Cộng hưởng sức mạnh từ hợp tác đầu tư nước ngoài

Thực tế, kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài – được đánh dấu bằng việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 – đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài luôn được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Sau 35 năm, với gần 446 tỷ USD vốn đăng ký, gần 280 tỷ USD vốn giải ngân, các nhà đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Khu vực này hiện đóng góp 20% GDP, hơn 70% giá trị xuất khẩu, 50% sản lượng công nghiệp, tạo ra hơn 5 triệu việc làm…

Không những thế, kể từ khi khu vực đầu tư nước ngoài trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam đã được hình thành và phát triển; quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam cũng đã được thúc đẩy; thể chế, chính sách không ngừng được cải thiện; khu vực kinh tế trong nước cũng dần được lôi kéo vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Đó là những đóng góp không thể phủ nhận của khu vực đầu tư nước ngoài và điều này chứng tỏ chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cùng với thành tựu, là những tồn tại, hạn chế, như chuyển giao công nghệ chưa đạt kỳ vọng, như sức lan tỏa tới khu vực trong nước chưa cao… Đó cũng chính là lý do khiến đây đó vẫn có ý kiến rằng, khu vực đầu tư nước ngoài được ưu ái nhiều hơn, rồi khu vực trong nước bị chèn ép…

Nhưng giờ có lẽ không phải là thời điểm để tiếp tục đưa ra những cách nhìn phiến diện như vậy, bởi một cách rất rõ ràng, dù không thể phủ nhận những tồn tại, hạn chế, song khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Càng trong khó khăn, ví như trong những năm Covid-19 vừa qua, khu vực kinh tế này càng trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng và hiệu quả. Chính khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp lớn vào thúc đẩy xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp…, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 8,02% trong năm ngoái, thương mại hàng hóa đạt trên 732 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Thu hút đầu tư nước ngoài đang trong xu hướng giảm. Các doanh nghiệp trong nước kiệt quệ, khó khăn bủa vây. Thiếu đơn hàng, thanh khoản kém, động lực sản xuất yếu… Sản xuất và xuất khẩu đã sụt giảm, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng đã hiện hữu.

Bởi thế, bài toán trong lúc này là làm sao tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư, như công nghệ cao, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo… Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư và sản xuất – kinh doanh, làm sao để khu vực trong nước không chỉ từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mà còn phát triển lớn mạnh hơn, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài.

Hơn ba năm trước đây, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết riêng về đầu tư nước ngoài, với một nội hàm mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, chứ không phải chỉ đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây. Đó là Nghị quyết 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Chính phủ Việt Nam sau đó cũng đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược.

“Hợp tác đầu tư” chính là câu trả lời đúng nhất trong lúc này. Hợp tác là trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Chỉ có hợp tác trên tinh thần “cả hai bên cùng thắng” mới cộng hưởng được sức mạnh nội – ngoại để tất cả cùng nhau vượt qua thách thức, cùng phát triển và hướng đến sự thịnh vượng chung.