Dòng vốn FDI khu vực Bắc Trung bộ: Chỗ bứt tốc, nơi hụt hơi…

Thanh Hoá chững lại, Nghệ An lại vọt lên

Năm 2022 là thời điểm cả nước cùng bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch. Công du ra nước ngoài để tiếp cận với nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài là cách lãnh đạo nhiều địa phương đã chọn để thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… cũng đã có các chuyến làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), của Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan),… 

Nhưng kết quả thu hút đầu tư của các địa phương rất khác nhau.

Một góc Khu kinh tế Vũng Áng phía cảng nước sâu. Ảnh báo Hà Tĩnh
Một góc Khu kinh tế Vũng Áng phía cảng nước sâu. Ảnh báo Hà Tĩnh

Kết quả hoạt động thu hút vốn ngoại của Thanh Hóa không đạt được kỳ vọng. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 7 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD – thuộc diện thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Mặc dù đang dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI, nhưng tổng vốn đầu tư FDI của Thanh Hóa nhiều năm liền “dậm chân” ở mức hơn 14 tỷ USD…

Trong khi Thanh Hoá chững lại, thì Nghệ An lại vọt lên. Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh trên 1,5 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí “quán quân” trong thu hút FDI.

Nổi bật bởi có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD…

Để đạt được kết quả đáng ghi nhận nêu trên, trong 3 năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, với phương châm “5 sẵn sàng” – sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; và sẵn sàng hỗ trợ…

Thực hiện phương châm này, Nghệ An xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Nguyễn Xuân Đức cho hay.

Với Hà Tĩnh, năm nay cũng được xem là đang ở giai đoạn “bứt tốc” trong việc thu hút FDI.

Ví dụ, con số từ năm 2010 đến nay, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI chảy vào Hà Tĩnh cũng nằm trong top 10 cả nước. Cụ thể, năm 2022, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Hà Tĩnh đạt hơn 11,7 tỷ USD, gần bằng Thanh Hóa (14,6 tỷ USD).

Sự “đổ bộ” một lượng vốn lớn từ doanh nghiệp FDI vào Hà Tĩnh thời gian qua, nhất là Formosa đã làm đầu kéo vận hành tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương này lên tầm cao mới.

Theo các chuyên gia, trong “cuộc đua” thu hút vốn FDI khu vực Bắc Trung Bộ thì Thanh Hoá đang phải đối mặt với việc đang đi chậm lại hơn so với các tỉnh, thành phố lân cận điển hình như Hà Tĩnh, Nghệ An. Trong khi đó, nhiều năm trước đây, Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển chậm hơn rất nhiều so với Thanh Hoá.

Tuy nhiên, hai địa phương này đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp rất nhanh trong một vài năm trở lại đây. Nếu không thay đổi, phát triển công nghiệp của Thanh Hóa sẽ sớm bị Hà Tĩnh, Nghệ An vượt mặt, chuyên gia chỉ ra.

Vì sao Hà Tĩnh bứt tốc?

Có thể thấy, hiện Hà Tĩnh đã có Khu kinh tế Vũng Áng làm động lực phát triển kinh tế. Cùng với đó, Nghệ An cũng đã có 2-3 khu công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển. Theo đó, tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước của hai địa phương này đang rất tiềm năng và có thể đột phá mạnh trong tương lai.

Với vị trí địa lý và hệ thống hạ  tầng giao thông thuận lợi, kinh tế xã hội phát triển, tỉnh Hà Tĩnh đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Cũng nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh “sở hữu” các trục giao thông quan trọng, trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung Bộ với Lào và Đông Bắc Thái Lan trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây.

Để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải: “Chúng tôi luôn xác định rõ tầm quan trọng của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông”.

Formosa đã làm đầu kéo vận hành tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh lên tầm cao mới.
Formosa đã làm đầu kéo vận hành tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh lên tầm cao mới. Ảnh Formosa Hà Tĩnh

Cụ thể, kết nối 2 miền Bắc – Nam, Hà Tĩnh có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, kết nối với Lào và Thái Lan có Quốc lộ 8, Quốc lộ 12. Đây cũng là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Hà Tĩnh chưa có sân bay nhưng ở hai đầu tỉnh có 2 cảng sân bay quốc gia là sân bay Vinh và sân bay Đồng Hới, cách tỉnh từ 45 – 55 phút đi ô tô.

Đặc biệt, tại Khu kinh tế Vũng Áng có cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ra biển của các nước Lào và Thái Lan thông qua Quốc lộ 12A. Cảng được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Đặc biệt, Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 5 khu kinh tế ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư.

Theo đó, đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vũng Áng trở thành nguồn đóng góp chủ đạo vào ngân sách. Cụ thể, trung bình mỗi năm, Khu kinh tế Vũng Áng đóng góp xấp xỉ 60% tổng thu toàn tỉnh Hà Tĩnh.

Luỹ kế của Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Trong đó, dự án Khu liên hiệp Gang thép và Cảng biển nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là dự án lớn nhất với tổng mức đầu tư 12,8 tỷ USD và đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 68 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 16 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… với đa dạng các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, thương mại dịch vụ…

Thế nhưng phải khẳng định một điều rằng, sự “đổ bộ” một lượng vốn lớn từ doanh nghiệp FDI thời gian qua, nhất là Formosa đã làm đầu kéo vận hành tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh lên tầm cao mới.

Hiện nay, Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện điều chỉnh lập Quy hoạch tổng thể tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những định hướng điều chỉnh lớn là tăng cường thu hút đầu nguồn vốn từ doanh nghiệp FDI, nhằm phát huy tối đa hiệu quả và khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

Để tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh Hà Tĩnh đang áp dụng chính sách ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các vấn đề quan trọng nhất là thuế và đất cho thuê trong một số lĩnh vực đặc biệt như ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao…