Khơi thông nguồn lực tài chính cho phát triển

Lạm phát là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế

Điều này được TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia – NCIF) nhấn mạnh khi đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng 2022 tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam diễn ra tuần qua.

“Theo dự báo của chúng tôi, giá xăng dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới chưa thể giảm nhanh, thậm chí giá thế giới có thể tạo một mặt bằng giá mới cao hơn sau đại dịch Covid-19. Do đó, đối với Việt Nam, lo ngại về nhập khẩu lạm phát là có thật”, ông Thắng nói.

Cho rằng, Việt Nam cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn, TS. Trần Toàn Thắng dự báo, lạm phát năm 2021 sẽ trong khoảng 2 – 2,5% và năm 2022 có thể lên tới 4%.

Theo ông Thắng, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm bộc lộ nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân. Covid-19 cho thấy khả năng ảnh hưởng tới một số yếu tố dài hạn của tăng trưởng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dưới tiềm năng gia tăng, cấu trúc lao động thay đổi do dịch chuyển giữa các ngành, vốn đầu tư sụt giảm do đầu tư công không thể giải ngân đúng tiến độ, đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài đều tăng chậm.

Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ sự chuyển dịch dòng vốn trong nước, trong đó đáng ngại nhất là việc rò rỉ sang các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán trong khi vốn sản xuất – kinh doanh vẫn thiếu hụt. Nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong khi thu – chi ngân sách bắt đầu gặp khó khăn. Lao động thiếu hụt tại các vùng động lực có thể làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế.

Về tăng trưởng kinh tế, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, kịch bản khả dĩ nhất cho tăng trưởng GDP năm 2021 là 1,52%, trong đó quý IV đạt mức tăng 2,02%.

Dự báo tăng trưởng năm 2022, theo TS. Trần Toàn Thắng, kinh tế sẽ không thể phục hồi nhanh theo hình chữ V. Khả năng khả thi nhất là tăng trưởng đạt 5,8% trong năm này với giả định, kinh tế thế giới hồi phục tốt và việc kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện.

Tập trung vào các giải pháp tài chính

Trước triển vọng khó có thể phục hồi nhanh trong quý IV/2021 cũng như đầu năm 2022, các chuyên gia kiến nghị, trong ngắn hạn, cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát hợp lý Covid-19 kết hợp với gia tăng độ bao phủ vắc-xin. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần được thực hiện khẩn trương, song cần chú ý về chi phí thực hiện chính sách, cũng như hiệu lực thực thi chính sách tương đối thấp hiện nay.

Về dài hạn, Việt Nam cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số; đồng thời, tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh các chương trình tái cấu trúc; tận dụng hội nhập, các hiệp định FTA; thu hút FDI có chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Cùng với đó, theo ông Thành, cần đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới. Theo đó, Chính phủ cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ và động lực khuyến khích để cán bộ dám nghĩ, dám sáng tạo, dám làm vì sự phát triển đất nước.

Đi sâu phân tích các giải pháp tài chính từ kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, ông Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, thị trường tài chính không được kiểm soát dễ xảy ra bong bóng tài sản, bất ổn, cho vay ngắn hạn quá nhiều và cho vay dài hạn quá ít.

Theo ông Jonathan Pincus, Việt Nam cần cải tổ lại các tổ chức tài chính hiện có và thành lập các tổ chức tài chính mới để làm tăng cung tín dụng dài hạn tài trợ cho phát triển hạ tầng và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.