Hai tháng đầu năm, đầu tư ra nước ngoài tăng trưởng tích cực

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 115,1 triệu USD, gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ.

Trong đó, có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 109,4 triệu USD (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ); và có 4 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 5,68 triệu USD (cùng kỳ năm trước là -7,2 triệu USD).

Masan nhận chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Việc vốn đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh so với năm ngoái chủ yếu do có dự án mua cổ phần của Công ty Trust IQ Pte.Ltd tại Singapore, với tổng vốn đầu tư 105 triệu USD. Đây chính là dự án của Tập đoàn Masan, với mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ và tiêu dùng.

Thông tin cho biết, thông qua công ty con là The Sherpa, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đã mua 25% cổ phần của Trust IQ Pte. Ltd, có trụ sở chính tại Singapore. Lễ trao chứng nhận đăng ký đầu tư diễn ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore, được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Dự án này nằm trong mục tiêu chiến lược của Masan đến năm 2025 nhằm tạo nên hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người Việt.

Theo thỏa thuận hợp tác, Masan và Trust IQ Pte. Ltd sẽ cùng làm việc với nhau để xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ (Retail AI), và trí tuệ nhân tạo trong tiêu dùng (Consumer AI). Chuỗi bán lẻ WinCommerce (đơn vị vận hành WinMart/WinMart+/WIN) với nền tảng công nghệ cao từ Trust IQ Pte. Ltd sẽ hợp tác cùng với các đối tác tài chính trong nước đẩy mạnh mở mới thẻ tín dụng, hướng tới mục tiêu phổ cập tín dụng cho người dân Việt Nam.

Quay trở lại với tình hình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 2 tháng qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 ngành.

Trong đó, thông tin và truyền thông dẫn đầu với 1 dự án đầu tư mới có vốn đăng ký 105 triệu USD, chiếm 91,2% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành dịch vụ khác đứng thứ hai với 1 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 5 triệu USD, chiếm 4,3%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; y tế, công nghiệp chế biến chế tạo,…

Có 10 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu là Singapore với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 105,5 triệu USD, chiếm 91,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Israel, Thái Lan, Lào…

Lũy kế đến ngày 20/2/2023, Việt Nam đã có 1.617 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 21,89 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,7%).

Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (21,8%); Campuchia (13,4%); Venezuela (8,3%)…