Kiềm chế hay kiểm soát lạm phát theo mục tiêu?

Tác động không mong muốn của lạm phát

Trong kinh tế thị trường, giá cả (lạm phát) là biểu hiện tổng hòa của nhiều mối quan hệ: quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa cung và cầu, giữa tiền và hàng, giữa chi phí đầu vào và đầu ra…, chỉ cần một mối quan hệ nào đó bị mất cân đối, thì lạm phát xảy ra.

Sản xuất thấp hơn tiêu dùng sẽ gây ra lạm phát theo nghĩa giá cả tăng; sản xuất cao hơn tiêu dùng sẽ gây ra giảm phát theo nghĩa giá cả giảm. Cầu cao hơn cung thì giá tăng, lạm phát tăng; cung cao hơn cầu thì giá giảm. Trên thị trường, tiền nhiều hơn hàng thì lạm phát, hàng nhiều  hơn tiền thì giá giảm. Chi phí đầu vào tăng thì giá đầu ra tăng.

Không chủ thể nào của thị trường muốn xảy ra lạm phát.

Khi đồng tiền giảm giá, người tiêu dùng phải mất nhiều tiền hơn để mua được một lượng hàng như cũ, hoặc cùng một số tiền nhưng chỉ mua được lượng hàng ít hơn, dẫn đến mức sống thực tế bị giảm.

Khi giá bán tăng, người sản xuất, kinh doanh tưởng rằng có lãi, nhưng thực ra là “ăn vào vốn”, phải mua cao hơn trong chu kỳ sau.

Nhà nước gặp bất ổn vĩ mô, thu – chi ngân sách về danh nghĩa không giảm, nhưng thực thu, thực chi ngân sách giảm do sự mất giá của đồng tiền. Người đi vay nợ (kể cả nhà nước) tưởng rằng có lợi khi lạm phát giảm, tỷ giá VND/ngoại tệ giảm, nhưng khi lạm phát tăng, tỷ giá VND/ngoại tệ tăng, thì khi trả nợ cũng sẽ tăng vì lãi suất tăng. Nếu chạy theo tăng trưởng, thì sẽ sa vào lòng luẩn quẩn: tăng trưởng cao – lạm phát cao – thắt chặt – suy giảm – nới lỏng; hoặc là: sức mua giảm – tồn kho tăng – sản xuất giảm – nợ xấu tăng – tín dụng giảm.

Chọn giải pháp nào?

Khi lạm phát tăng, Nhà nước sẽ có động thái kiềm chế hay kiểm soát lạm phát theo mục tiêu?

Trường lạm phát quá cao, thì giảm lạm phát là lựa chọn đương nhiên. Có 2 phương thức giảm lạm phát, là kiềm chế lạm phát và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Hai phương thức này có chung mục tiêu giảm lạm phát, nhưng khác nhau ở mức độ.

Kiềm chế lạm phát là áp dụng các biện pháp mạnh để đưa lạm phát từ mức cao (cao hơn định hướng) xuống, trong một số trường hợp còn được áp dụng khi lạm phát đã thấp hơn định hướng.

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là sự chuyển hướng trong việc chống lạm phát từ kiềm chế sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu khi mức lạm phát đã ngang với mục tiêu (định hướng); lúc này, nếu tiếp tục kiềm chế lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây ra tình trạng trì trệ.

Ở Việt Nam, trong mấy năm gần đây, phương thức giảm lạm phát có xu hướng nghiêng về kiềm chế lạm phát, ngay cả khi lạm phát đã thấp tương đối xa so với định hướng. Sự kiềm chế lạm phát bộc lộ ở xu hướng tăng trưởng tín dụng chậm lại, khi CPI bình quân giảm xuống chỉ còn dưới 2%, thậm chí dưới 1%.

Năm 2022 tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14,5%, không cao hơn nhiều so với 2 năm trước; thu ngân sách vượt khá xa so với dự toán và tăng khá cao so với năm trước, chi ngân sách đạt thấp hơn; cân đối thu – chi chuyển từ bội chi theo dự toán sang bội thu tương đối lớn trong thực hiện. Nhưng, CPI bình quân chỉ tăng 3,15%, thấp xa so với thế giới và thấp tương đối xa so với định hướng (4%). Nguyên nhân chủ yếu do “cầu” tuy tăng khá cao về tốc độ, nhưng chủ yếu do dịch vụ trong điều kiện bình thường mới, quy mô tổng cầu còn yếu với mức xuất siêu hàng hóa gần nhiều lần năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ so với dự toán năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ của thu ngân sách cao hơn nhiều so với chi ngân sách (tương ứng đạt 22,4% so với 11,7% và tăng 10,6% so với 6%), bội thu lớn hơn (120,3 ngàn tỷ đồng so với 99,3 ngàn tỷ đồng); tăng trưởng tín dụng thấp (0,77%), với mục tiêu CPI bình quân cao hơn (4,5%), nhưng khả năng lạm phát cả năm cũng sẽ không lớn. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tuy cao hơn cùng kỳ, nhưng so với tháng 12/2022 vẫn thấp hơn (0,97% so với 1,2%). Giá nhập khẩu so với cùng kỳ của một số mặt hàng giảm. Tỷ giá VND/USD tháng 2/2023 so với tháng 12/2022 giảm 1,85%. Xuất siêu hàng hóa năm nay có thể không lớn như năm trước. Tổng cầu cũng không tăng mạnh để gây áp lực lớn cho lạm phát năm 2023.

Do vậy, năm 2023, phương thức giảm lạm phát không nên nghiêng về kiềm chế, mà nên tiếp tục nghiêng về kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.