Hà Nội: Dự báo xu hướng logistics nội đô thích ứng với bối cảnh mới

Ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc HPA phát biểu khai mạc Tọa đàm “Dự báo xu hướng logistics nội đô thích ứng với bối cảnh mới”. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc HPA cho biết, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Logistics là chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ…

Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin…

Phát triển thị trường dịch vụ logistics sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về các xu hướng trong hoạt động logistics nội đô, những khó khăn và thách thức trong bối cảnh mới. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Theo ông Lê Tự Lực, ngày 24/12/2021, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 24/12/2021 về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 11/3/2022 về phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 với mục tiêu: Phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của Thành phố;

Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại – dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực;

Hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics theo tiêu chuẩn quốc tế: mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của thành phố Hà Nội đạt 9% – 11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17% – 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% – 65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14% – 17% GRDP Thành phố.

Phó giám đốc HPA nhấn mạnh, thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư cho phát triển dịch vụ logistics trên địa  bàn thành phố. Song việc tổ chức đầu tư cần phải có sự hưởng ứng tích cực và nỗ lực rất cao từ các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, các đoàn thể. Vì vậy, trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội mong muốn góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả và chuyên nghiệp.

Tại buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp tham gia đã được giới thiệu tổng quan thực trạng hoạt động logistics trên thế giới và hoạt động logistics nội đô tại Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành hoạt động logistics nội đô. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã cùng trao đổi, thảo luận về các xu hướng trong hoạt động logistics nội đô, những khó khăn và thách thức trong bối cảnh mới.