Cơ hội và thách thức phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) thảo luận về cách thức đảm bảo chính sách trong tương lai giúp ngành này tăng trưởng ổn định và bền vững.

Ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC)

Tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam được đánh giá là rất lớn, tuy nhiên hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi đúng nghĩa nào được lắp đặt. Ông có thể cho biết các thách thức khi phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi thuộc vào hàng tốt nhất khu vực châu Á và có thể lên tới 600GW nếu tính đến các địa điểm xa bờ hơn theo báo cáo của WB.

Mục tiêu quy mô điện gió ngoài khơi đạt 7 GW vào năm 2030 trong dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất là một bước quan trọng để hoàn thành mục tiêu Net Zero của Chính phủ và loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu này là một thách thức lớn, trong đó các yếu tố chính cần được giải quyết bao gồm:

Một cơ chế mua sắm đơn giản, được triển khai nhanh chóng và áp dụng cho các dự án đầu tiên quy mô 4-5 GW. Một lộ trình rõ ràng để triển khai đấu thầu nhằm thực hiện quy mô 2-3 GW còn lại xong trước năm 2031.

Tiếp theo là một quy trình cấp phép rõ ràng, có phối hợp và sắp xếp hợp lý để đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn, đảm bảo các nhà đầu tư được độc quyền không gian biển trong một khoảng thời gian nhất định để thực hiện công tác nghiên cứu phát triển dự án.

Một phương pháp tiếp cận quy hoạch không gian biển (QHKGB) cho phép xây dựng cơ chế tinh gọn để đảm bảo dự án có thể được triển khai trong vài năm tới, đồng thời xây dựng một khuôn khổ chi tiết hơn cho thế hệ dự án điện gió ngoài khơi tiếp theo.

Cải thiện khả năng vay vốn cho hợp đồng mua bán điện (PPA) để thu hút tài chính quốc tế, đây là việc cần thiết để thu hút lượng vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Điện gió ngoài khơi cần nguồn vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với điện gió trên bờ. Có nhiều phương án cấp vốn cho dự án điện gió trên bờ ở Việt Nam, bao gồm vốn của nhà thầu, vốn tự có của doanh nghiệp và bảo lãnh của ngân hàng địa phương, những phương án này chủ yếu do nhà đầu tư trong nước thực hiện. Các ngân hàng trong nước, chịu sự quản lý của các quy định về mức trần cho vay cho một lĩnh vực hoặc một dự án, sẽ không có đủ vốn để tài trợ cho các dự án điện gió ngoài khơi. Do đó, thị trường sẽ cần sự tham gia của các ngân hàng quốc tế vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Quy hoạch lưới điện và nâng cấp hệ thống vận hành để tạo điều kiện tích hợp ĐGNK, có cân nhắc tới vị trí, cũng như kế hoạch và cơ chế cụ thể về khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào hệ thống truyền tải để giải quyết các thách thức về truyền tải trong thời gian tới.

Ngoài ra các vấn đề về phát triển chuỗi cung ứng, cũng như nâng cấp cảng biển và hạ tầng cũng cần được xem xét.

Theo ông vấn đề cấp bách nhất hiện nay trong quá trình thủ tục cần được giải quyết là gì?

Để khởi động một dự án điện gió ngoài khơi, nhà phát triển phải có giấy phép khảo sát địa điểm cho khu vực dự án. GWEC khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cấp phép khảo sát địa điểm độc quyền có thời hạn cho các dự án gió ngoài khơi. Điều này là quan điểm nhất quán của chúng tôi trên toàn cầu, vì chúng tôi tin rằng nó cung cấp sự cân bằng thích hợp giữa lợi ích của các nhà phát triển và Chính phủ.

Với tính độc quyền, các nhà phát triển sẵn sàng chi hàng chục triệu đô la cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của các dự án gió ngoài khơi, do đó giúp các chính phủ đạt được các mục tiêu về an ninh năng lượng, cam kết Net-Zero và đạt được khả năng dự đoán chi phí.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, một số công ty thành viên của chúng tôi đã có giấy phép khảo sát hoặc đã nộp hồ sơ đăng ký khảo sát các địa điểm theo cơ chế hiện có (Nghị định 11/2021/NĐ-CP và các quy định trước đây). Các doanh nghiệp này đã dành thời gian và chi phí đáng kể trong các năm qua để hoàn thiện hồ sơ xin khảo sát của họ và một số đã nhận được giấy phép khảo sát hoặc đã gần hoàn tất quá trình xin ý kiến và thẩm định hồ sơ. GWEC đề nghị trong khi chờ đợi một cơ chế mới từ việc sửa đổi Nghị định 11/2021/NĐ-CP, Chính phủ sẽ có một cơ chế chuyển tiếp trong đó có thể áp dụng cơ chế hiện có đối với một số hồ sơ xin giấy phép khảo sát đã gần hoàn tất quá trình xin ý kiến và thẩm định.

Để định nghĩa các hồ sơ “sẵn sàng để phê duyệt”, chúng tôi muốn nói đến các hồ sơ đã hoàn tất quá trình xin ý kiến với các cơ quan có liên quan mà không bị phản đối và chỉ chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt lần cuối để cấp giấy phép khảo sát.

Bên cạnh đó, để đảm bảo các dự án có thể được xây dựng đúng thời hạn, GWEC đặc biệt khuyến nghị các tiêu chí kỹ thuật, tài chính và mức độ cam kết, sẵn sàng của các nhà phát triển phải được coi là tiêu chí áp dụng khi chính phủ lựa chọn nhà đầu tư để cấp giấy phép khảo sát.

Chúng tôi hiểu rằng có nhiều vấn đề liên quan. Khung pháp lý và các quy định cho ngành điện gió cần được thảo luận chi tiết hơn. Với lịch trình xây dựng và phát triển trung bình là 6-8 năm cho các dự án khi tất cả các quy định đã rõ ràng, để xây dựng được các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên trước năm 2030 thì sẽ cần có sự tham vấn và xây dựng khuôn khổ chính sách và quy định bắt đầu ngay từ hôm nay.

Chúng tôi rất sẵn sàng được làm việc với các cơ quan chính phủ để cung cấp thêm thông tin và kinh nghiệm về vấn đề này.

Tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này bị cản trở bởi một số hạn chế. Ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm từ các nước khác không?

GWEC đã chứng kiến các quốc gia xây dựng các ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi theo những cách khác nhau. Điều kiện của mỗi quốc gia là khác nhau và mỗi quốc gia có các mô hình và chính sách riêng phù hợp với các điều kiện đó. Chúng tôi rất vui khi thấy Chính phủ Việt Nam nhìn thấy tiềm năng của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và có những cam kết mạnh mẽ cho điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến nghị Việt Nam áp dụng chính sách của bất kỳ quốc gia nào một cách rập khuôn. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng, nên học hỏi những kinh nghiệm của các nước khác, cả thành tích và sai lầm của họ, sau đó sử dụng những bài học đó, kết hợp với điều kiện nội tại để đưa ra chính sách phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Ví dụ, chiến lược của Đài Loan đối với điện gió ngoài khơi có rất nhiều yêu cầu đối với việc nội địa hóa. Chiến lược này giúp họ phát triển chuỗi cung ứng địa phương nhưng khiến họ khó có thể có điện gió ngoài khơi rẻ hơn trong ngắn hạn. Một ví dụ khác, Vương quốc Anh sử dụng hợp đồng chênh lệch (CFD). Nó mang lại sự minh bạch và cạnh tranh, giúp đẩy giá xuống, nhưng nó cần rất nhiều điều kiện và khuôn khổ pháp lý để sẵn sàng, bao gồm thị trường mua điện đã phát triển.

Thật may mắn là GWEC và các công ty thành viên đã hoạt động tích cực ở nhiều thị trường, nơi có một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển. Chúng tôi tự tin có nhiều kinh nghiệm hữu ích và thực tiễn tốt nhất, và rất vui được chia sẻ với Chính phủ Việt Nam.

Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đang diễn ra. Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để thực hiện việc này, trong đó chính sách là vô cùng quan trọng để đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó, chuyên môn thực tế quốc tế ở các cấp độ khác nhau của các dự án sẽ rất quan trọng để tận dụng tối đa các kỹ năng bản địa. Kinh nghiệm quốc tế cũng sẽ đưa ra các giải pháp cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi non trẻ của Việt Nam.