Co kéo phương án nâng đời sân bay Côn Đảo

Sân bay Côn Đảo hiện mới khai thác được các loại tàu bay nhỏ và công suất thiết kế chỉ 400.000 lượt khách/năm, nên không đáp ứng nhu cầu đang tăng cao hiện nay. Ảnh: A.M

Ẩn số ACV

Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã nhận được gần đủ ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến việc triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2022, trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ GTVT lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ quan liên quan về việc đánh giá kỹ lưỡng 2 phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong Công văn số 13623/BTC-ĐT, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, hạ tầng hàng không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Do đó, việc đầu tư theo phương thức PPP để nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo (phương án kêu gọi đầu tư toàn bộ các công trình thiết yếu tại cảng, trừ các công trình đảm bảo hoạt động bay) theo phương thức PPP là phương án có thể xem xét.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, phương án trên có nhược điểm là phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất quốc phòng (khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn), trong khi phương án Bộ GTVT đầu tư như hiện nay không cần thực hiện điều chỉnh; phải xử lý tài sản của ACV – doanh nghiệp nhà nước và cũng là đơn vị đang vận hành khai thác sân bay Côn Đảo; rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở thực hiện.

Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, tiến độ triển khai thực hiện dự kiến theo phương án PPP cần tối thiểu 48 tháng. Bên cạnh đó, trường hợp triển khai dự án theo phương thức PPP, Nhà nước cần tham gia góp vốn trong phương án tài chính với tỷ lệ lớn (thậm chí trên 50%).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, Bộ GTVT cần đánh giá, làm rõ việc xử lý các dự án đang triển khai.

Đối với, phương án đầu tư đang triển khai (Bộ GTVT đầu tư mở rộng khu bay, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM đầu tư công trình bảo đảm hoạt động bay), Bộ GTVT đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn so với phương án đầu tư theo phương thức PPP.

Cụ thể, chủ đầu tư các dự án thành phần đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không phải thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; về trình tự thủ tục không cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật; tiến độ tổng thể thực hiện đầu tư nhanh hơn so với phương án đầu tư theo phương thức PPP; tính khả thi cao hơn do đã xác định các chủ đầu tư dự án thành phần.

Dẫu vậy, theo Bộ Tài chính, phương án này chưa có ý kiến của ACV về khả năng cân đối vốn để đầu tư đồng bộ 2 giai đoạn, nhất là trong bối cảnh ACV đang thực hiện nhiều dự án đầu tư, trong đó có các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Do vậy, đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, ACV để làm rõ khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư của ACV theo phương án của Bộ GTVT, đảm bảo tính khả thi và an toàn tài chính của ACV”, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề xuất.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhận được 2 đề xuất tham gia đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo theo hình thức PPP. Trong số này, đáng chú ý nhất là đề xuất rất nặng ký của Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).

Chọn quy mô phù hợp

Cần phải nói thêm, vào cuối tháng 10/2022, tại Công văn số 11006/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo quy định hiện hành để bảo đảm tiến độ mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, sớm đưa vào khai thác, ổn định hoạt động vận tải của địa phương.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đây cũng là kết quả làm việc và thống nhất với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hiện tại, Bộ GTVT đang tập trung nâng đời Cảng hàng không Côn Đảo theo phương án đầu tư như quy hoạch được duyệt. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 dự kiến mở rộng và nâng cấp đường cất hạ cánh, đầu tư xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay (8 vị trí); xây dựng nhà ga hành khách với công suất khoảng 2 triệu lượt khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; các công trình quản lý, điều hành bay.

Cảng hàng không Côn Đảo hiện do ACV quản lý, khai thác, có 1 đường cất hạ cánh với kích thước 1.830 m x 30 m, kết cấu bê tông nhựa, khai thác các loại tàu bay ATR72 và tương đương; sân đỗ máy bay đáp ứng 4 vị trí đỗ; nhà ga hành khách công suất thiết kế khoảng 400.000 lượt khách/năm. Toàn bộ hạng mục nói trên được xây dựng trên diện tích khoảng 104 ha.

