Giải ngân vốn đầu tư công: Không có lý do gì để bao biện

.
.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, thì việc thúc đẩy đầu tư công được đánh giá là yếu tố tiên phong để thúc đẩy tổng cầu xã hội, góp phần vực dậy thật nhanh nền kinh tế khi Covid -19 qua đi. Về dài hạn, do nguồn vốn đầu tư công chủ yếu dồn vào các dự án hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm nên còn tạo động lực phát triển, đẩy nhanh việc thu hút đầu tư xã hội, giúp nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ở chiều ngược lại, dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, nhưng việc tiêu tiền từ vốn ngân sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản chưa bao giờ là dễ, nhất là trong bối cảnh khối lượng vốn trong 8 tháng cuối năm được đưa ra công trường tăng đột biến. Đó là chưa kể việc trong những năm qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm, ứ đọng, trong khi các công trình hạ tầng lại rất cần vốn.

Trong lĩnh vực giao thông, trong năm nay, bên cạnh khoản vốn đầu tư công trị giá 40.000 tỷ đồng được giao từ đầu năm, ngành giao thông – vận tải sẽ phải tiếp nhận thêm khoảng 20.000 tỷ đồng cho 8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông chuyển đổi từ hình thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công, Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cùng 2 dự án nâng cấp, cải tạo 2 đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Thách thức là rất lớn bởi toàn bộ dự án trên vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thậm chí có công trình còn chưa phê duyệt chủ trương đầu tư (là những bước đi đầu tiên để triển khai một dự án đầu tư xây dựng cơ bản). Sẽ không dễ giải ngân hết nguồn vốn bổ sung này trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, bởi ngoài khoản tạm ứng 20 – 30% giá trị hợp đồng cho các nhà thầu, nguồn vốn quý giá được Chính phủ ưu tiên bố trí chỉ được giải ngân khi có khối lượng thực tế trên các công trường.

Cũng cần lưu ý thêm, ngoài những khó khăn cố hữu như giải phóng mặt bằng, những năm qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do có liên quan tới yếu tố thủ tục pháp lý khi còn những quy định chưa thực sự rõ ràng, thủ tục rườm rà làm kéo dài thời gian. Chỉ một vướng mắc nhỏ là có thể khiến cả một dự án lớn bị đình lại.

Chính vì vậy, cùng sự quan tâm, phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan chức năng để sớm khởi công 3 đại dự án vừa bổ sung, ngành giao thông – vận tải nên tận dụng tối đa dư địa từ các công trình đang triển khai thi công, có khả năng tiêu thụ vốn lớn như các dự án đường sắt đô thị; tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; 3 dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công… Với những dự án này, chỉ có bám sát công trường, thậm chí cầm tay, chỉ việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm đưa công trình vào khai thác.

Cùng với việc sớm giao vốn, các bộ, ngành, địa phương cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án..

Tinh thần phải quyết liệt thì mới có thể thúc đẩy được giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện thắng lớn nhiệm vụ kép, là vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa ổn định, phát triển sản xuất, duy trì tăng trưởng kinh tế.