Đưa Cà Mau trở thành trung tâm logistics của Tiểu vùng Mekong mở rộng

Đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của ĐBSCL

Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km. Với đặc điểm này, Cà Mau cũng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển Cà Mau có xu hướng mạnh hơn, làm mất đi hàng trăm héc-ta đất do sạt lở, gây nhiều thiệt hại đến đời sống và sản xuất của người dân. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 4,7%/năm, thấp hơn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và mức bình quân chung của cả nước.

Để mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh trong giai đoạn tới, với mục tiêu đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL vào năm 2025, thời gian qua, tỉnh này đã tập trung xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Muốn phát triển phải có quy hoạch tốt, phải xác định đúng định hướng, mục tiêu trọng tâm phù hợp với thực tiễn của tỉnh, đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mô hình sinh thái và xác định các cơ chế đặc thù, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo việc làm, phát triển kinh tế – xã hội”, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 5/8 vừa qua.

Theo đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Cà Mau có lợi thế nằm ở vị trí địa chiến lược trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nằm trên Hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong mở rộng. Trong đó, cụm đảo Hòn Khoai đang có đủ điều kiện để xây dựng trở thành cảng biển tổng hợp quy mô lớn, qua đó đưa Cà Mau trở thành trung tâm dịch vụ logistics, kết nối giao thương của vùng ĐBSCL trên Hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Lợi thế thứ hai của Cà Mau là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khi tiềm năng điện gió vùng ven biển của tỉnh đạt công suất trên 12.000 MW…

“Cà Mau có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng và dự án nhà máy sản xuất khí hydro xanh”, đơn vị tư vấn nhận định.

Một tiềm năng nữa cũng được phía tư vấn nêu ra là phát triển du lịch, với các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm đời sống sông nước…

Cần tích hợp các mô hình kinh tế mới

Góp ý vào Dự thảo quy hoạch, TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, cần phát triển tỉnh Cà Mau trở thành cực tăng trưởng – trung tâm kết nối trên Hành lang phát triển phía Nam (Bangkok – Phnom Penh – Hà Tiên – Cà Mau) của Tiểu vùng Mekong mở rộng.

“Phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cà Mau dựa vào khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh để Cà Mau phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện…”, ông Tuấn nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kế hoạch và Phát triển (Trường đại học Kinh tế quốc dân), cần đánh giá rõ hơn về tài nguyên du lịch với lợi thế, đặc điểm khác biệt của rừng ven biển và tài nguyên biển, kết hợp với những đặc trưng văn hoá riêng có… để tạo sức hút đầu tư phát triển du lịch của Cà Mau.

Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, du lịch của Cà Mau có tiềm năng lớn trong tương lai, căn cứ trên nhu cầu du lịch của người dân sau dịch Covid-19. “Tâm lý chung của người Việt Nam khi du lịch là chưa đến Mũi Cà Mau coi như chưa đến ĐBSCL”, Thứ trưởng nói. Do đó, việc quy hoạch vùng đất mũi cần hết sức lưu ý.

Cũng theo các chuyên gia, Cà Mau nên dựa vào Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL để đưa ra các định hướng về sinh kế, hoạt động kinh tế phù hợp, khác biệt cho mỗi tiểu vùng sinh thái – xã hội, cập nhật các quy hoạch đã được thông qua vào Dự thảo quy hoạch tỉnh, tích hợp mô hình kinh tế mới, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch.