Đề xuất lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án PPP vành đai 4 vùng Thủ đô

Phối cảnh Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Phối cảnh Dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa ký công văn số 661/BKHDDT – GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đề xuất, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư là Chủ tịch; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: GTVT, Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an; Xây dựng; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.

Do Dự án có tổng mức đầu tư lớn (56.520 tỷ đồng); phạm vi rộng (gồm 3 tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh); được đầu tư theo phương thức PPP và sử dụng vốn nhà nước chiếm 47,3% tổng mức đầu tư Dự án nên cần phải đánh giá kỹ lưỡng về quy mô, hướng tuyến, phương án thiết kế, sơ bộ tổng mức đầu tư… trên cơ sở đó đánh giá về phương án tài chính, hiệu quả đầu tư và các nội dung khác của Dự án.

Trong khi đó, các thành viên của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thẩm định theo hình thức kiêm nhiệm, không có đủ thời gian và điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ của Dự án phục vụ cho công tác thẩm định.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả đầu tư.

Được biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời gian 90 ngày. Nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy định đấu thầu thông thường sẽ mất khá nhiều thời gian mới lựa chọn được tư vấn thẩm tra.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra trong nước theo quy trình, thủ tục quy định tại 3 khoản 1 Điều 11 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP (lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra trong trường hợp đặc biệt) và giao UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Dự án, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc thẩm định, thuê tư vấn thẩm tra bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Trước đó, vào giữa tháng 1/2023, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nhận được Tờ trình số 05/TTr – UBND của UBND TP. Hà Nội đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại Tờ trình số 05, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án PPP thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc vành đai 4 để làm cơ sở triển khai tiếp theo.

Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc vành đai 4 chính là “ngôi sao” trong số 7 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Công trình do UBND TP. Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được triển khai theo hình thức PPP, trong đó những tham số tài chính được cụ thể hóa chính xác trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc vành đai 4 sau khi được phê duyệt là cơ sở để UBND TP. Hà Nội tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Cụ thể, tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc vành đai 4 được đề cập tại Tờ trình số 05 là 56.520 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết số 56/2022/NQ – QH ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 26.730 tỷ đồng (vốn Ngân sách Trung ương 18.313 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương là 8.417 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư thu xếp là 29.790 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc vành đai 4.

Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đã thể hiện sơ bộ phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Dự án thành phần 3 cho việc đầu tư các công trình trọng yếu trên địa bàn cả 3 địa phương gồm: cầu Hồng Hà, đoạn tuyến Quốc lộ 6 đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (gồm cầu Mễ Sở), cầu Hoài Thượng, tuyến nối trên địa phận Bắc Ninh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết đây là chi phí dự kiến để xây dựng Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc vành đai 4 giai đoạn 1 với tổng chiều dài 113,52 km (Hà Nội – 57,95 km, Hưng Yên – 19,31 km, Bắc Ninh – 26,56 km và tuyến nối 9,7 km). Trong giai đoạn 1, mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo quy mô 4 làn xe (mặt cắt ngang đường rộng 17 m, bề rộng cầu 17,5 m; các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống bề rộng mặt cầu 24,5 m) và 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.

Để đảm bảo phát triển đồng bộ, lâu dài giữa hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị cũng như giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, tạo không gian phát triển mới, phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị các địa phương, UBND TP. Hà Nội kiến nghị lựa chọn phương án trắc dọc đi cao khoảng 62% chiều dài Dự án. Một số đoạn tuyến với chiều dài khoảng 42,64 km, trong đó Hà Nội là 14,78 km, Hưng Yên là 8,85 km, Bắc Ninh 19,01 km là có nhu cầu liên kết ngang thấp, không quy hoạch tập trung đô thị, công nghiệp, UBND TP.Hà Nội chọn giải pháp thiết kế thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

“Đối với các đoạn tuyến đi trên cao, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự kiến chiều cao cầu cạn là 7,5 m để đảm bảo kiến trúc, mỹ quan công trình và đủ điều kiện để có thể khai thác sử dụng phần gầm cầu phục vụ giao thông đô thị”, Tờ trình số 05 nêu rõ.