Doanh nghiệp đề nghị bỏ một số quy định chỉ định thầu để tránh tiêu cực

Ý kiến này được các doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 14/4.

Hội thảo

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với dự thảo khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Dự thảo Luật lần này bao gồm 10 Chương, 99 Điều; trong đó bỏ 5 Điều, thêm 6 Điều, sửa đổi nội dung 55 Điều, giữ nguyên 14 Điều.

Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng như: chống hành vi thông thầu, chống hành vi gian lận, giá rẻ trúng thầu, hành vi bị cấm trong đấu thầu và xử lý vi phạm…

Góp ý về chỉ định thầu được nêu trong dự thảo, ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TP.HCM đề nghị nên bỏ quy định, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thuộc dự án đầu tư có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, để tránh tiêu cực vì không mang lại lợi ích khi đấu thầu.

Cùng góp ý về vấn đề chỉ định thầu, bà Trần Thị Thanh Ngọc, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đề xuất vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bỏ trường hợp chỉ định thầu cấp cứu người bệnh để phòng tránh việc lạm dụng chỉ định thầu.

Lý giải cho đề xuất này bà Ngọc cho biết,hoạt động cấp cứu là hoạt động thường xuyên của cơ sở khám chữa bệnh. Để được cấp phép hoạt động, cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thuốc, nhân lực tối thiểu để có thể cấp cứu hoặc sơ cứu người bệnh thì mới được phép hoạt động.

Bà Ngọc đề nghị bổ sung trường hợp chỉ khi có thiên tai, chiến tranh… thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép chỉ định thầu do tính chất cấp bách, không thể lường trước được.

Để tạo “sân chơi” bình đẳng trong đấu thầu, ông Hứa Phú Doãn còn đề xuất cần có quy định riêng về đấu thầu dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham dự thầu một số gói thầu mua sắm dưới 10 tỷ đồng.

“Thực tế cho thấy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có kỹ thuật có phương án tổ chức thực hiện nhưng khi ra dự thầu thì không  đạt vì Luật Đấu thầu hiện tại yêu cầu số năm kinh nghiệm mà doanh nghiệp khởi nghiệp làm gì có kinh nghiệm. Vì vậy, cần có “sân chơi” hay nói đúng là quy riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mới có cơ hội được  tham gia” ông Doãn góp ý bổ sung.

Đại diện
Ông Trần Đại Nghĩa, Ủy viên Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam góp ý Luật Đấu thầu (sửa đổi) -Ảnh: Anh Quân

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Bà Hằng cho biết, trong dự thảo Luật Đấu thẩu (sửa đổi) lần này đã nới rộng hơn so với luật cũ, các quy định đưa vào dự thảo được cân nhắc kỹ càng để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.