Gia Lai: “Bứng” dự án chậm tiến độ, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

a

Chú thích ảnh: Dự án Hoàng Nhi Plaza nằm ở TP.  Pleiku bị chấm dứt hoạt động. Ảnh: Hà Duy

Chấm dứt hàng loạt dự án

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã có quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án xây dựng nhà máy nước sạch công suất 5.000 m3/ngày đêm tại thị trấn Chư Prông do Công ty cổ phần cấp nước Chư Prông làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, Dự án xây dựng nhà máy nước sạch được khởi công vào quý II/2020 và đến quý IV/2020 thì đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không triển khai thực hiện dự án đúng theo quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời không ký quỹ, không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cũng đã có Quyết định số 151/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt hoạt động của Dự án Hoàng Nhi Plaza (số 25, đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) do Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai làm chủ đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, Dự án Hoàng Nhi Plaza gồm khu phức hợp 8 tầng và 1 tầng hầm dùng làm siêu thị, nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, các dịch vụ phụ trợ với tổng diện tích gần 3.250 m2; tổng mức đầu tư 178,4 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 40 năm.

Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý I/2018.Tuy nhiên, nhà đầu tư không triển khai đúng theo kế hoạch. Đến cuối năm 2020, với sự hỗ trợ vốn từ Sacombank, chủ đầu tư cam kết huy động tối đa nhân lực, vật lực, đẩy mạnh thi công, cam kết tốc độ hoàn thành trung bình 20 ngày/tầng và sẽ hoàn thành trong quý I/2021. Song, Dự án cũng chỉ mới dừng ở bước khoan và đổ bê tông nhồi cọc, chưa triển khai thi công công trình chính, cổng đóng tạm bợ, nhếch nhác.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án Nhà máy chế biến dược liệu, cây ăn trái tại Cụm Công nghiệp -Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh do Công ty cổ phần Điền An Gia Lai làm chủ đầu tư do không triển khai dự án theo đúng quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh những dự án trên, toàn tỉnh đã có hơn 20 dự án khác phải chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động do chậm tiến độ thực hiện so với quyết định chủ trương đầu tư; nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết trong việc triển khai dự án; không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.

Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương để thẩm định hồ sơ đề xuất dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư.

“Đặc biệt, Sở phối hợp cùng Sở Tài chính thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án; đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của các dự án. Do vậy, hầu hết các dự án sau khi được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đều triển khai thực hiện theo đúng nội dung đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nên có một số dự án không triển khai hoặc chưa triển khai đúng tiến độ, buộc phải xử lý chấm dứt hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư”, ông Quế thông tin.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho hay, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và sớm đưa dự án vào hoạt động.

“Trong quá trình triển khai dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn đồng hành để theo dõi, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không triển khai thực hiện đúng tiến độ mà không có lý do chính đáng, hợp lệ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án theo quy định để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác triển khai thực hiện”, ông Quế nhấn mạnh.

Cùng với đó, thời gian đến, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư; trong đó, đặc biệt ưu tiên, ưu đãi đối với đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; các dự án nông nghiệp trọng điểm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch – sinh thái gắn với nền văn hóa nguyên sơ, mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số Tây Nguyên…

Mặt khác, để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI và các dự án đầu tư quy mô lớn, bên cạnh việc chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh Gia Lai tới cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, tỉnh Gia Lai còn chú trọng nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư một số sản phẩm đã được quy hoạch cho cả vùng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về số lượng và yêu cầu trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

“Tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tích hợp đầy đủ các quy hoạch liên quan để làm cơ sở thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đẩy nhanh công tác lập quy hoạch chung, phân khu, chi tiết để đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ngoài ra, tỉnh cần phải đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, định hình các phân vùng trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để thu hút đầu tư”, ông Tiến nói.