Khi doanh nghiệp FDI tự đặt câu hỏi, nếu họ rời đi, Việt Nam còn gì

“Bản thân tôi, với tư cách là người Việt Nam, tôi luôn đặt câu hỏi, khi các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và rút đi, người Việt được cái gì?”, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestle Việt Nam, bày tỏ trăn trở tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư, vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestle Việt Nam.

Ông Hưng cho biết, Nestle có mặt tại Việt Nam từ năm 1912 và đến 1915, Nestle Việt Nam chính thức được thành lập. Tính đến nay, Nestle đã đầu tư tại Việt Nam trên 730 triệu USD với 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối, sử dụng trên 2.200 nhân viên; đồng thời tạo ra 10.000 cơ hội việc làm gián tiếp trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, câu chuyện mà đại diện Nestle Việt Nam muốn chia sẻ tại hội thảo không phải những vấn đề đầu tư về “phần cứng”, mà liên quan trực tiếp đến “phần mềm”.

“Với người Việt Nam chúng ta, chúng ta cần các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, trình độ và kiến thức”, ông khẳng định.

Ví dụ tại Nestle Việt Nam, ngoài chương trình kết hợp với sinh viên năm cuối các trường đại học, doanh nghiệp còn đưa nhân sự Việt Nam sang tất cả các thị trường Nestle trên thế giới để được trực tiếp học hỏi, tiếp thu công nghệ, tham gia vào quản lý,…Khi về Việt Nam, họ trở thành nhân viên cấp trung hoặc cao cấp.

Ông Hưng tiết lộ trong số 4 nhà máy của Nestle tại Việt Nam, có 2 nhà máy do người Việt làm giám đốc. Đây chính là những nhân sự được Nestle cử đi học tập tại nước ngoài, sau đó trở lại Việt Nam làm việc. Ngoài ra, nhà máy chế biến có công suất lớn nhất của Nestle hiện cũng do người Việt Nam tự vận hành.

Bên cạnh chương trình đầu tư vào nhân tài, Nestle còn chú trọng đến các yếu tố cộng đồng. Mỗi năm Nestle thu mua 20% tổng lượng cà phê được sản xuất tại Việt Nam để chế biến, xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Đặc biệt, với chương trình Nescafe Plan triển khai từ 2011 đến nay, Nestle đã giúp 260.000 nông dân Việt Nam có kiến thức canh tác cà phê theo hướng bền vững, biết cách áp dụng công nghệ số để kiểm soát các yếu tố đầu vào như nước, phân bón. Nhờ vậy, người nông dân tiết kiệm được 40% lượng nước, 20-30% lượng phân bón so với canh tác truyền thống. Thu nhập của người trồng cà phê tăng 30-100%.

“Các chương trình của Nestle tạo ra giá trị chung không chỉ với công ty mà còn với đối tác, với địa phương và cộng đồng, đúng với tiêu chí cùng nhau phát triển vì một Việt Nam thịnh vượng”, ông Khuất Quang Hưng nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm với đại diện Nestle, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam không chỉ là thị trường đầu tư mà còn là mảnh đất nuôi dưỡng các doanh nghiệp FDI, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần liên tục bồi đắp mảnh đất này.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam.

“Các doanh nghiệp nước ngoài không nên chỉ đầu tư rồi rời đi, mà cần đồng hành và phát triển cùng người dân Việt Nam, cần xây dựng tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đại diện Samsung khẳng định.

Ông tiết lộ Samsung đang dành cho Việt Nam khoản ngân sách xã hội ở mức cao nhất so với các quốc gia Samsung đầu tư, tương ứng với tầm quan trọng của Việt Nam đối với Samsung. Doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến hoạt động kinh doanh mà còn thực hiện các dự án đào tạo, bồi dưỡng nhân tài công nghệ, hỗ trợ học tập cho học sinh khó khăn, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao tại Việt Nam…

“Nếu doanh nghiệp nước ngoài tăng cường hơn nữa hoạt động xã hội tại Việt Nam, mối quan hệ giữa hai bên sẽ không chỉ dừng lại ở quan hệ kinh doanh mà còn phát triển thành quan hệ đối tác và có thể cùng nhau vượt qua bất cứ khó khăn nào”, đại diện Samsung khẳng định.