Hưng Yên thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên, trong thời gian qua, Ban đã quyết liệt, đồng bộ triển khai việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, cũng như bám sát Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, nên hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN đạt được một số kết quả tích cực.

Chỉ tính trong tháng 10/2022, Ban Quản lý các KCN Hưng Yên đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án (3 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 485 tỷ đồng và 12,3 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 12 dự án (5 dự án trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài) với vốn đầu tư tăng thêm 808,7 tỷ đồng và 65 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm trong tháng 10 là 1.293,7 tỷ đồng và 77,3 triệu USD.

“Tính từ đầu năm đến nay, thu hút vốn FDI đạt 555 triệu USD, bằng 123,33% kế hoạch được UBND tỉnh giao trong năm 2022 và bằng 111% so với cùng kỳ”, ông Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cho biết.

Cụ thể, Ban đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 30 dự án (11 dự án FDI và 19 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư 102,7 triệu USD và 2.374 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 43 dự án (14 dự án trong nước và 29 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 291 triệu USD và 1.565 tỷ đồng.

Vẫn theo ông Tam, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh thu hút vốn FDI mới, thì việc các nhà đầu tư mở rộng sản xuất, nâng vốn đầu tư cũng là một kết quả rất tốt, khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của tỉnh.

Trong tháng 10/2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi đối với 3 dự án đầu tư trong KCN; cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho 4 dự án đầu tư trong các KCN; hoàn thành kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng đối với 5 dự án đầu tư; phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với một dự án. Đồng thời, thực hiện giám sát thường xuyên tình hình xây dựng công trình của các doanh nghiệp trong các KCN.

Cũng chính từ sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, nên trong tháng 10/2022, chủ đầu tư hạ tầng các KCN đã thực hiện chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân được khoảng 73 ha. Tính chung 10 tháng, các chủ đầu tư hạ tầng KCN đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng đạt khoảng 527 ha đất KCN, đạt 105,4% chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao trong năm 2022. Trong đó, một số KCN có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh như KCN số 5 và KCN Thăng Long II – giai đoạn III.

Đồng thời, các chủ đầu tư hạ tầng này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN được 102 ha, đạt 85% kế hoạch được UBND tỉnh giao trong năm 2022.

Có thể thấy, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của công chức cơ quan, nhằm bảo đảm các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, đúng pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý điều hành và thực thi công vụ gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhà đầu tư nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa tỉnh Hưng Yên. Từ đầu năm đến nay, khoảng 65% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến mức độ 3, 4…

“Từ nay đến hết năm 2022, Ban sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ thu hút đầu tư vào các KCN, nhất là các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; kịp thời giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh. Phấn đấu thu hút được 700 triệu USD vốn đầu tư vào các KCN của tỉnh, tạo đà cho hoạt động thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư cho những năm tiếp theo”, ông Tam cho biết.