Fed tăng lãi suất không tác động nhiều đến giá vàng

Ngược lại, áp lực lạm phát, tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng sẽ đẩy vàng tăng giá – Đó là nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh – cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

Ông Huỳnh Trung Khánh – cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.


Liệu giá vàng thế giới có bị tác động mạnh khi Fed tái tăng lãi suất, thưa ông?

Lộ trình tăng lãi suất USD của Fed đã được vạch ra và cộng hưởng vào giá vàng trong thời gian qua, nên dù Fed có tăng thêm 0,5% lãi suất trong năm 2022 cũng không tác động nhiều đến giá vàng. Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng thời gian qua và cả thời gian tới là tình hình dịch bệnh. Cho dù thế giới đã có vắc-xin Covid-19, nhưng sự lây lan của biến chủng Omicron vẫn tác động đến kinh tế thế giới. Do đó, một khi kinh tế suy thoái, thì vàng vẫn được hưởng lợi.

Yếu tố thứ hai chính là tình hình lạm phát toàn cầu. Hiện lạm phát trên thế giới, nhất là ở Mỹ và châu Âu đang tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đang ở mức 7% dựa trên báo cáo tháng trước, mức cao kỷ lục trong 40 năm. Theo các nhà phân tích tài chính, CPI ​​của Mỹ dự kiến tăng lên mức 7,3% so với năm ngoái. Nếu các dự báo chính xác và áp lực lạm phát so với CPI ở mức 7,3%, thì sẽ củng cố quyết tâm của Fed về tăng lãi suất trong tháng 3/2022 và các lần tăng tiếp theo.

Chính điều này buộc Fed thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, song đây chỉ là một giải pháp, chứ chưa thể chặn đứng được lạm phát. Đó cũng là lý do để đánh giá triển vọng của vàng trong năm 2022.

Thêm vào đó, nếu tình hình địa chính trị thế giới ngày càng gia tăng, thì giá vàng còn tăng cao trong thời gian tới, thậm chí có thể tăng 50 USD/ounce trong một ngày. Vậy nên không loại trừ khả năng, giá vàng có thể tái lập ngưỡng 2.000 USD/ounce hoặc cao hơn.

Theo ông, cầu vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới có tiếp tục tăng?

Theo tôi, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục mua vàng do tình hình lạm phát đang tăng cao. Khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, thì muốn an toàn trong hệ thống và dự trữ của các ngân trung ương, việc mua vàng sẽ tiếp tục bên cạnh USD. Trong đó, một số quốc gia như Nga, Trung Quốc tiếp tục gia tăng lượng vàng mua vào để củng cố đồng tiền của các ngân hàng.

Giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước, nhất là khi sức mua vàng đang vào mùa cao điểm đầu năm. Tuy nhiên, giá vàng trong nước chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới?

Giá vàng trong nước khả năng sẽ chạm ngưỡng 65 triệu đồng/lượng nếu tình hình giữa Nga – Ukraine căng thẳng thêm. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng dịp Thần tài, lễ tình nhân (ngày 14/2) tăng cao. Nhu cầu về vàng, nữ trang vàng phục vụ cưới hỏi của nhiều người sau khi thị trường mở cửa… cũng tăng đáng kể.

DOJI và PNJ đã tăng sản lượng dịp Thần tài năm nay. Trong khi đó, vàng SJC không còn được sản xuất và đưa vào lưu thông trên thị trường, thậm chí còn hết hàng với vàng nhẫn 2-5 chỉ. Vì thế, giá vàng trong nước chênh lệch hơn giá thế giới cũng là dễ hiểu, khi cung – cầu không gặp được nhau và cung ngày càng hạn chế.

Với nhà đầu tư trong nước, liệu vàng còn nằm trong danh mục đầu tư đáng quan tâm khi giá vàng SJC cao hơn nhiều so với giá quốc tế?

Vàng vẫn còn trong danh mục đầu tư của giới đầu tư trong nước. Thậm chí, nhu cầu vàng còn gia tăng trong bối cảnh triển vọng giá vàng quốc tế được đánh giá cao khi áp lực lạm phát tăng, bởi vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn cho đồng vốn khi kinh tế toàn cầu còn suy thoái.