Đánh thức vùng đất “chín rồng” – Bài 2: Liên kết vùng vẫn “nghẽn mạch”

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư.

Dù được xác định có nhiều tiềm năng phát triển, song đến nay, vùng đất “chín rồng” vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng, đời sống của người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông liên kết vùng vẫn còn thiếu và yếu… là những yếu tố cần sớm được giải quyết.

a
Các tỉnh miền Tây Nam bộ đang là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Toàn

Bài 2: Liên kết vùng vẫn “nghẽn mạch” 

Hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm, vướng mắc cơ chế liên kết vùng chính là “điểm nghẽn” khiến Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương lân cận như TP.HCM khơi thông nguồn lực. 

Dù có những khả quan

Báo cáo mới đây của UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã cho thấy những kết quả bước đầu rất khả quan trong việc phát triển hạ tầng giao thông, liên kết vùng; các địa phương cũng đã cải thiện được môi trường đầu tư, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm và hình thành chuỗi giá trị khép kín.

Một số công trình giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giao thương của miền Tây nói chung và của TP.HCM nói riêng.

Trong đó, ngoài đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã chính thức được thông xe, TP.HCM đang tiếp tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến Vành đai 3, Vành đai 4. TP.HCM còn phối hợp các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Chưa hết, hiện Bộ Giao thông – Vận tải đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ nhằm nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TP.HCM với các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long.

TP.HCM còn ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với các tỉnh thành như Tiền Giang, tỉnh Bến Tre nhằm hỗ trợ cho các tỉnh khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế của mình, tạo thêm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường và nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

a
Các doanh nghiệp của TP.HCM đã ký kết hợp tác tại 13 địa phương để hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất tiêu thụ hàng hóa nội địa. Ảnh: Lê Toàn

“Các doanh nghiệp của TP.HCM đã ký kết hợp tác tại 13 địa phương với 1.165 dự án, tổng giá trị ước khoảng 279.503 tỷ đồng, tạo điều kiện để hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất tiêu thụ hàng hóa nội địa giữa các doanh nghiệp Thành phố với các địa phương và tạo nguồn xuất khẩu nông lâm thủy sản cho Thành phố”, báo cáo của UBND TP.HCM nêu rõ.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, TP.HCM đã tổ chức các chợ phiên nông sản an toàn với sự tham gia của các tỉnh, thành trong đó có các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như tinh Long An, Tiền Giang, Cà Mau. Ngoài cung cấp hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc sản phẩm tham gia chuỗi tại chợ phiên, các đơn vị còn tiến hành ký kết các đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm.

Chưa có cơ chế phối hợp

Có thể thấy, Nghị quyết 120 tạo tiền đề cho liên kết vùng và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm liên vùng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của các tỉnh miền tây và Thành phố.

Nguyên nhân, theo UBND TP.HCM, cơ sở hạ tầng hiện nay mặc dù được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được hết yêu cầu phát triển của vùng. Việc kết nối giao thông giữa TP.HCM và các địa phương trong vùng vẫn chưa được hỗ trợ và quan tâm đúng mức. Vận tải đường sắt, đường thủy hầu như chưa được quan tâm.

Ngoài ra, vai trò của TP.HCM trong việc chủ động xây dựng chương trình phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp nhiều khó khăn do Thành phố và các tỉnh miền Tây chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung.

Trong đó, nhiều vướng mắc của vùng như cơ chế vốn đầu tư, mối quan hệ phối hợp của giữa các địa phương trong vùng để triển khai quy hoạch chưa được giải quyết . Do vậy, hầu như các địa phương dù liên kết nhưng thực chất vẫn mạnh ai nấy theo con đường  của mình. 

a
Hạ tầng giao thông chưa tương xứng là hạn chế lớn nhất, khiến Đồng bằng sông Cửu Long chưa sánh kịp các vùng, miền khác. Ảnh: Lê Toàn

Các chương trình liên kết, hợp tác chưa rõ phương thức, giải pháp tổ chức, thời gian thực hiện cụ thể đối với từng lĩnh vực, không thường xuyên liên tục.

Đối với liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, nội dung lập Hội đồng liên kết vùng là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, nên việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng liên kết vùng chưa hoàn thiện theo tiến độ .

“Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu các quy định hiện hữu trong việc đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu chung của vùng, chờ dự án về cơ sở dữ liệu liên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên đã ảnh hưởng đến các địa phương trong việc triển khai thu hút đầu tư theo quy hoạch hoặc giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện quy hoạch vùng”, báo cáo của UBND TP.HCM nêu rõ.