Đồng Tháp hướng tới phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững

Sẵn sàng đón cơ hội mới

Đồng Tháp là một trong 3 tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực – thực phẩm của cả nước. Đây cũng là địa phương có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện để kết nối chặt chẽ với TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận; giao thương với Campuchia, hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa được tạo bởi sông Tiền, sông Hậu.

Thời gian qua, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư hạ tầng, khai thác tiềm năng lợi thế và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội. Quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng, năm 2022 đạt gần 100.000 tỷ đồng, xếp hàng khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đồng Tháp vẫn còn một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh. Cụ thể, tư duy kinh tế của đại bộ phận dân cư vẫn lấy tăng trưởng theo chiều rộng là nền tảng, sức lao động là chủ yếu, dẫn đến hiệu quả thấp, chưa chuyển đổi được tư duy kinh tế thị trường, phát huy được giá trị gia tăng theo chiều sâu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô; hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển…

Đồng Tháp xem công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá.

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập quy hoạch. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa sơ khai và ô nhiễm ở giai đoạn trước, cũng ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và các rủi ro của biến đổi khí hậu. “Chúng tôi không xem tài nguyên là vấn đề cốt lõi trong phát triển, mà coi yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất. Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển”, ông Nghĩa cho hay.

Trở thành điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững

Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển của tỉnh dựa trên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Đồng thời, Đồng Tháp xem công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân…), giúp địa phương chuyển mình từ một tỉnh di cư sang một tỉnh định cư, trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu.

Đồng Tháp cũng đề ra mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống được nâng cao; mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa Đồng bằng sông Cửu Long với các nước tiểu vùng sông Mekong, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thủy sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế.