Đã giao gần 48.356 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023

Báo cáo về tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về xây dựng cơ chế, chính sách, đến nay đã ban hành 71 văn bản nhưng vẫn còn 2 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  chưa hoàn thành.

Cụ thể là (i) Văn bản quy định/ hướng dẫn xác định danh sách các thôn có dân tộc khó khăn đặc thù thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình (thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc); (ii) Văn bản hướng dẫn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10 của Chương trình (thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/3. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó, mặc dù các bộ, cơ quan trung ương đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn nhưng vẫn còn thiếu một số quy định, hướng dẫn chi tiết đảm bảo cơ sở pháp lý cho công tác triển khai thực hiện từng chương trình tại địa phương.

Một số văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa phù hợp với một số quy định theo pháp luật chuyên ngành, hoặc còn có sự chưa thống nhất trong hướng dẫn thực hiện một số dự án, nội dung, hoạt động, hoặc không phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Bên cạnh những địa phương đã hoàn thành việc ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình theo phân cấp, vẫn còn một số địa phương còn chậm trễ trong việc nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các chương trình theo thẩm quyền, trong đó còn 18/52 địa phương chưa hoàn thành việc ban hành cơ chế lồng ghép theo quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội. 

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung 9.547,732 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, địa phương. Đối với 444,407 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Tờ trình số 1267/TTr-BKHĐT ngày 27/02/2023.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn NSTW năm 2023 (bao gồm: 24.216,812 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 24.119 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) cho các bộ, địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn. Đối với 1.208,188 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Tờ trình số 1267/TTr-BKHĐT ngày 27/02/2023. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2022 của các chương trình mục tiêu quốc gia đến hết năm 2022 mới cơ bản hoàn thành, không đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc thực hiện các thủ tục chuyển nguồn tại các cơ quan, đơn vị ở các địa phương còn chậm, đến 25/02/2023, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo kết quả chuyển nguồn kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội.

Đến hết tháng 2/2023, vẫn còn 6 địa phương (Tuyên Quang, Bình Thuận, Bình Định, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu) chưa hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán, kế hoạch năm 2023 của 03 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc triển khai thực hiện.

Đề xuất một số giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, các cơ quan chủ chương trình, chủ dự án thành phần và các cơ quan có liên quan cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng văn bản hướng dẫn còn thiếu ngay trong quý I/2023. Đồng thời, rà soát các kiến nghị, khẩn trương phối hợp chặt chẽ trong xử lý tháo gỡ vướng mắc của địa phương đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nghiên cứu các quy định, trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác, khẩn trương hoàn thành việc cụ thể hóa các quy định, cơ chế chính sách thực hiện tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp, khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023, phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện…