Hợp tác xã phát triển đúng hướng, tiến chậm nhưng chắc

Bà Chu Thị Vinh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong khi doanh nghiệp dân doanh có dấu hiệu chững lại, bà có nghĩ rằng, kinh tế tập thể đã phục hồi trở lại sau Covid-19?

Năm 2022 có khoảng 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thì có đến 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong 3 tháng đầu năm nay, trong khi chỉ có 57.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong đó 23.000 doanh nghiệp quay trở lại sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, thì có tới 60.200 doanh nghiệp “tạm biệt cuộc chơi”. Như vậy, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động giảm xuống vì số gia nhập thấp hơn số rời khỏi thị trường.

Do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nên lần đầu tiên chứng kiến số doanh nghiệp gia nhập thị trường ít hơn số rời khỏi thị trường.

Trong khi đó, mặc dù không có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng khu vực kinh tế hợp tác vẫn tiếp tục tăng, tuy chậm nhưng vững chắc: số lượng HTX, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động năm 2022 đều tăng so với năm 2021.

Về số lượng, năm 2022 có 2.600 HTX thành lập mới, trong khi chỉ có 564 HTX giải thể. Quý I/2023, khu vực HTX có thêm 562 đơn vị mới thành lập, trong khi chỉ có 31 đơn vị giải thể, nâng tổng số HTX hiện có lên trên 29.900 đơn vị (không kể 71.000 tổ hợp tác), với 5,3 triệu thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 976.300 lao động.

HTX hoạt động “đa ngành, đa lĩnh vực”. Thưa bà, lĩnh vực nào hiệu quả nhất?

Thời buổi kinh tế thị trường, “HTX toàn xã” theo mô hình cũ dần đi đến hồi cáo chung, nhiều người cho rằng, HTX nông nghiệp đã hết vai trò lịch sử, kinh tế hợp tác sẽ phát triển ở những lĩnh vực khác như tín dụng, giao thông, xây dựng, dịch vụ, thương mại… Nhưng trên thực tế, khu vực nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là “sân chơi” của kinh tế tập thể, đặc biệt kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực.

Hiện tại, có 66% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2022, doanh thu bình quân của một HTX nông nghiệp đạt khoảng 2,3 tỷ đồng, lợi nhuận 378 triệu đồng, thu nhập của mỗi lao động đạt 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn có 4.800 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ liên quan trực tiếp tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn như chế biến nông, lâm, thủy sản; đồ gốm, gỗ mỹ nghệ; mây, tre, đan lát; dệt, may, thêu; sản xuất hàng tiêu dùng…

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, trong đó có sự đóng góp rất lớn của khu vực nông nghiệp, mà nòng cốt chính là HTX. Trong quý I/2023, riêng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đã đem về 7,86 tỷ USD, tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không có sự tham gia rất lớn của khu vực HTX, chắc chắn không thể đạt được kết quả này.

Có thể nói, HTX trong khu vực nông nghiệp tiến chắc, thắng chắc, nên đã vượt qua “cơn bạo bệnh mang tên Covid-19”. Theo bà, vì sao doanh nghiệp vẫn loay hoay trong vòng xoáy khó khăn, còn HTX nông nghiệp đã vượt qua được?

Về cơ bản, Luật Hợp tác xã 2012 đã tiếp cận được với hành lang pháp lý quy định về kinh tế hợp tác trên thế giới, là nền tảng để giúp HTX từng bước phát triển.

Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 16/6/2022) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, với nhiều cơ chế, chính sách đột phá đã khẳng định quan điểm của Đảng coi kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết 20-NQ/TW khẳng định, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường; phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững… Đây chính là yêu cầu bắt buộc các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc, coi phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, nhờ đó, khu vực HTX đã từng bước phát triển, đặc biệt là HTX nông nghiệp.

Ngoài ra, bản thân HTX cũng tự thân đổi mới. Cụ thể, hiện có khoảng 2.300 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp, hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp khác; 2.535 HTX ứng dụng công nghệ cao và 2.340 HTX áp dụng công nghệ số vào sản xuất. Đặc biệt, đã có 24,5% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc thực hiện bao tiêu nông sản cho thành viên (năm 2015, tỷ lệ này chỉ là 5-7%). Nhờ đó, hoạt động sản xuất của thành viên đạt hiệu quả cao hơn; cung cấp được nông sản bảo đảm chất lượng, giá thành, mẫu mã, chủng loại cho thị trường và đóng góp rất lớn vào hoạt động xuất khẩu nông sản.

Thực tế cho thấy, bộ, ngành, địa phương nào coi việc phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị thì HTX ở địa phương đó, khu vực đó phát triển, thưa bà?

Giai đoạn 2016-2022, hoạt động của kinh tế hợp tác trong khu vực nông nghiệp đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận: doanh thu bình quân của mỗi HTX tăng từ 1,6 tỷ đồng lên 2,3 tỷ đồng/năm, số lượng thành viên tăng mạnh, hiện có 38,5% tổng số hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản tham gia HTX. HTX nông nghiệp ngày càng cung ứng nhiều dịch vụ cho thành viên và xã hội, thậm chí đã có 2.400 HTX nông nghiệp đứng ra cung cấp dịch vụ sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và xã hội; trên 2.200 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết đầu tư thành lập dự án, doanh nghiệp trực thuộc.

Có được kết quả này nhờ sự hỗ trợ rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương… Đơn cử, Bộ Công thương đã tích cực triển khai phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk… trong việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản. Chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nông sản cho HTX thông qua các hoạt động giao thương, kết nối giữa nhà cung ứng là HTX với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu nước ngoài…