khai trương Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và thí điểm 8 dịch vụ đô thị thông minh. Một số quận, huyện đã và đang xúc tiến triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và triển khai Trung tâm Điều hành thông minh.

Hạ tầng viễn thông cũng được chú trọng đầu tư, hiện đã phủ sóng thông tin di động và thông tin di động băng rộng đến 100% dân cư; Internet kết nối đến 100% trường học; phủ sóng truyền hình số mặt đất tới 100% dân cư.

Theo ông, đâu là những điểm nghẽn cần tháo gỡ để tạo bước đột phá, đưa TP. Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, thích ứng trong tình hình mới?

Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Thành phố còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến giao thông kết nối với TP.HCM và Đông Nam bộ thường xuyên quá tải; đường bộ cao tốc qua địa bàn chưa đến 100 km. Hầu hết các sân bay trong Vùng đều chưa được đầu tư nhà ga hàng hóa và khu logistics hàng không.

Về đường biển, tàu trên 7.000 tấn không ra vào được luồng sông Hậu do phương án đầu tư luồng sông Hậu đến nay chưa hoàn chỉnh, nên phần lớn hàng hóa xuất khẩu (gạo, trái cây, thủy sản…) phải vận chuyển bằng đường bộ hàng trăm ki-lô-mét để ra các cảng quốc tế ở miền Đông, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Về nhân lực, còn thiếu nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp…

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn còn thiếu đồng bộ. Chuỗi liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chưa được thực hiện và phát huy hiệu quả trong liên kết phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố trong khu vực…

Để đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội và tạo bước đột phá, Cần Thơ phải tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn này.