Dự án cao tốc Bắc – Nam duy nhất xin thêm vốn đầu tư công để giải ngân

Thi công hạng mục hầm Núi Vung thuộc Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Thi công hạng mục hầm Núi Vung thuộc Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Theo thông tin của baodautu.vn, Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, doanh nghiệp dự án Dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo vừa có văn bản gửi đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký bổ sung vốn ngân sách Nhà nước năm 2022.

Cụ thể, Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đề nghị Bộ GTVT, Ban quản lý dự án 85 xem xét bổ sung 200 tỷ đồng vào kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 thuộc phần vốn Nhà nước (VGF) đối với Dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết, năm 2022, nguồn vốn ngân sách Nhà nước (vốn VGF) bố trí cho Dự án là 1.066,7 tỷ đồng, trong đó chi phí hỗ trợ xây dựng là 1.036,2 tỷ đồng, chi phí khác là 30,495 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 10/2022, Dự án đã giải ngân, thanh toán được 965,9/1.036,2 tỷ đồng, đạt 93,21% kế hoạch.

Như vậy, trong trường hợp được Bộ GTVT điều chuyển vốn từ các công trình khác, Dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ có thêm khoảng 270 tỷ đồng giải ngân trong khoảng 2 tháng cuối năm 2022.

Với năng lực thi công hiện tại, điều kiện thời tiết khu vực dự án đã bước dần vào mùa khô, mục tiêu giải ngân toàn bộ phần vốn VGF, bao gồm cả 200 tỷ đồng bố trí thêm là hoàn toàn khả thi.

Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Đây cũng là dự án cao tốc duy nhất có khả năng giải ngân vượt kế hoạch vốn ngân sách năm 2022.

Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5km, tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia là 5.139,28 tỷ đồng. Công trình do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty 194 làm nhà đầu tư. Đây là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam triển khai theo phương thức PPP nhưng là công trình đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công.

Trong điều kiện các dự án xây dựng giao thông triển khai đồng loạt, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, khan hiếm nguồn cung máy móc thiết bị đã xảy ra tại nhiều dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhân sự, đặc biệt là lao động kỹ thuật có tay nghề cao với số lương khoảng 2.000 cán bộ, công nhân và 750 máy móc thiết bị vào dự án phục vụ thi công.

Tại phân đoạn km92+260-km134+000, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 1.500 cán bộ, công nhân và hơn 500 máy móc, thiết bị vào dự án phục vụ thi công. Trong đó, có rất nhiều thiết bị hiện đại được đầu tư mới nhằm phù hợp với các điều kiện địa chất thực tế tại dự án (thiết bị khoan hầm, giàn khoan xoay phá đá cứng thi công cọc nhồi, trạm nghiền, trạm trộn…) cũng như là cơ sở để rút ngắn tiến độ hoàn thành 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đặng Tiến Thắng cho biết, tính đến ngày 20/10/2022, khối lượng thi công tại Dự án đã đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tương ứng 30% khối lượng xây lắp, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu, trong đó phân đoạn do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận đạt sản lượng là 1.418 tỷ đồng, đạt 31,19% tổng giá trị các gói thầu (vượt 5% kế hoạch); phân đoạn do Công ty 194 sản lượng là 789,55 tỷ đồng, đạt 26% tổng giá trị các gói thầu