Góp đủ vốn, Dự án Khu công viên giải trí đa năng Park City chờ đổi vận

Dự án Park City vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chưa có bất cứ hạng mục nào được khởi công.

Dự án chậm hàng chục năm, 11 lần thay đổi giấy phép

Tọa lạc tại Khu chức năng số 10, Khu đô thị mới Nam Thành phố (thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), Dự án Khu công viên giải trí đa năng Park City có diện tích gần 50 ha, hiện vẫn là bãi đất trống, chưa thấy hình hài của một công viên đa chức năng như giới thiệu của chủ đầu tư khi xin cấp phép dự án.

Dự án được cấp giấy phép đầu tư vào tháng 12/1998 cho Công ty Liên doanh Saigon Max. Mặc dù có chức năng chủ đạo là công viên giải trí đa năng, nhưng Dự án được bổ sung cả chức năng ở và chủ đầu tư được xây dựng căn hộ ở cao tầng để bán và cho thuê. Tổng vốn thực hiện Dự án là 4.960 tỷ đồng (tương đương 310 triệu USD), trong đó vốn góp thực hiện Dự án là 1.120 tỷ đồng (tương đương 70 triệu USD).

Đến tháng 12/2008, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty cổ phần Park City, tiền thân là Công ty Liên doanh Saigon Max – hình thành bởi liên doanh giữa Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Saigon Entertainment Park Holding (S) Pte Ltd (Singapore); sau đó phía Sadeco chuyển nhượng phần vốn góp cho phía đại diện liên doanh nước ngoài.

Sau nhiều lần thay đổi giấy phép đầu tư, chủ đầu tư dự án đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên và đăng ký thay đổi lần thứ 11 vào ngày 15/3/2023 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp, với vốn điều lệ 1.120 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý tại dự án này là chủ sở hữu mang tên Saigon Entertainment Park Holding (S) Pte Ltd, địa chỉ trụ sở chính tại Singapore. Người đại diện theo pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo với chức danh Tổng giám đốc. Bà Thảo cũng chính là nhà sáng lập, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH TNI King Coffee.

Về tiến độ thực hiện Dự án, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008 đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chưa có bất cứ hạng mục nào được khởi công.

Kiến nghị tiếp tục thực hiện dự án

Sau nhiều năm dự án trì trệ, UBND TP.HCM đã giao Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố (gọi tắt là Ban Quản lý khu Nam) làm việc với chủ đầu tư để xem xét có tiếp tục thực hiện dự án hay không? Sau đó, Ban Quản lý khu Nam cùng các sở, ngành đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư về phương án đề xuất tiếp tục thực hiện Dự án.

Suốt từ năm 2017 đến 2020, nhà đầu tư đã đề xuất các phương án tiếp tục thực hiện Dự án, trong đó có cả phương án giảm diện tích vì khó giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là vốn, thì chủ đầu tư chưa chứng minh được năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện Dự án.

Trong năm 2021, Ban Quản lý khu Nam đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư bổ sung hồ sơ năng lực tài chính. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối tháng 1/2022, Công ty TNHH một thành viên Park City xin gia hạn thời gian bổ sung vốn, chứng minh năng lực tài chính chậm nhất trong tháng 2/2022 sẽ có báo cáo. Nhưng đến tháng 6/2022, doanh nghiệp mới bổ sung đầy đủ hồ sơ năng lực tài chính để thực hiện Dự án.

Cuối tháng 3/2023, Ban Quản lý khu Nam có Báo cáo số 178/BQLKN-KHĐT gửi UBND TP.HCM về các nội dung liên quan đến Dự án Park City. Theo đó, Ban Quản lý khu Nam nêu ra các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vì từ năm 2000 đến nay, người dân liên tục xây dựng trái phép trên đất dự án và chưa được xử lý triệt để. Tình trạng mua đi bán lại nhà và đất bằng giấy tay rất phức tạp, không kiểm soát được dẫn đến khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Một khó khăn nữa là theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, thời hạn thực hiện Dự án là 50 năm, kể từ ngày 26/12/1998. Như vậy, thời hạn thực hiện dự án chỉ còn lại 24 năm, trong khi các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng còn phải mất nhiều thời gian mới có thể hoàn tất để triển khai xây dựng.

Về phía nhà đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Park City kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp và quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời, kiến nghị UBND huyện Bình Chánh và xã Bình Hưng hướng dẫn phương án đền bù tái định cư, hỗ trợ sớm thu hồi đất, xác định ranh chính thức đền bù để để nhà đầu tư chủ động sắp xếp nguồn tài chính và phối hợp triển khai. Nhà đầu tư cũng mong muốn được hỗ trợ giải quyết hồ sơ pháp lý để Dự án đáp ứng đủ điều kiện triển khai và khởi công theo quy định hiện hành.

Về phương án tài chính, nhà đầu tư cam kết đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào tháng 3/2023, Công ty TNHH một thành viên Park City thực hiện tăng vốn điều lệ lên 1.120 tỷ đồng (tương đương 22,6% tổng mức đầu tư của Dự án). Chủ đầu tư cũng đã được Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Kỳ Đồng (TP.HCM) xác nhận đảm bảo cho vay 6.502 tỷ đồng để thực hiện Dự án.

Vì vậy, Ban Quản lý khu Nam kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH một thành viên Park City được tiếp tục thực hiện Dự án. Đồng thời, thực hiện song song các công việc như điều chỉnh, cập nhật nội dung giấy chứng nhận đầu tư và hoàn thiện pháp lý bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư sớm thực hiện Dự án.

Sau khi nhận được đề xuất của Ban Quản lý khu Nam, ngày 26/4/2023, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 3831/VP-DA giao Thanh tra TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Bình Chánh có ý kiến về phương án đề xuất tiếp tục thực hiện Dự án Park City và báo cáo UBND TP.HCM trước ngày 20/5/2023.

Trong phương án đề xuất tiếp tục thực hiện Dự án, Công ty TNHH một thành viên Park City dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong 36 tháng kể từ ngày UBND TP.HCM chấp thuận cho tiếp tục thực hiện Dự án. Hoàn tất xây dựng các công trình thuộc giai đoạn I (phần diện tích 27 ha tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh) trong thời gian 36 tháng kể từ ngày hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn I.

Đối với giai đoạn II, nhà đầu tư dự kiến hoàn tất xây dựng các công trình trong thời gian 36 tháng kể từ ngày hoàn tất giải phóng mặt bằng cho giai đoạn II.