Kiên Giang kiểm tra giám sát, tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 UBND tỉnh Kiên Giang đã triển khai giao chi tiết là 5.124.419 triệu đồng, đạt 100% so Nghị quyết Hội đồng nhân dân Tỉnh giao. Trong đó, vốn ngân sách địa phương đã giao 3.930.690 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương đã giao 1.193.729 triệu đồng.

Tính đến ngày 15/5/2022, giá trị giải ngân là 644.835/5.124.419 triệu đồng, đạt 12,58% kế hoạch, tăng so với tháng trước là 3,76%, cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,78%. Trong đó, nguồn vốn do các Sở, ban ngành cấp tỉnh quản lý (chiếm 46,39% kế hoạch) giá trị giải ngân là 269.304/2.377.044 triệu đồng, đạt 11,33% kế hoạch; nguồn vốn do cấp huyện quản lý (chiếm 53,61% kế hoạch) giá trị giải ngân là 375.531/2.747.375 triệu đồng, đạt 13,67% kế hoạch.

Có 50 công trình lớn, trọng điểm do các Sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương quản lý được bố trí 3.862.012/5.124.419 triệu đồng, chiếm 75,36% kế hoạch vốn năm 2022 của cả tỉnh. Kết quả đến ngày 15/5/2022, giá trị giải ngân là 389.308/3.862.012 triệu đồng, đạt 10,08% kế hoạch.

Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho rằng, mặc dù đã nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm, nhưng tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến ngày 15/5/2022 vẫn thấp, đạt tỷ lệ 12,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 15,08%, do những tồn tại, hạn chế sau:

Một số đơn vị vẫn thực hiện chưa nghiêm các chỉ đạo của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ và cơ quan Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, UBND Tỉnh như: chưa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra;

Chưa giải ngân theo kế hoạch đề ra theo chỉ thị của UBND Tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 571/SKHĐT-THQHKH ngày 09/5/2022 để đôn đốc các đơn vị thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh);

Chưa triển khai và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công đối với các công trình triển khai mới năm 2022, nhất là các dự án trọng điểm;

Phần lớn các đơn vị chậm hoặc chưa xây dựng kế hoạch triển khai cho từng dự án cụ thể để có giải pháp chỉ đạo điều hành cho phù hợp theo kế hoạch dự án (theo Chỉ thị số 04/CT- UBND ngày 15/4/2022 của UBND Tỉnh);

Công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, còn chậm, quy trình thủ tục còn kéo dài, khiếu nại khiếu kiện trong công tác lập phương án bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng tiến độ của nhiều công trình, nhất là đối với ngành giao thông.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cũng nêu một số nguyên nhân làm cho quá trình triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 còn chậm tiến độ do một số khó khăn, vướng mắc sau:

Các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương triển khai chậm (đến thời điểm báo cáo vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án bồi hoàn, giải phóng mặt bằng), các dự án bố trí mới chưa hoàn thành thủ tục để đấu thầu xây lắp, gồm các dự án: đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương; cầu thị trấn Thứ 11 (vượt kênh Tân Bằng – Cán Gáo); đường Minh Lương – Giục Tượng; đường tránh thị trấn Kiên Lương (điểm đầu ĐT.971 đến trạm điện Kiên Bình Quốc lộ 80); kè chống sạt lở kênh Hà Giang (đoạn Trung tâm hành chính – Khu dân cư Đầm Chít).

Nhóm các dự án vẫn đang vướng công tác giải phóng mặt bằng chưa giải quyết dứt điểm, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, gồm các dự án: đường 3/2 nối dài (đường bộ ven biển tỉnh Kiên Giang- đoạn qua địa bàn TP. Rạch Giá và huyện Châu Thành); đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất; nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông- Cửa Cạn- Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam – Bắc; đường ven sông Cái Lớn (đi qua huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần huyện Gò Quao); cải tạo, nâng cấp Đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy ở U Minh Thượng; nâng cấp đường Thứ 2 đến Công Sự, huyện An Biên và U Minh Thượng; cầu Mỹ Thái (vượt kênh Rạch Giá – Hà Tiên); đầu tư xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển, ven biển tỉnh Kiên Giang; đường nhánh số 3 – khu vực Bãi Trường; đường trung tâm Bãi Trường đoạn 3 và các đường nhánh;…

Nhóm các dự án chậm hoặc phải điều chỉnh hồ sơ, thủ tục (phê duyệt điều chỉnh dự án, thiết kế bản vẽ thi công- dự toán) mới triển khai, cụ thể: Trung tâm y tế huyện U Minh Thượng, Trung tâm y tế huyện Giang Thành đang trình Sở Xây dựng thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án; Trường Cao đẳng Kiên Giang; Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang; đường Minh Lương- Giục Tượng; đường tránh thị trấn Kiên Lương (Điểm đầu ĐT.971 đến trạm điện Kiên Bình Quốc lộ80);…

Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng, nguyên nhiên liệu thời gian gần đây có xu hướng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Giá nhiên liệu tăng so với thời điểm ban hành đơn giá khoảng từ 22% đến 29%. Giá cước vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay đã tăng so với thời điểm ban hành khoảng từ 24% đến 27%.

Được biết, trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp hơn mức bình quân chung cả nước, vào ngày 31/5/2022, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã có Công văn số 4143/VP-KT gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu các sở, ngành địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 15/4/2022. Trong đó lưu ý phải thành lập ngay “Tổ kiểm tra, thúc đẩy giải ngân đầu tư công” và tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành, địa phương có vốn lớn khẩn trương áp dụng các biện pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn kế hoạch năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, kịp thời rà soát, tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn và chủ trì thành lập các Đoàn/Tổ công tác kiểm tra các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh tại kỳ họp thường kỳ tháng 6/2022.

Đồng thời giao Sở Tài chính tiếp tục kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quyết toán dự án; kịp thời công bố công khai những đơn vị vi phạm chế độ, quy định về quyết toán.