Đưa Vinh trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đứng thứ ba từ phải sang) nghe giới thiệu về kết quả thu hút đầu tư vào VSIP Nghệ An
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đứng thứ ba từ phải sang) nghe giới thiệu về kết quả thu hút đầu tư vào VSIP Nghệ An

Vị trí chiến lược

Trong quá khứ cũng như hiện tại, TP. Vinh, thủ phủ của tỉnh Nghệ An có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ. Đây là vùng đất có núi bao bọc, lại nằm cạnh biển Đông, là vùng phên dậu của quốc gia thời phong kiến, nên các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đều cử tướng tài vào trấn giữ, cùng nhân dân địa phương khai khẩn, tạo lập nên một miền trù phú.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, TP. Vinh nói riêng, Nghệ An nói chung nổi tiếng bởi sự anh dũng, kiên cường. TP. Vinh (khi ấy còn là thị xã) cùng với khu vực Bến Thủy được mệnh danh là tọa độ lửa. Trong những năm tháng đánh Mỹ, Vinh đã hứng chịu 250.555 tấn bom đạn, trung bình mỗi đầu người phải hứng chịu 1.900 kg. Cả thành phố gần như không còn một ngôi nhà nguyên vẹn.

Hòa bình lập lại, TP. Vinh được xây dựng lại từ đống hoang tàn đổ nát. Phát huy truyền thống anh hùng, với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Vinh ngày nay đã có bước phát triển mạnh mẽ, vươn lên xứng đáng là thành phố quê hương Xô Viết, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dấu mốc là năm 2013, Nghệ An được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 827/2020/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TP. Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là yếu tố mở ra cơ hội thay đổi tầm nhìn, vai trò, vị thế của TP. Vinh và tỉnh Nghệ An, đồng thời tạo ra động lực phát triển mới cho TP. Vinh là đô thị trung tâm, thủ phủ vùng Bắc Trung bộ.

Phát huy nền tảng để đột phá và cất cánh

 Nghệ An cần có ý tưởng mới, sáng tạo hơn, nhằm khơi thông được các điểm nghẽn trong phát triển, để sớm trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ.

 Thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kỳ vọng, tin tưởng Nghệ An sẽ phát huy tình đoàn kết, bản lĩnh quê hương cách mạng, phát huy nền tảng để đột phá và cất cánh mạnh mẽ.

– Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

“Đây cũng là cơ hội để Đảng bộ, nhân dân TP. Vinh và tỉnh Nghệ An phát huy trí tuệ, bản lĩnh cách mạng, phấn đấu xây dựng TP. Vinh xứng tầm với các giá trị lịch sử và văn hóa, đồng thời là cơ hội để bứt phá vươn lên trở thành đô thị trung tâm vùng”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Thái Thanh Quý nói.

Mới đây, trong chuyến làm việc tại Nghệ An, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Phát triển TP. Vinh trong phát triển tổng thể của tỉnh Nghệ An và tổng thể của quy hoạch vùng, có tính đến mối quan hệ trực tiếp với các huyện phụ cận như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò và các huyện Bắc Hà Tĩnh như Nghi Xuân, Đức Thọ… Bên cạnh đó, Nghệ An cần quan tâm quy hoạch không gian, hạ tầng trong mối liên kết Vinh – Cửa Lò để TP. Vinh trở thành một thành phố biển”.

Chủ tịch nước cũng có những gợi mở với lãnh đạo tỉnh, thành phố; có ý kiến gửi gắm tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư: “Mong muốn các nhà đầu tư giữ cam kết đầu tư và triển khai dự án đúng tiến độ, nói là làm và phải làm thật, làm quyết liệt, phải thể hiện rõ quan điểm hai bên cùng thắng trong hoạt động kinh doanh. Đối với các dự án chậm triển khai so với tiến độ đã cam kết, đề nghị chính quyền tỉnh Nghệ An kiên quyết rà soát và có các biện pháp xử lý kịp thời, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai và tăng hiệu quả đóng góp ngân sách của dự án”.

Chủ tịch UBND TP. Vinh, ông Trần Ngọc Tú cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định 827/QĐ-TTg, các nhiệm vụ phát triển TP. Vinh trên mọi lĩnh vực được triển khai nghiêm túc và đạt được những kết quả nhất định. Một số ngành, lĩnh vực như quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, giáo dục – đào tạo, y tế đã hình thành yếu tố trung tâm vùng. Tuy nhiên, TP. Vinh còn thiếu một số yếu tố và điều kiện để xứng tầm với vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ.

“Thành phố đỏ Anh hùng, bằng cả quyết tâm và lý trí, cả tinh thần và nghị lực vươn lên, đã và đang từng bước vững chắc tiệm cận với mục tiêu trở thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ”, ông Trần Ngọc Tú bày tỏ.

TP. Vinh lúc lên đèn	    Ảnh: Sách Nguyễn
TP. Vinh lúc lên đèn Ảnh: Sách Nguyễn

Phấn đấu thành trung tâm kinh tế khu vực

Để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế khu vực, TP. Vinh đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai; tăng cường hỗ trợ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch; phát triển hạ tầng…

Ông Trần Ngọc Tú cho biết, TP. Vinh đã xây dựng và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm kịp thời. Từng bước tiến hành mở rộng địa giới hành chính theo Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố.

“Hiện nay, TP. Vinh đang nâng cấp, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng bằng cách tập trung ngân sách để đầu tư; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn, đồng thời triển khai kế hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội gắn với các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại”, ông Tú cho hay.

Góp ý về dự thảo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng, về tọa độ ưu tiên, cần phát triển TP. Vinh là kết nối vùng, phát triển vượt trước, là trung tâm công nghệ cao và đào tạo chất lượng cao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã giao UBND tỉnh soạn thảo Đề án xây dựng lộ trình quy hoạch TP. Vinh đến năm 2030. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng đưa TP. Vinh phát triển phù hợp trong giai đoạn sau này.

Tỉnh Nghệ An xác định, phát huy vai trò hạt nhân – trung tâm trong liên kết được bắt đầu từ đô thị lõi TP. Vinh để gắn kết du lịch vùng và quốc tế, đặc biệt là với nước bạn Lào, Thái Lan; tập trung xây dựng các tuyến du lịch kết nối Vinh – Cửa Lò với các vùng trọng điểm du lịch trong tỉnh: Nam Đàn, Con Cuông, cửa khẩu Thanh Thủy…; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hình thành thương hiệu du lịch TP. Vinh.

Nghệ An cũng chú trọng phát triển các cơ sở lưu trú tại khu vực trung tâm TP. Vinh và thị xã Cửa Lò, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng; thu hút các dự án khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực phía Nam, phía Tây Nam TP. Vinh; khu du lịch tâm linh kết hợp vui chơi giải trí tại khu Lâm viên Núi Quyết – Bến Thủy…

“Để làm được điều này, yêu cầu các ngành cần thay đổi tư duy, xác định phát triển TP. Vinh là nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng, xây dựng Vinh thành trung tâm kinh tế – văn hóa vùng Bắc Trung bộ”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, nhiều tiềm năng phát triển của Nghệ An chưa được phát huy, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có những dự án lớn mang tính đột phá, nhất là dự án có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Nghệ An cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; khởi nghiệp cần phải mạnh mẽ hơn, khai thác tốt nguồn chất xám, trí tuệ, tài chính của con em Nghệ An đang sống xa quê. Đẩy mạnh liên kết các vùng kinh tế để tạo cực tăng trưởng mới, chú ý tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm: TP. Vinh – thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An và miền Tây Nghệ An.