Việc nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo sẽ bao gồm Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn trị giá 1.680 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách do Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng các công trình bảo đảm hoạt động bay trị giá 170 tỷ đồng do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bỏ vốn đầu tư; Dự án Xây dựng sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khu hàng không dân dụng trị giá 2.400 tỷ đồng do ACV đầu tư bằng nguồn vốn tự có và vay thương mại.

Các dự án trên đang được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành vào tháng 12/2024 để đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch tại huyện đảo Côn Đảo.

Để bảo đảm đầu tư các hạng mục công trình thiết yếu tại Cảng hàng không Côn Đảo đồng bộ theo quy hoạch, Bộ GTVT kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV cân đối nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư mở rộng các công trình khu hàng không dân dụng của sân bay Côn Đảo theo quy hoạch được phê duyệt giai đoạn đến năm 2030 (xây dựng nhà ga hành khách mới, thay vì mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu), bảo đảm tiến độ hoàn thành đồng bộ và khai thác các công trình.

Đây cũng là điểm còn tồn tại sự khác biệt giữa một bên là Bộ GTVT, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với một bên khác là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 12/2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, vào đầu tháng 8/2022, người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV đã đề xuất đầu tư Dự án Cảng hàng không Côn Đảo theo hình thức nâng cấp, mở rộng nhà ga hiện hữu, xây dựng mới 5 vị trí sân đỗ…, đáp ứng công suất khai thác 1 triệu lượt khách/năm, có khả năng khai thác lên 2 triệu lượt khách/năm.

Tổng mức đầu tư của phương án này là khoảng 560 tỷ đồng, bao gồm cải tạo nhà ga và sân đỗ. Riêng hạng mục sân đỗ, ACV dự kiến phân kỳ theo 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn I xây dựng 5 vị trí đỗ cho máy bay Code C tại khu vực số 2 (khu vực giữa).

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, phương án phân kỳ này của ACV cũng từng được Bộ GTVT sơ bộ thống nhất hồi tháng 6/2022.

Phương án này, theo ACV, vừa đảm bảo nhu cầu khai thác, hiệu quả đầu tư, vừa không gây căng thẳng tài chính cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đơn vị đang khai thác, vận hành 22 sân bay trên cả nước đang gồng gánh nhiệm vụ đầu tư nhiều dự án hạ tầng trọng điểm hàng không, trong đó có sân bay Long Thành.

“Hiện nay, ACV đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, báo cáo các nội dung theo chỉ đạo của Ủy ban đối với phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin.

Hiện sức ép đối với việc nâng đời sớm sân bay Côn Đảo theo quy hoạch đối với Bộ GTVT được phê duyệt là rất lớn. Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cảng hàng không Côn Đảo có vị trí kinh tế, chính trị, địa lý đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giao thương của Côn Đảo với đất liền, được sử dụng chung cho hoạt động bay của các tàu bay dân dụng và tàu bay quân sự.

Theo dự báo, từ đầu năm 2025 đến năm 2030, số lượng khách du lịch đến đảo sẽ tăng đột biến, có thể đạt trên 3 triệu lượt khách/năm và dự kiến giai đoạn từ sau năm 2030 đến năm 2050 có thể đạt khoảng 5 triệu lượt khách/năm.

Trong khi đó, hạ tầng Cảng hàng không Côn Đảo còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay. Nguyên nhân là đường băng cất/hạ cánh không đủ chiều dài theo yêu cầu của các loại máy bay lớn; chưa có hệ thống đèn bay đêm và trong thời tiết sương mù; sân đỗ máy bay còn hạn chế (4 sân đỗ), chưa đáp ứng được nhu cầu của các tàu bay đến trong cùng một thời điểm, dẫn đến Cảng hàng không Côn Đảo chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả khai thác và sử dụng.

“Việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo với quy mô đường băng bảo đảm cho các loại máy bay thông dụng hiện nay hoạt động cất hạ cánh, vận chuyển hành khách tại Cảng hàng không Côn Đảo mà không bị hạn chế, đồng thời triển khai đầu tư đồng bộ các hạng mục khác nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác đến năm 2025 – 2030 là 3 triệu lượt khách/năm và đến năm 2050 đạt 4 – 5 triệu lượt khách/năm là rất cấp thiết”, ông Khánh nhấn mạnh.